VPBankS: Một doanh nghiệp đề xuất lập giới hạn nồng độ cồn khi lái xe

Bên cạnh dịch Covid-19, chính sách thắt chặt kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân chính tác động tới ngành bia trong nước.

 Những quy định liên quan đến xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông khiến doanh nghiệp ngành bia gặp khó. Ảnh: Hồng Quang.

Những quy định liên quan đến xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông khiến doanh nghiệp ngành bia gặp khó. Ảnh: Hồng Quang.

Theo báo cáo phân tích của Chứng khoán VPBank, Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (HoSE: SAB) đang tích cực làm việc với các bên liên quan để kiến nghị Chính phủ thiết lập giới hạn nồng độ cồn trong máu (BAC) hợp lý, thay vì quy định hiện hành không cho phép có nồng độ cồn khi lái xe.

"Đồng thời, SAB và các công ty trong ngành cũng đề xuất hoãn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính", báo cáo VPBankS cho hay.

Trên thực tế, bên cạnh dịch Covid-19, chính sách thắt chặt kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân chính tác động tới ngành bia trong nước.

Xu hướng giảm tiêu thụ đồ uống có cồn cũng được minh chứng rõ trong báo cáo tài chính năm vừa qua của các doanh nghiệp, nhà máy bia trong nước lẫn các hãng bia ngoại kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Riêng 2 "ông lớn" ngành bia Việt là Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội - Habeco (HoSE: BHN) và Sabeco đều ghi nhận kết quả kinh doanh đi xuống.

Với Bia Sài Gòn, năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 30.400 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu bán bia chiếm gần 90% doanh thu hợp nhất nhưng đã giảm 12% so với năm trước. Lãi ròng của hãng theo đó giảm 23%, đạt hơn 4.200 tỷ đồng.

Hai công ty con của nhà sản xuất này là CTCP Bia Sài Gòn - Hà Nội (UPCoM: BSH) và CTCP Bia Sài Gòn - Miền Trung (HoSE: SMB) cũng chứng kiến lãi ròng giảm lần lượt 25% và 16% trong năm vừa qua.

Ở khu vực phía Bắc, tình hình kinh doanh của các nhà máy bia cũng không thuận lợi hơn. Với Habeco, doanh nghiệp này vừa trải qua một năm kinh doanh đi lùi cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Năm qua, chủ thương hiệu Bia Hà Nội nhận hơn 7.700 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 8% so với năm 2022. Lãi ròng thậm chí giảm hơn 29%, đạt 355 tỷ đồng.

Trước đó, bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VBA, cho biết một trong những giải pháp quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đồ uống chính là xem xét các loại thuế như thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt.

"Cần tiếp tục lùi thời hạn tăng thuế, chưa nên điều chỉnh tăng thuế tại thời điểm này mà cần giữ ổn định chính sách thuế cho ngành đồ uống, đặc biệt là với doanh nghiệp sản xuất bia, rượu", bà Vân Anh nhìn nhận.

Bên cạnh đó, Phó chủ tịch hiệp hội cho biết để khắc phục khó khăn và phát huy nguồn lực nội tại, các doanh nghiệp đồ uống mong muốn Nhà nước có thêm chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt, phục hồi và phát triển sản xuất.

Thanh Thương

Nguồn Znews: https://znews.vn/sabeco-de-xuat-thiet-lap-gioi-han-nong-do-con-khi-lai-xe-post1478394.html