Vụ 1 phiên tòa có 2 bản án ở Bình Dương: Cần giải quyết triệt để và xem xét trách nhiệm liên quan

Quá trình giải quyết, nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp thì Cơ quan điều tra VKSND Tối cao sẽ khởi tố vụ án để điều tra.

Như đã thông tin, cơ quan chức năng đã vào cuộc làm rõ sự việc cùng một vụ án nhưng có hai bản án sơ thẩm với phán quyết khác nhau ở Bình Dương liên quan đến thẩm phán Nguyễn Từ Minh Toàn (TAND TP Thuận An, Bình Dương, thẩm phán Toàn đã qua đời).

Theo đó, vụ án dân sự thụ lý ngày 3-12-2019 về tranh chấp giữa nguyên đơn Nguyễn Thị Ngọc và bị đơn VHS (đã mất năm 2018, người thừa kế có nghĩa vụ tố tụng là vợ và hai con của ông S) có hai bản án khác số, khác ngày xét xử, khác về nội dung phán quyết. Cơ quan thi hành án (THA) đã ra quyết định THA nhưng nhận được công văn yêu cầu ngưng THA của TAND TP Thuận An với lý do thủ tục tố tụng chưa bảo đảm, chưa thực hiện việc tống đạt hợp lệ bản án cho các đương sự trong vụ án, để họ thực hiện quyền kháng cáo theo quy định.

 Nguyên đơn Nguyễn Thị Ngọc và hai bản án “cùng cha” nhưng phán quyết trái ngược. Ảnh: LÊ ÁNH

Nguyên đơn Nguyễn Thị Ngọc và hai bản án “cùng cha” nhưng phán quyết trái ngược. Ảnh: LÊ ÁNH

Kịp thời làm rõ để bảo đảm quyền lợi của đương sự

Bình luận về câu chuyện này, TS - luật sư (LS) Nguyễn Thị Kim Vinh (nguyên thẩm phán TAND Tối cao) đánh giá: Hai bản án có nội dung tranh chấp về cùng một diện tích đất giữa các bên đương sự hoàn toàn giống nhau do cùng một thẩm phán chủ tọa giải quyết mà lại có hai quyết định khác nhau thì quá bất thường.

Theo LS Vinh, giả sử cả khi chưa có đương sự nào làm đơn yêu cầu (do họ không rành rẽ quy định của pháp luật) nhưng thông qua các nguồn tin báo chí thì về phía cơ quan có thẩm quyền cần kiểm tra, giám sát, xem xét lại vụ việc một cách có trách nhiệm để kịp thời xử lý, uốn nắn những sai phạm của cấp dưới, có thông tin chính xác về sự việc, bảo đảm uy tín của ngành TAND.

“Bên cạnh đó, nếu phát hiện hoạt động tư pháp của TAND có dấu hiệu tội phạm theo tố cáo của các nguồn tin thì Cơ quan điều tra VKSND Tối cao cần tiếp nhận, xem xét khởi tố vụ án, khởi tố bị can người phạm tội về tội ra bản án trái pháp luật quy định tại Điều 370 BLHS hiện hành hoặc các tội danh khác được quy định tại Chương Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp” - LS Vinh nói.

Theo LS Nguyễn Quốc Cường (Đoàn LS TP.HCM), để khẳng định ngoài thẩm phán Toàn còn có ai liên quan hay không thì phải trải qua quá trình xác minh, điều tra cũng như xem xét toàn bộ khách quan sự việc. Chẳng hạn xem xét người thực hiện việc tống đạt văn bản có hành vi giả mạo kết quả tống đạt hay không... Cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân của vi phạm này là đến từ cá nhân thẩm phán hay từ chính sự thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý của lãnh đạo tòa, của kiểm sát viên cùng cấp khi thực hiện vai trò kiểm sát...

Có thể xác định bản án thật bằng báo cáo của kiểm sát viên trực tiếp tham gia kiểm sát xét xử, bản án gốc (có chữ ký của hội thẩm nhân dân) được lưu trong hồ sơ vụ án…

Đâu là bản án thật?

ThS Mai Hoàng Phước, giảng viên khoa Luật Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), phân tích: Vụ án này hiện do TAND tỉnh Bình Dương thụ lý giải quyết phúc thẩm theo kháng cáo của nguyên đơn.

Tuy nhiên, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự thì cần xác định bản án nào trong hai bản án (Bản án 14/2022/DS-ST ngày 4-4-2022 và Bản án 89/2022/DS-ST ngày 29-9-2022) là bản án thật, đã được xử và tuyên đúng ngày diễn ra phiên tòa trên thực tế.

Điều này có thể được xác định bằng báo cáo của kiểm sát viên trực tiếp tham gia kiểm sát phiên tòa, lưu trữ của hệ thống thông tin lấy số bản án/quyết định tại bộ phận văn phòng TAND TP Thuận An, thư ký, hội thẩm nhân dân và các đương sự đã trực tiếp tham gia phiên tòa, bản án gốc (có chữ ký của hội thẩm nhân dân) được lưu trong hồ sơ vụ án.

