Vụ 2 người tử vong sau khi uống sữa ở Tiền Giang: Nghi có 5 chất độc trong sữa
Liên quan vụ nghi ngộ độc sữa khiến 2 người tử vong ở Tiền Giang, một bệnh nhân phải lọc máu ở Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, đủ điều kiện xuất viện. Qua đánh giá, các bác sĩ nghi ngờ 5 chất độc có trong sữa mà các nạn nhân đã uống.
Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận ông P.M.T (55 tuổi, ngụ Tiền Giang) trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu mức độ 3, suy hô hấp, phải thở máy, huyết động không ổn định, mạch nhanh, có tiền sử xơ gan, tăng huyết áp. Các dấu hiệu sinh tồn cho thấy khả năng tử vong cao nên quá trình điều trị có nhiều khó khăn.
Bệnh viện đã tổ chức hội chẩn liên chuyên khoa để đưa chẩn đoán ban đầu và hướng điều trị. Khai thác bệnh sử, ngày 15/10, sau khi uống 50ml sữa bột, bệnh nhân choáng váng, nhức đầu khó thở, nôn ói. Chỉ 5 phút sau, ông không thở được và không nhận biết được xung quanh.
Sau khi cấp cứu ở 2 bệnh viện địa phương, ông được chuyển lên TP.HCM ngay trong đêm. Ngoài ra, hai người nhà của bệnh nhân cũng tử vong nghi ngờ liên quan loại sữa này.
Các bác sĩ kết luận ngộ độc cấp, trầm trọng trên bệnh nhân có bệnh nền xơ gan, tiên lượng tử vong cao. Bệnh nhân được chỉ định thở máy nồng độ cao, truyền dịch, ổn định huyết áp, lọc máu theo phương pháp đặc biệt. Sau vài giờ, bệnh nhân có dấu hiệu đáp ứng và cải thiện, các bác sĩ nhận định hướng điều trị đúng.
Khai thác dịch tễ, cách bệnh nhân tiếp xúc nguồn gây ngộ độc, chùm ca bệnh, triệu chứng lâm sàng, diễn biến bệnh... các bác sĩ đưa ra 5 độc chất theo thứ tự nghi ngờ nhất: Cyanua, nhóm thuốc trừ sâu, organophosphate/carbamat, asen, strychnin (bột mã tiền), botulinum. Đây là những chất kịch độc gây ra tử vong rất nhanh, có nhiều dạng khác nhau nhưng có một dạng chung là chất màu trắng, không mùi, không vị. Tuy nhiên, bác sĩ không thể khẳng định là những chất này là tự sản sinh trong sữa hay được bỏ vào trong sữa.
Liên quan đến chi phí điều trị, Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trường phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết số tiền viện phí (trên 100 triệu đồng) đã được các nhà hảo tâm hỗ trợ. Phần tiền hỗ trợ còn dư và toàn bộ số tiền gia đình người bệnh đã tạm ứng trước đó sẽ được hoàn lại cho người bệnh.
Như VOV đã đưa tin, vào lúc 6h ngày 14/10, bà Phạm Thị P. (83 tuổi, ngụ xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) ngủ dậy phát hiện con ruột là anh Phạm Văn Y. (45 tuổi) đã tử vong. Gia đình nghĩ rằng, anh Y tử vong là do bệnh lý nên tổ chức đám tang mà không trình báo cơ quan công an. Đến tối cùng ngày, chị Phạm Thị Mỹ C. (53 tuổi là con ruột bà P) pha 100 ml sữa cho bà P để uống. Ngay khi uống hết sữa, bà P có biểu hiện tức ngực, khó thở, nôn ói. Khoảng 5 phút sau, bà P tử vong. Gia đình cho rằng, cái chết của bà cũng do bệnh lý nên không trình báo cơ quan công an.
Đến chiều ngày 15/10, sau khi lo hậu sự, người con trai khác của bà P cũng pha loại sữa đó để uống, rồi có biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, nôn ối nên gia đình đưa đến bệnh viện Triều An – Loan Trâm ở tỉnh Vĩnh Long để cấp cứu. Tại đây, anh T. được bác sĩ chuẩn đoán nghi do ngộ độc sữa nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long để tiếp điều trị.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Công an huyện Cái Bè phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ có liên quan đến khám nghiệm hiện trường, tiến hành công công tác điều tra để làm rõ nguyên nhân dẫn đến hai người tử vong.