Vụ 3, VKSND tối cao xuất sắc đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ
Ngày 25/12, tại trụ sở cơ quan, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3), VKSND tối cao tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai công tác năm 2025.
Đồng chí Hồ Đức Anh, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Hoài Nam, Vụ trưởng; các đồng chí Phó Vụ trưởng; các đồng chí Trưởng, Phó Trưởng phòng và cán bộ, công chức Vụ 3, VKSND tối cao.
Hội nghị đã nghe báo cáo tóm tắt công tác năm 2024 và nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2025 của Vụ 3 bằng Video Clip.
Theo đó, năm 2024, tình hình tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, xâm phạm sở hữu và tội phạm về môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.
Từ ngày 01/12/2023 đến ngày 30/11/2024, các cơ quan tiến hành tố tụng trên toàn quốc đã phát hiện, khởi tố mới nhiều vụ án thuộc nhóm tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trong đó, tập trung ở các lĩnh vực trọng điểm, như: Đấu thầu, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, quản lý, sử dụng tài sản trong lĩnh vực y tế, giáo dục, tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án, Vụ 3 khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm “công tố song hành với điều tra” nhằm làm tốt nhiệm vụ chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra tình trạng “hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế và ngược lại”; xây dựng Kế hoạch thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, giải quyết đối với 100% vụ án, vụ việc; không thụ động “ngồi chờ” kết quả điều tra từ Điều tra viên và Cơ quan điều tra để xử lý vụ việc, vụ án.
Chủ động việc phối hợp sớm, chặt chẽ với Cơ quan điều tra, như: Lãnh đạo Vụ, Kiểm sát viên nghiên cứu tài liệu, chứng cứ và thống nhất việc phân hóa, phân loại, xử lý đối với từng đối tượng dự kiến Cơ quan điều tra khởi tố. Ngay sau khi Cơ quan điều tra khởi tố, Kiểm sát viên tham gia kiểm sát 100% các hoạt động điều tra bắt buộc Kiểm sát viên phải tham gia; trực tiếp hỏi cung 100% bị can trong giai đoạn điều tra, truy tố; có yêu cầu điều tra đối với 100% vụ án. Quá trình điều tra, Kiểm sát viên bám sát để đề ra yêu cầu điều tra sát với tiến độ, kết quả điều tra vụ án.
Trong giai đoạn truy tố, Vụ 3 đã tích cực tiến hành một số hoạt động điều tra để kiểm tra, đánh giá chứng cứ, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. 100% vụ án truy tố đúng thời hạn; 100% bị can truy tố đúng tội danh, không có bị cáo Hội đồng xét xử tuyên không phạm tội.
Đặc biệt, Vụ 3 đã tham mưu lãnh đạo VKSND tối cao ban hành 1 kiến nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật là nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm, tội phạm: Kiến nghị gửi Chính phủ rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 71/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp để phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự.
Vụ 3 đã tham mưu biệt phái Kiểm sát viên của Vụ 3 thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử 17/17 vụ án, bảo đảm việc tranh tụng có tính thuyết phục, thông qua tranh tụng nâng cao vị thế, uy tín, hình ảnh của Kiểm sát viên nói riêng, của Ngành nói chung; thực hiện nghiêm các nguyên tắc của pháp luật hình sự, trong đó, chú trọng nguyên tắc suy đoán vô tội, trọng chứng hơn trọng cung, chuyển hóa chứng cứ kịp thời, bảo đảm việc chứng minh tội phạm trong giải quyết các vụ án hình sự.
Các vụ án đã xét xử, không có bị can Tòa án tuyên không phạm tội, tuyên khác với tội danh Viện kiểm sát truy tố. Đã chỉ đạo VKSND tỉnh Lạng Sơn ban hành 1 Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm vụ án Lâm Đình Hoài về tội “Buôn lậu” theo hướng tăng nặng hình phạt, được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận.
Về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Vụ 3 đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan có thẩm quyền điều tra trong việc áp dụng đồng bộ các biện pháp cưỡng chế, thực hiện kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tạm giữ, thu giữ, ngăn chặn giao dịch,....bảo đảm việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế.
Đến thời điểm ngày 30/11/2024, tổng số tiền đã thu hồi được trong các vụ án đạt hơn 23.763 tỉ đồng (chiếm tỷ lệ 2,13% trong tổng số tiền bị thất thoát, chiếm đoạt); đã kê biên, phong tỏa (chưa quy đổi thành tiền) 1.458 bất động sản; 2.226.639.175 cổ phần; hơn 5,3 triệu USD; 1.239,6 lượng vàng, 43 phương tiện các loại (ô tô, du thuyền, tàu), 1.347 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạm ngừng giao dịch 1.380 bất động sản,...
