VPI dự báo giá bán lẻ xăng RON95 tăng mạnh trong kỳ điều hành ngày 1/2
Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho thấy, tại kỳ điều hành 1/2, giá xăng bán lẻ có thể tiếp tục tăng mạnh 4,1 - 4,4% và Liên bộ Tài chính - Công Thương có thể chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở mức 150 đồng/lít xăng.
Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng mô hình mạng nơ ron nhân tạo (Artificial Neural Network - ANN) và thuật toán học có giám sát (Supervised Learning) trong Machine Learning của VPI dự báo giá xăng bán lẻ trong kỳ điều hành ngày 1/2 có thể tăng 955 - 967 đồng, đưa giá xăng lên mức 23.137 đồng/lít (E5 RON 92) và 24.355 đồng/lít (RON 95).
Trong khi đó, giá dầu bán lẻ được mô hình của VPI dự báo tăng khoảng 1,5 - 3,3%, tương đương 306 - 530 đồng, đưa giá dầu diesel lên mức 20.900 đồng/lít; giá dầu hỏa 20.846 đồng/lít; giá dầu mazut 16.008 đồng/lít.
Mô hình của VPI dự báo kỳ này Liên bộ có thể chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với mặt hàng xăng dự kiến ở mức 150 đồng/lít.
Trên thị trường thế giới, giá dầu thế giới tăng 1% do lo ngại nguồn cung nhiên liệu sau khi xảy ra vụ tấn công mới vào tàu chở nhiên liệu trên Biển Đỏ và xuất khẩu các sản phẩm lọc dầu lọc của Nga dự kiến giảm.
Cụ thể, ngày 29/1, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 83 xu Mỹ lên 84,38 USD/thùng sau khi có lúc vọt lên 84,80 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) tăng 78 xu Mỹ lên 78,79 USD/thùng.
Các nhà phân tích của ANZ nhận định tình trạng gián đoạn nguồn cung đã được hạn chế, nhưng tình hình đã thay đổi sau khi một tàu chở dầu do tổ chức giao dịch hàng hóa Trafigura điều hành bị trúng tên lửa ngoài khơi Yemen.
Giá cả hai loại dầu đều tăng tuần thứ hai liên tiếp và chốt ở mức cao nhất trong gần hai tháng trong phiên cuối tuần trước, do lo ngại về nguồn cung tại Trung Đông và Nga. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực của Mỹ và các dấu hiệu về gói kích thích của Trung Quốc thúc đẩy kỳ vọng về nhu cầu.
Theo các nhà giao dịch và số liệu từ LSEG, Nga có thể sẽ cắt giảm xuất khẩu naphtha khoảng 127.500 - 136.000 thùng/ngày, tương đương khoảng 1/3 tổng lượng xuất khẩu của nước này, sau khi hỏa hoạn làm gián đoạn hoạt động tại các nhà máy lọc dầu trên Biển Baltic và Biển Đen.
Ngày 1/2 tới đây, các bộ trưởng hàng đầu của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+, sẽ họp trực tuyến để quyết định mức sản lượng dầu trong tháng 4.