VPF không thúc đẩy bóng đá trẻ Việt Nam phát triển!
Trong bài 'VPF chẳng có công gì trong 2 trận thắng của U20 Việt Nam', Một Thế Giới đã phân tích rõ không thể lấy lý do tập trung sức mạnh cho giải U20 châu Á bao biện cho việc dừng giải V-League. Trên thế giới, chỉ mỗi Việt Nam là dừng hẳn giải VĐQG mấy tuần để cho đội trẻ đi thi đấu giải châu lục. Nhưng 'tầm nhìn' hạn chế, sai lệch của VPF không chỉ có thế!
Động thái “làm màu” lệch lạc của VPF khi dừng V-League với lý do vì bóng đá trẻ sai đã đành, quan trọng hơn là VPF hoàn toàn không có chiến lược cũng như kế hoạch nào để thúc đẩy bóng đá trẻ Việt Nam phát triển bền vững. Thậm chí những quy định của VPF trong các giải thuộc hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam do VPF điều hành đã và đang bóp chết sự phát triển toàn diện của bóng đá trẻ Việt Nam.
VPF không có quy định khuyến khích phát triển bóng đá trẻ
Để hiểu rõ hơn nhận định của Một Thế Giới, chúng ta cùng phân tích điều lệ của V-League năm nay. Điều 6.1.1 nói về đăng ký cầu thủ quy định thế này:
"Tối thiểu 18 cầu thủ đến tối đa 30 cầu thủ, trong đó có:
+ Tối thiểu 3 thủ môn;
+ Tối thiểu 18 cầu thủ chuyên nghiệp;
+ Tối đa 1 cầu thủ Việt Nam gốc nước ngoài;
+ Tối đa 1 cầu thủ nước ngoài gốc Việt Nam;
+ Tối đa 3 cầu thủ nước ngoài".
Điều 6.2.3 nói về đăng ký bổ sung:
"Những CLB chưa đăng ký chính thức đủ 30 cầu thủ ở giai đoạn đăng ký thứ nhất sẽ được quyền bổ sung tối đa 5 cầu thủ ở giai đoạn đăng ký thứ hai. Số lượng cầu thủ của CLB sau khi bổ sung tối đa là 30 cầu thủ.
* Đối với các CLB tham dự các giải đấu cấp CLB của AFC năm 2023-2024:
- Số lượng cầu thủ nước ngoài sau khi CLB bổ sung tại giai đoạn đăng ký thứ hai được tối đa là 4 cầu thủ; trong đó, phải có tối thiểu 1 cầu thủ có quốc tịch thuộc quốc gia có Liên đoàn bóng đá là thành viên của AFC.
- Số lượng, thành phần cầu thủ khác của CLB (ngoài số lượng cầu thủ nước ngoài tối đa được tăng thêm như trên) sau khi được CLB bổ sung tại giai đoạn đăng ký thứ hai vẫn phải đảm bảo theo quy định tại mục 6.1.1".
Tìm mỏi mắt không thấy có quy định nào đề cao cho phát triển cầu thủ trẻ mà chỉ lo phần quốc tịch cầu thủ mà thôi. Điều này có nghĩa là một ai đó chỉ cần có tiền mua suất của CLB nào dự V-League rồi vung tiền mua sắm 18 cầu thủ từ khắp nơi là đủ điều kiện đá V-League. Sang mùa sau, hoặc thời gian sau mà chủ đầu tư khó khăn, nghỉ chơi bóng đá thì CLB đó cũng biến mất hoặc được bán lại cho đối tác khác đầu tư.
Nói như thế không chỉ lấy vui, mà đó là thực trạng của bóng đá Việt Nam khi ngay năm 2023 này, đã có 2 đội hạng Nhất bị xóa sổ trên bản đồ bóng đá Việt Nam, đó là Cần Thơ và Sài Gòn FC với cùng lý do: khó khăn kinh phí!
Muốn làm bóng đá chuyên nghiệp là phải có tiền, thậm chí tiền nhiều. Nhưng có tiền mà không biết làm, không khác nào đi đốt tiền rồi sau đó nhanh chóng bỏ của chạy lấy người. Bóng đá chuyên nghiệp không thể dùng tiền mua thành công, mà cần dùng đồng tiền đúng - dựa vào sự phát triển bền vững được định hình trên một loạt tiêu chí.
Luật Home-grown: Bắt buộc các CLB đào tạo cầu thủ trẻ
Mặc dù Cúp châu Âu là đấu trường đỉnh cao thế giới, nhưng UEFA đã có luật Home-grown để “kích” và “buộc” các CLB phải đào tạo các tài năng trẻ.
Có nghĩa là muốn tham gia thi đấu ở các Cúp châu Âu, trong danh sách đăng ký 25 người của mỗi CLB phải có ít nhất 8 người thuộc diện đào tạo trong nước, và 4 trong số này bắt buộc phải được đào tạo tại chính CLB.
