Vụ 11/9: Những người thoát khỏi tử thần trong gang tấc
Tọa lạc tại Arlington, bang Virginia, ngăn cách với Washington D.C bởi con sông Potomac, Lầu Năm Góc, hay trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ từ lâu đã là biểu tượng cho quyền lực và sức mạnh quân sự của siêu cường này.
Một góc của tòa nhà Lầu Năm Góc bị máy bay đâm vào ngày 11/9/2001. Ảnh Reuters.
Đối với khoảng 23.000 quân nhân và dân thường đến làm việc tại tòa nhà Lầu Năm Góc, ngày 11/9/2001 bắt đầu như bao ngày bình thường khác, khi cái nóng của mùa hè dần dịu lại và bầu trời xanh ngắt báo hiệu mùa thu đang đến.
“Đó chỉ là một ngày đẹp trời như bao ngày khác khi tôi đến làm việc tại Lầu Năm Góc”, Đại tá Lục quân Mỹ Marilyn Wills gợi nhớ lại ngày 11/9 khi bà đang tham gia một cuộc họp với các quan chức quốc phòng khác. Ngày hôm đó, một chiếc máy bay thương mại đã lao thẳng vào tòa nhà Lầu Năm Góc.
Chuyến bay 77 của American Airlines chở 64 người, trong đó có 5 tên không tặc al-Qaeda đã đâm vào khu vực phía Tây Lầu Năm Góc lúc 9h37 sáng. Hai chiếc máy bay khác cũng bị không tặc bắt cóc và đâm vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (World Trade Center) ở thành phố New York, trong khi một chiếc máy bay khác rơi xuống một cánh đồng ở Pennsylvania.
Vụ tấn công khủng bố đã khiến gần 3.000 người thiệt mạng, trở thành sự kiện đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại, châm ngòi cho cuộc chiến dài hơi nhất của Mỹ tại Afghanistan.
Thời điểm đó, bà Wills bị thổi bay khỏi vị trí và ngã xuống sàn do ảnh hưởng của vụ nổ. Tuy vậy, bà vẫn cố gắng hướng dẫn những người khác thoát thân, bò dọc theo sàn nhà tránh làn khói độc và hơi nóng để đến cửa sổ, quần áo của nhiều người bị cháy, khói bụi làm không ít người ngạt thở.
Một số người đã cố gắng và thoát khỏi sự hỗn loạn, làn khói dày đặc từ nhiên liệu máy bay và các trang thiết bị bốc cháy, một số khác thì không may mắn như vậy. 29 người tại Lầu Năm Góc đã thiệt mạng trong ngày định mệnh đó.
Trong lúc cận kề cái chết, bà Wills được bàn tay của những người khác kéo lên, những người cộng sự đã tạo thành một chiếc “thang người” để giúp nhau thoát khỏi tòa nhà đang bốc cháy. Nhập viện do bị bỏng và ngạt khí, bà Wills trở lại làm việc 13 ngày sau đó và biết được rằng đây là một vụ tấn công khủng bố.
“Khi tôi trở lại công sở, điều tồi tệ nhất chính là những mùi khét còn vương lại. Bạn có thể ngửi thấy mùi khói, thậm chí là mùi của những thi thể bị cháy hay những sợ dây nhựa bị thiêu đốt”, bà Wills nhớ lại. “Tôi thậm chí còn nghĩ rằng mình có thể nhìn thấy những bóng ma khi đi dọc hành lang tòa nhà”.
Ảnh Reuters.
Bà Wills từng được trao tặng danh hiệu “Trái tim màu tím” và “Huân chương Chiến sĩ” bởi hành động quả cảm cũng như nhằm xoa dịu những tổn thương mà bà đã trải qua.
Roy Wallace, người từng là trợ lý phó tổng tham mưu trưởng Lục quân, làm việc cách khu vực nơi bay máy bay rơi chỉ hơn 15 m. Ông vẫn còn nhớ như in đám cháy kinh hoàng hút trọn dưỡng khí trong phòng làm việc của mình.
Một sĩ quan loạng choạng bước ra khỏi đám cháy và ngã xuống ngay trước mặt Wallace, bộ đồng phục của anh ta “bị đốt cháy chảy vào da thịt”. Người sĩ quan đó là Trung tá Brian Birdwell, người làm việc tại địa điểm máy bay đâm vào tòa nhà vài bước chân và bị “thiêu đốt như ngọn đuốc sống”.
Trong khi tòa nhà Bộ Quốc phòng vẫn đang cháy âm ỉ và toàn nước Mỹ ở trong tình trạng cảnh giác cao độ, trọng tâm của quân đội Mỹ nhanh chóng chuyển sang chuẩn bị cho việc triển khai quân tới Afghanistan, Mark Lewis, quyền Bộ trưởng phụ trách các vấn đề nhân lực và dự bị vào thời điểm đó, nhớ lại.
“Chúng tôi đã ngay lập tức chuyển hướng sang chiến tranh. Chúng tôi bỗng chốc có quá nhiều việc dồn đến”, ông Lewis nhớ lại.
Gerry Kitzhaber, một trợ lý làm việc tại Lầu Năm Góc lúc đó, đã thoát chết trong gang tấc. Ngày hôm đó, vợ của Kitzhaber gọi điện và thông báo với ông về việc hai chiếc máy bay vừa đâm vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới, ngăn cản ông đến tham dự cuộc họp ở Lầu Năm Góc. Chỉ nhanh vài phút nữa, có thể ông sẽ đứng tại hành lang nơi máy bay đâm vào.
“Tôi và vợ nói chuyện trong vài phút, tôi cúp máy và ngay khi tôi vừa quay lại, máy bay đâm thẳng vào tòa nhà”, ông Kitzhaber kể lại.
Ông Kitzhaber sau đó được sơ tán đến sân trung tâm của Lầu Năm Góc, tại đây, ông có thể nhìn thấy một mảnh vỡ của thân máy bay trên mặt đất. “Thời điểm đó, tôi chỉ đoán được một điều rằng một chiếc máy bay nào đó đã đâm vào tòa nhà”.
Đang cố gắng chạy thoát thân, Kitzhaber gặp phải một người lái xe giao hàng, cũng chứng kiến sự việc. Người lái xe này lắp bắp nói với Kitzhaber rằng mình cũng nhìn thấy chiếc máy bay lao vào tòa nhà. Mọi người xung quanh hoảng loạn, thậm chí xô đẩy và giẫm đạp lên nhau khi chạy khỏi tòa nhà vừa bị máy bay tấn công.
Một lúc sau, hai máy bay chiến đấu F-16 của Lực lượng Không quân Mỹ, phi ra khỏi Căn cứ Không quân Bolling ở bên kia sông, tiếng động cơ gầm thét khi vượt qua nóc tòa nhà và lao đến đánh chặn chiếc máy bay của hãng United Airlines bị bắt cóc và đâm xuống cánh đồng ở Pennsylvania. Những hành khách trên máy bay này đã cố gắng giành lại quyền kiểm soát từ những tên không tặc.
Ngày 11/9 này tưởng niệm 20 năm vụ tấn công đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ, nhiều người đã mất, nhiều người còn sống nhưng những hình ảnh về ngày thảm khốc đó sẽ không bao giờ nguôi ngoai.