VPBank và đường đến thịnh vượng
Từ một ngân hàng thường thường bậc trung, thậm chí có lúc vật lộn với khó khăn, từ năm 2017 đến nay, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã hoàn thành và giữ vững mục tiêu là một ngân hàng TMCP hàng đầu tại Việt Nam.
Chiến lược chuyển hướng tập trung vào bán lẻ, đặc biệt là cho vay tiêu dùng đã mang đến cho VPBank sự “thịnh vượng” như chính cái tên của tổ chức này.
Tuy nhiên, câu chuyện đầu tư cho các lĩnh vực lợi nhuận lớn, rủi ro cao cũng khiến VPBank đau đầu với nợ xấu, với không ít tai tiếng trên thị trường. Và “chìa khóa” để ngân hàng này đối phó với rủi ro và duy trì tăng trưởng là đưa ra những chiến lược kinh doanh linh hoạt và vận hành hệ thống quản trị rủi ro hiệu quả cao.
Quản trị hiệu quả, giải bài toán đối phó rủi ro
Năm 2017 đánh dấu mốc quan trọng trong hoạt động kinh doanh của VPBank khi ngân hàng hoàn thành mục tiêu trở thành một trong những ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam trong kế hoạch 5 năm 2012 - 2017.
Tính đến 31/12/2017, tổng tài sản hợp nhất của ngân hàng đạt 277.750 tỷ đồng, vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu lần lượt tăng lên mức 15.706 tỷ đồng và 29.693 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với năm 2016. Đây là kết quả của sự chuyển hướng tập trung vào các dịch vụ và sản phẩm ngân hàng bán lẻ. Doanh thu từ phân khúc khách hàng cá nhân, tài chính tiêu dùng và DNNVV năm 2017 chiếm gần 80% trong tổng doanh thu của ngân hàng.
Thực tế, thời gian vừa qua, nói đến VPBank là người ta nghĩ ngay đến cho vay tiêu dùng, đến công ty tài chính. Chính “gà đẻ trứng vàng” cho vay tiêu dùng và Công ty Tài chính FECredit đã góp phần đưa ngân hàng này lên một “tầm cao mới”. Những khoản vay nhỏ lẻ, lãi suất cao, điều kiện vay linh hoạt này đã mang đến cho ngân hàng này sự “thịnh vượng” đúng như cái tên của mình.
Tuy nhiên, tài chính tiêu dùng cũng mang đến cho lãnh đạo VPBank không ít mối lo khi lợi nhuận cao luôn đi kèm với rủi ro lớn. Tỷ lệ nợ xấu tăng cao trong một thời gian, những tai tiếng của việc đòi nợ… là những áp lực mà ngân hàng này phải đối mặt và tìm cách giải quyết. Và giải pháp được VPBank kịp thời đưa ra những chiến lược kinh doanh linh hoạt và vận hành hệ thống quản trị rủi ro hiệu quả cao.
Theo đó, trong năm 2017, VPBank đã trích lập hơn 8.000 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro, tương đương 30% tổng thu nhập hoạt động thuần. Để tối đa hóa lợi nhuận, VPBank đã áp dụng hiệu quả các biện pháp thu hồi nợ. Với các giải pháp này, đến cuối tháng 9/2019, nợ xấu hợp nhất của VPBank đã giảm từ 4,24% tại thời điểm một năm trước đó xuống mức 3,1%. Mức giảm ở tỷ lệ nợ xấu sẽ rõ ràng hơn nếu nhìn riêng vào ngân hàng mẹ và Công ty Tài chính FE Credit. Cụ thể, nợ xấu của VPBank riêng lẻ giảm xuống còn 2,45% cuối quý 3/2019. Trong cùng quãng thời gian đó, nợ xấu của FE Credit cũng giảm từ 6,36% xuống 5,21% cuối quý 3/2019.
Giấc mơ vươn tầm thế giới
Với hoạt động kinh doanh hiệu quả, giá trị thương hiệu ngày càng cao, VPBank không chỉ khẳng định được vị trí trong nước mà còn được nhiều tổ chức xếp hạng uy tín thế giới đánh giá cao. Tháng 9/2019, tổ chức xếp hạng thương hiệu toàn cầu Brand Finance đã xếp VPBank trong Top 50 thương hiệu mạnh của Việt Nam 2019 và là ngân hàng tư nhân có vị trí cao nhất. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, VPBank được đánh giá là thương hiệu mạnh nhất trong nhóm các ngân hàng tư nhân.
