VPBank chốt phương án dùng gần 36.000 tỷ đồng từ bán cổ phần cho đối tác Nhật
Khoản đầu tư từ SMBC sẽ mang lại cho VPBank 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam sau Vietcombank.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) vừa công bố nghị quyết của HĐQT về việc thông qua phương án chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Theo đó, VPBank sẽ phát hành hơn 1,19 tỷ cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho Sumimoto Mitsui Banking Corp (SMBC), với giá dự kiến 30.159 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị hơn 35.900 tỷ đồng. Số cổ phiếu trên tương đương 17,734% lượng cổ phần đang lưu hành của VPBank và 15% lượng cổ phiếu lưu hành sau khi chào bán thành công.
Thời gian thực hiện trong quý 3, quý 4/2023, sau khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho SMBC mua cổ phần của VPBank và Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Toàn bộ số cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 5 năm kể từ ngày đăng ký bổ sung số cổ phiếu này tại Trung tâm lưu ký chứng khoán.
Với tổng số tiền thu được là hơn 35.904 tỷ đồng, VPBank sẽ ghi nhận tăng vốn điều lệ thêm 11.905 tỷ đồng và thặng dư vốn cổ phần trên 23.999 tỷ đồng.
Về phương án sử dụng vốn, VPBank sẽ dùng 34.999 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn để phục vụ cho nhu cầu cho vay/cấp tín dụng cho khách hàng.
905 tỷ đồng đầu tư vào hạ tầng, cơ sở vật chất, phát triển hệ thống công nghệ thông tin lớn... phục vụ cho nhu cầu phát triển của Hội sở và mạng lưới chi nhánh; trang bị các máy móc thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu của khách hàng; mở rộng/sửa chữa/cải tạo hệ thống mạng lưới chi nhánh.
Tại nghị quyết này, HĐQT VPBank cũng đã thông qua việc nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa lên 30% vốn điều lệ để đảm bảo thực hiện phương án chào bán riêng lẻ.
Trước đó, hồi cuối tháng 3, VPBank đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ cho Ngân hàng SMBC của Nhật Bản (thuộc tập đoàn tài chính SMFG). Thỏa thuận này đã chính thức đưa SMBC Group trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank.
Thỏa thuận đầu tư lần này là một phần trong kế hoạch tăng vốn đã được VPBank thực hiện từ năm 2022 nhằm tăng cường năng lực tài chính dài hạn và giúp ngân hàng đạt được mục tiêu tăng trưởng chiến lược trong 5 năm tới.
Theo VPBank, khoản đầu tư của SMBC sẽ mang lại cho ngân hàng 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1, tương đương 1,5 tỷ USD, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng. Qua đó, đưa VPBank trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam, sau Vietcombank. Điều này cho phép VPBank có đủ sức mạnh tài chính để đáp ứng các nhu cầu của khách hàng ở tất cả các phân khúc chiến lược.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng cũng cho biết, vào ngày 17/4 VPBank đã nhận được đặt cọc 10% giá trị thương vụ, tương ứng với hơn 3.590 tỷ.
Ngay sau đó, chia sẻ tại buổi gặp gỡ cổ đông ngày 18/5, bà Lưu Thị Thảo - Phó Tổng Giám đốc thường trực VPBank - cho biết ngân hàng đang thực hiện các bước để hoàn tất thương vụ như xin phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền và chào bán riêng lẻ tăng vốn điều lệ theo quy định pháp luật. Quá trình này sẽ diễn ra trong khoảng 2 - 3 tháng, dự kiến khoảng cuối tháng 7 và đầu tháng 8 sẽ hoàn tất các thủ tục và nhận tiếp 90% số tiền còn lại, ghi nhận vào vốn của VPBank.