VSIP đầu tư khu công nghiệp hơn 6.300 tỷ đồng tại Lạng Sơn
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn (Khu công nghiệp Hữu Lũng), tỉnh Lạng Sơn.
Theo đó, dự án được triển khai ở các xã Hồ Sơn và Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng với quy mô gần 600 ha. Trong đó, giai đoạn 1 với quy mô sử dụng đất khoảng 200 ha; giai đoạn 2 với quy mô sử dụng đất khoảng 250 ha và giai đoạn 3 với quy mô sử dụng đất gần 150 ha.
Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 6.361 tỷ đồng, tương đương gần 275 triệu USD. Trong đó vốn góp của nhà đầu tư hơn 954 tỷ đồng. Nhà đầu tư là CTCP Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP). Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày 15/5/2023.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các cơ quan có liên quan cập nhật vị trí và diện tích sử dụng đất của khu công nghiệp Hữu Lũng vào quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 5 năm 2021 - 2025 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sản xuất, đất trồng lúa trong phạm vi Dự án đảm bảo tuân thủ chỉ tiêu đất rừng sản xuất, đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025 và đến năm 2030 được phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg.
Đối với việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lạng Sơn tiếp thu, thực hiện đầy đủ ý kiến thẩm định của các Bộ, ngành liên quan đối với việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án,...
VSIP được thành thập bởi sự hợp tác giữa Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex IDC - Mã: BCM) và Sembcorp Development Ltd. (Singapore). Theo thông tin của HNX, công ty liên doanh này đang có vốn chủ sở hữu hơn 1.025 tỷ đồng.
Kể từ khi xây dựng khu công nghiệp (KCN) đầu tiên tại Bình Dương vào năm 1996, hiện nay, VSIP đã hình thành chuỗi 12 khu công nghiệp và Khu đô thị, tổng diện tích trên 10.000 ha tại Việt Nam.
Trước đó, tháng 2/2021, VSIP đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lạng Sơn về việc khảo sát địa điểm, tài trợ nghiên cứu và lập quy hoạch xây dựng chung tỷ lệ 1/5.000 và quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 cho dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh và phát triển kết cấu hạ tầng KCN Hữu Lũng.
Trước đề xuất của doanh nghiệp, đến tháng 3/2021, Lạng Sơn đã chấp thuận cho VSIP khảo sát và tiếp nhận tài trợ kinh phí cho dự án này.
Đến tháng 8/2022, lãnh đạo tỉnh đã trao cho đại diện VSIP Biên bản ghi nhớ đầu tư vào Khu công nghiệp Hữu Lũng.
Lạng Sơn giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng dự án trọng điểm
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và chủ chương đầu tư của tỉnh, ngày 15/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh chủ trì cuộc họp chuyên đề đánh giá tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm và xem xét, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn các huyện, thành phố (kỳ tháng 4/2023).
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh đánh giá tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm chưa đáp ứng được yêu cầu. Do vậy trong thời gian tới, tỉnh sẽ giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối tiếp nhận và báo cáo tỉnh thực hiện giải quyết ngay theo thẩm quyền, không cần đợi đến phiên họp hằng tháng của UBND tỉnh đối với các huyện nếu có đề nghị tỉnh giải quyết xử lý nhanh những vướng mắc về giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Cùng với đó, các chủ đầu tư cần tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng theo kế hoạch. Đặc biệt, các huyện rà soát lại từng dự án liên quan đến thu hồi đất lúa, đất rừng, hồ sơ bảo vệ thi công, cưỡng chế thu hồi đất và khẩn trương triển khai các dự án khu tái định cư phục vụ nhu cầu tái định cư của các hộ dân bị ảnh hưởng.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn Chu Văn Thạch, trong 16 dự án trọng điểm của tỉnh thuộc địa bàn 8 huyện, thành phố đến hết tháng 4/2023 có 2 dự án chưa đủ điều kiện để triển khai việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định. Còn lại 14 dự án đủ điều kiện thực hiện thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng trong tháng 4/2023; trong đó, có dự án Khu tái định cư và dân cư Nam Nguyễn Đình Chiểu thuộc địa bàn thành phố Lạng Sơn đang tạm dừng do có vướng mắc về trình tự, thủ tục dự án.
Cũng theo ông Chu Văn Thạch, khó khăn của các dự án trọng điểm là do vướng mắc về trình tự lập, thực hiện dự án và vướng mắc về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Một số dự án do chủ đầu tư thay đổi quy mô, điều chỉnh ranh giới, mốc giới thu hồi đất; chưa bố trí kinh phí để thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và hoàn thiện thủ tục cưỡng chế theo quy định…