Báo cáo của Vụ 3 cũng nêu rõ, năm 2024, Vụ 3 đã triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các biện pháp đổi mới, tăng cường công tác công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp với phương châm “sớm hơn, sát hơn, sâu hơn, sắc hơn” trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; trong xem xét, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh và khung hình phạt, vừa bảo đảm việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, khách quan, công bằng, không oan sai, không bỏ lọt tội phạm, vừa có sức thuyết phục, tính nhân văn cao; bảo đảm việc điều tra, giải quyết các vụ án, vụ việc đúng tiến độ, yêu cầu, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Năm 2024, Vụ 3 đã thực hiện hoàn thành (đạt) 34/34 chỉ tiêu công tác chuyên môn, trong đó có 18/34 chỉ tiêu thực hiện vượt chỉ tiêu cơ bản của Ngành (vượt 3 chỉ tiêu so với năm 2023), các vụ án, vụ việc đã giải quyết đảm bảo chất lượng, tiến độ và yêu cầu, được Khối thi đua 1 ngành Kiểm sát nhân dân đề nghị Hội đồng Thi đua, khen thưởng ngành Kiểm sát nhân dân và Viện trưởng VKSND tối cao xét, đề nghị tặng “Cờ thi đua của Chính phủ”. Tại hội nghị triển khai công tác ngành KSND năm 2025, Vụ 3 là tập thể xuất sắc được trao Cờ thi đua của Chính phủ.
Báo cáo của Vụ 3 cũng đặt ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm công tác năm 2025. Theo đó, Vụ 3 tiếp tục tăng cường quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định, quyết định của Đảng và của Ngành nhằm nâng cao, thống nhất nhận thức về tầm quan trọng, nhiệm vụ chiến lược của việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và của Ngành; tham mưu cho Ban cán sự đảng VKSND tối cao cơ cấu, kiện toàn, sắp xếp lại đội ngũ lãnh đạo, quản lý và công chức của đơn vị theo tinh thần Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Nghị quyết số 18 của Ban cán sự đảng VKSND tối cao, để ổn định bộ máy làm việc, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được phân công.
Tiếp tục tăng cường công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự; Chú trọng làm tốt chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp; Nâng cao hơn nữa chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa; Giữ vững kỷ cương, kỷ luật, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu; Đổi mới công tác chỉ đạo điều hành” để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 96 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu nghiệp vụ của Ngành.
Tập trung rà soát, triển khai thực hiện các biện pháp, giải pháp để tạo ra tính “đột phá” trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của đơn vị, bảo đảm tốt nhất cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, công tác giải quyết án, nhất là thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại các phiên tòa.
Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định pháp luật để nâng cao vai trò của VKSND, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp bị bắt, tạm giữ nhưng sau đó phải xử lý bằng biện pháp khác, không để xảy ra trường hợp quá hạn tạm giữ, tạm giam; việc khởi tố, điều tra, áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế có căn cứ, đúng pháp luật; phối hợp với Cơ quan điều tra phân loại án đảm bảo điều tra đúng thẩm quyền, đặc biệt chú trọng việc phân hóa, xử lý các đối tượng liên quan trong vụ án; yêu cầu, phối hợp trong việc thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt hoặc bị thất thoát ngay từ giai đoạn giải quyết tin báo và khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can; không để xảy ra việc đình chỉ do không phạm tội hoặc đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự không đúng quy định; hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đảm bảo giải quyết đúng tiến độ các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Phối hợp với Cơ quan điều tra rà soát, xử lý nghiêm các vụ lãng phí lớn theo phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Hồ Đức Anh, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao chúc mừng, biểu dương, đánh giá cao những kết quả công tác đạt được của lãnh đạo, tập thể Vụ 3 năm 2024. Vụ 3 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được trao Cờ thi đua của Chính phủ.
Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Hồ Đức Anh yêu cầu tập thể Vụ 3 nâng cao hơn nữa chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; chú trọng chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm; không để xảy ra hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự và ngược lại; triển khai mạnh mẽ các giải pháp chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Tiếp tục phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để rà soát, phục hồi giải quyết các vụ án, vụ việc đang tạm đình chỉ không còn lý do tạm đình chỉ. Bảo đảm việc tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp nghiệp vụ và trả lời thỉnh thị theo đúng Quy định của VKSND tối cao. Chủ trì, phối hợp với Vụ 14 VKSND tối cao tham mưu Lãnh đạo liên ngành ban hành Thông tư liên tịch phối hợp hướng dẫn thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Bên cạnh đó, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Hồ Đức Anh cũng cho rằng, Vụ 3 cần chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để thực hiện việc sáp nhập với đơn vị khác theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, có phương pháp quản lý, phân công nhiệm vụ, vận hành bộ máy một cách hợp lý, hiệu quả, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho cán bộ, công chức.