Nếu không đủ số cầu thủ được đào tạo bản địa, đồng nghĩa số lượng cầu thủ đăng ký cũng sẽ ít hơn 25 và các CLB sẽ gặp khó khi lực lượng mỏng.
Luật Home-grown tại các giải chuyên nghiệp Anh cũng quy định mỗi đội bóng chỉ được phép đăng ký tối đa 25 cầu thủ trên 21 tuổi, trong số đó chỉ cho phép tối đa 17 người không phải là dạng “home-grown”, và không giới hạn số lượng cầu thủ dưới 21 tuổi.
Những quy định đó buộc các CLB dù tìm mọi cách lách luật nhưng vẫn phải chú trọng công tác đào tạo cầu thủ trẻ. Chính vì vậy, các ngôi sao trẻ mới có điều kiện, cơ hội thể hiện cũng như khẳng định mình, và đây mới là bóng đá chuyên nghiệp bền vững thật sự.
Môi trường bóng đá Việt Nam thì trái ngược khi không có bất kỳ quy định nào yêu cầu các CLB phải phát triển bóng đá trẻ. Vì lý do không có sự ràng buộc phát triển bóng đá trẻ, nên ở Việt Nam đã xuất hiện những CLB tự nhiên giàu có đi mua cầu thủ khắp nơi về lập đội thi đấu tưng bừng một vài mùa, đến khi hết tài trợ thì chìm dần... vào quên lãng!
Nhìn lại, đóng góp của các CLB dạng vụt sáng vụt tắt đó cho các cấp đội tuyển quốc gia không nhiều. Trong khi đó, những đội bóng chú trọng đào tạo bóng đá trẻ như HAGL, Viettel, Hà Nội hay SLNA, bên cạnh thành tích thì họ còn có những đóng góp lớn cho các đội tuyển quốc gia.
Lấy đội hình U20 Việt Nam đang thi đấu giải châu Á tại Uzbekistan, SLNA là CLB đóng góp nhiều cầu thủ nhất với 5 người; HAGL, Hà Nội và Viettel cùng 3 người. Nói về sự trọng dụng các cầu thủ U20 ở CLB, cũng mới chỉ có HAGL và SLNA dám cho cầu thủ ở tuyển U20 ra chơi tại V-League mùa này.
Đặc biệt với HAGL, họ không chỉ trọng dụng Nguyễn Quốc Việt mà mùa này còn thường xuyên sử dụng Home-grown từng giúp Việt Nam vô địch U23 Đông Nam Á đầy cảm xúc hồi năm ngoái như Dụng Quang Nho, Nguyễn Thanh Nhân, Trần Bảo Toàn. Cả 3 cầu thủ này đều đá chính 4 trận tại V-League với số phút gần như tối đa.
Gạt bỏ việc yêu ghét của CĐV các CLB trong nước thì rõ ràng mô hình đào tạo, định hướng xây dựng lực lượng của HAGL là con đường đúng đắn cho cả nền bóng đá quốc gia. Có thể nói HAGL trong những năm qua đã dũng cảm khi kiên trì con đường Home-grown cho dù điều đó gặp những bất lợi trên sân cỏ.
VPF cần thay đổi để phát triển
Nếu VPF có những quy định về Home-grown như ở châu Âu thì sẽ buộc các CLB phải chấn chỉnh công tác đào tạo bóng đá trẻ tốt bằng hoặc hơn HAGL. Có như vậy thì mới có nhiều tài năng như Nguyễn Quốc Việt, Văn Trường, Thanh Nhàn, Văn Khang, Đức Phú... trong tương lai.
Sẽ có những lo lắng rằng nếu quy định chặt như vậy sẽ không còn bao nhiêu đội đủ điều kiện đá V-League. Nhưng cũng đừng quên rằng mô hình bóng đá Việt Nam đang theo hình Kim tự tháp ngược khi có đến 14 đội ở V-League, trong khi hạng Nhất chỉ có 10 đội.
Hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam phải được tái cấu trúc, phải học theo cách làm bóng đá chuyên nghiệp của các nước phát triển, đặc biệt là quan tâm, đầu tư bóng đá trẻ. Tất nhiên trước khi đưa ra tái cấu trúc này, VPF cần tiến hành tổ chức hội thảo, trao đổi trực diện với các CLB V-League, hạng Nhất rồi cùng đưa giải pháp cùng thời gian thực hiện sao cho có lợi và bền vững nhất cho bóng đá Việt Nam.
Khi kế hoạch tái cấu trúc được các cổ đông thông qua, VPF gửi lên VFF xét duyệt và khi VFF ban hành, tất cả sẽ đồng loạt tích cực thay đổi. Quan trọng là VPF, VFF có quyết liệt muốn làm để bóng đá Việt Nam ngày càng phát triển bền vững hơn hay không mà thôi!