Sau khi xác định xong, cần phải xác định tiếp việc tống đạt bản án cho các đương sự và gửi cho VKS đã được thực hiện đầy đủ chưa. Nếu có đương sự chưa được tống đạt, chưa gửi bản án cho VKS thì phải tống đạt bản án để đương sự thực hiện quyền kháng cáo, gửi bản án để VKS thực hiện quyền kháng nghị theo quy định của BLTTDS 2015. Từ đó, HĐXX cấp phúc thẩm có thể xem xét giải quyết cả hai bản án theo thẩm quyền được quy định tại Điều 308 BLTTDS 2015.

Thông thường nhiều tòa án tại TP.HCM có quy định rất chặt chẽ về việc đóng dấu bản án đã có hiệu lực pháp luật. Theo đó, muốn đóng dấu bản án có hiệu lực pháp luật đưa cho đương sự thì thẩm phán và thư ký phải kiểm tra văn bản tống đạt đã đầy đủ, hợp lệ chưa. Sau đó thẩm phán, thư ký phải làm văn bản đề nghị văn phòng đóng dấu đã có hiệu lực pháp luật rồi mới giao cho đương sự. Và bản án được đóng dấu có hiệu lực pháp luật phải giao cho văn phòng một bản lưu để sau này trích lục án cho đương sự...

VKSND tỉnh Bình Dương: “Có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp”

VKSND tỉnh Bình Dương vừa có văn bản cho biết sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, VKSND tỉnh nhận thấy việc giải quyết vụ án này có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp. Do đó, lãnh đạo VKSND tỉnh yêu cầu viện trưởng VKSND TP Thuận An cho kiểm tra, rà soát tất cả vụ việc do TAND TP Thuận An thụ lý, giải quyết được phân công cho thẩm phán Toàn để xác định có thêm vụ việc nào có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp không. Tiến độ, kết quả giải quyết các vụ việc như thế nào? Đã chuyển THA dân sự chưa? Kết quả THA dân sự ra sao?

Bên cạnh đó, lãnh đạo VKSND tỉnh cũng yêu cầu rà soát các vụ việc đang thụ lý, giải quyết phúc thẩm có thẩm phán Toàn thụ lý, giải quyết tại giai đoạn sơ thẩm, phối hợp và yêu cầu kiểm sát viên VKSND TP Thuận An kiểm tra, báo cáo có tham gia phiên tòa, phiên họp sơ thẩm hay không nhằm có căn cứ báo cáo, tham mưu giải quyết vụ việc có căn cứ, đúng pháp luật.

Cơ chế để khắc phục hậu quả triệt để

Cần thấy rằng không dễ để xác định được đâu là bản án giả, đâu là bản án thật, bản án khống… Vì vậy, Thanh tra TAND Tối cao cần vào cuộc kiểm tra, đánh giá tính hợp pháp của từng bản án, quyết định có dấu hiệu không chuẩn; kiểm tra việc tuân thủ thẩm quyền, trình tự, thủ tục tố tụng trong quá trình xét xử. Cơ quan này cũng sẽ điều tra, xác minh nguyên nhân dẫn đến vụ án có hai bản án và xem xét hành vi vi phạm trong quá trình xét xử dẫn đến hai bản án khác nhau; kiến nghị với Chánh án TAND Tối cao xem xét, giải quyết nếu phát hiện vi phạm.

Nếu quả thật có nhiều vụ án có vi phạm, tòa án cần phân loại và tùy trường hợp có cách xử lý phù hợp quy định nhằm khắc phục triệt để hậu quả, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự. Theo LS Cường, trường hợp cần thiết thì người có thẩm quyền sẽ xem xét kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm để giải quyết khách quan, toàn diện, đúng pháp luật.•

Trách nhiệm liên quan

Trong vụ này, ngoài trách nhiệm của thẩm phán được phân công thụ lý, giải quyết vụ án (nhưng thẩm phán này đã qua đời nên sẽ không truy cứu), có thể còn có trách nhiệm của những cá nhân liên quan khác.

Về trách nhiệm của tòa án, căn cứ Điều 3 Quyết định 120/2017 của Chánh án TAND Tối cao về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND thì nguyên tắc là phải xử lý kịp thời, khách quan, công bằng, nghiêm minh, xử lý từng hành vi vi phạm với mức hình phạt tương ứng…

Về trách nhiệm của VKS cùng cấp, trong trường hợp kiểm sát viên cùng cấp có vi phạm trong việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự của tòa án, cả giai đoạn chuẩn bị xét xử, giai đoạn xét xử sơ thẩm liên quan đến vấn đề tống đạt giấy triệu tập cho các đương sự, tống đạt các bản án, thu thập chứng cứ và các vấn đề khác theo quy định tại Điều 21 BLTTDS 2015 thì kiểm sát viên cũng sẽ bị xem xét, xử lý. Việc xử lý này căn cứ quy định tại Điều 18 Quy định xử lý kỷ luật trong ngành kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định 183/QĐ-VKSTC-T1 ngày 4-4-2016 của Viện trưởng VKSND Tối cao.

LS NGUYỄN QUỐC CƯỜNG, Đoàn LS TP.HCM

CHÂU YẾN - SONG MAI

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-1-phien-toa-co-2-ban-an-o-binh-duong-can-giai-quyet-triet-de-va-xem-xet-trach-nhiem-lien-quan-post801689.html