Đầu năm nay, VPBank cũng đã trở thành ngân hàng tư nhân Việt Nam đầu tiên nằm trong danh sách 500 thương hiệu ngân hàng mạnh nhất toàn cầu, đứng ở vị trí 361 trên bảng xếp hạng. Brand Finance cho biết, giá trị thương hiệu của VPBank đã tăng hơn 6 lần, từ 56 triệu USD năm 2016 lên 354 triệu năm 2019. Bên cạnh đó, chỉ số xếp hạng thương hiệu (Brand rating) của ngân hàng cũng được xếp loại A trong thang xếp hạng từ D tới AAA+. Và chỉ số sức mạnh thương hiệu (Brand Strength Index) được Brand Finance chấm 58,76 điểm, trong thang điểm từ 0 - 100.
Sức mạnh thương hiệu của VPBank cũng được thể hiện mạnh mẽ ở những phân khúc chiến lược mà ngân hàng đang dẫn đầu thị trường. Đó là phân khúc tài chính tiêu dùng, khách hàng cá nhân, khách hàng DN vừa và nhỏ và khách hàng tiểu thương.
Ví dụ, ở phân khúc DN vừa và nhỏ, VPBank đã được cả Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và tạp chí uy tín The Asian Banker bình chọn là ngân hàng tốt nhất Việt Nam dành cho các DN vừa và nhỏ. Với hơn 80.000 khách hàng DN vừa và nhỏ, ngân hàng hiện đã phục vụ khoảng 10% số lượng các DN trên toàn quốc.
Trong khi đó, chiến lược số hóa các dịch vụ của ngân hàng cũng đã góp phần nâng cao thương hiệu của VPBank lên một nấc thang mới, thu hút thêm ngày càng nhiều khách hàng tới ngân hàng. Sự ra đời và cải thiện của các ứng dụng ngân hàng số, nền tảng cho vay trực tuyến như VPBank Online, SME Connect và YOLO, liên tiếp trong các năm qua, VPBank được các tổ chức trong nước và quốc tế bình chọn là ngân hàng số tiêu biểu tại thị trường Việt Nam.
Với mục tiêu trở thành một trong ba ngân hàng giá trị nhất trên thị trường, và là ngân hàng bán lẻ thân thiện với khách hàng nhất dựa trên nền tảng số hóa, VPBank trong những năm gần đây đã đầu tư mạnh vào công nghệ tài chính
. Quá trình chuyển đổi số tại VPBank không chỉ diễn ra mạnh mẽ ở cả các quy trình xử lý trên toàn hệ thống, mà còn mang lại những giải pháp, dịch vụ tài chính và hệ sinh thái kết nối với các đối tác ngoài ngân hàng thông qua các ứng dụng công nghệ như YOLO, VPBank Dream và VPBank Online
. Đến cuối 2018, VPBank đã thu hút hơn 1 triệu khách hàng sử dụng các ứng dụng số và hệ thống VPBank Online. Tỷ lệ giao dịch qua các kênh ngân hàng số hóa trên tổng số các giao dịch của VPBank đến cuối năm 2018 đã đạt trên 55%, cao nhất thị trường.
“Sức mạnh thương hiệu đóng một vai trò rất lớn trong sự tăng trưởng của DN. Thương hiệu mạnh sẽ giúp thu hút thêm nhiều khách hàng mới, xây dựng lòng trung thành của khách hàng cũ, từ đó tạo ra kết quả doanh thu và lợi nhuận tốt hơn. Việc sở hữu một thương hiệu mạnh nhất trong nhóm các ngân hàng tư nhân, cũng là một trong 4 thương hiệu ngân hàng mạnh nhất trên thị trường, sẽ mang lại cho VPBank một lợi thế cạnh tranh không nhỏ và khả năng duy trì đà tăng trưởng bền vững trong tương lai”. - Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương Samir Dixit
Tháng 4/2019, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức chấp thuận cho VPBank được áp dụng tiêu chuẩn Basel II theo Thông tư 41. Quyết định này cho thấy, VPBank đã hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn quản trị rủi ro và quản trị DN cao nhất được áp dụng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện tại. Đến cuối tháng 9/2019, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt 7.199 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vpbank-va-duong-den-thinh-vuong-355920.html