Vụ 58 tỷ 'bốc hơi' còn 93.640 đồng: Ngân hàng MSB 'hào phóng' chi lãi vượt trần 3,8%/năm cho khách hàng?
Căn cứ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, mức lãi suất 6%/năm của 12 danh mục tiền gửi của bà N.T.L, Ngân hàng MSB đã 'hào phóng' chi vượt xa so với mức lãi suất trần là 3,8%/năm.
Liên quan đến vụ việc bạn đọc N.T.L (SN1966, ở Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) gửi 58 tỷ đồng tiền tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) chi nhánh Thanh Xuân bị "bốc hơi" còn 93.640 đồng, theo tư liệu bà L cung cấp đến phóng viên Chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống), bà N.T.L đã yêu cầu Ngân hàng MSB chi nhánh Thanh Xuân xác nhận thông tin số dư tài khoản.
Căn cứ vào Giấy xác nhận số 432/CV/MSB CN Thanh Xuân xác nhận vào thời điểm 10h08 phút ngày 7/10/2023, tài khoản mang tên bà N.T.L có 12 danh mục tiền gửi với nhiều mức tiền gửi khác nhau.
Tổng số tiền gửi của 12 danh mục cộng lại là 58.650.000.000 đồng. 12 danh mục tiền gửi này đều có thời hạn 4 tuần, với mức lãi suất 6%/năm.
Giấy xác nhận có chữ ký, dấu đỏ của người có thẩm quyền là Bùi Thị Hoài Anh – Giám đốc Trung tâm Khách hàng Cá nhân, Ngân hàng MSB chi nhánh Thanh Xuân.
Theo Quyết định 1123/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 19/6/2023 (vẫn còn hiệu lực) quy định: "Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,75%/năm".
Căn cứ theo Quyết định trên, 12 danh mục tiền gửi trong tài khoản của bà N.T.L đã được Ngân hàng MSB chi nhánh Thanh Xuân "hào phóng" chi trả đến 6%/năm. Con số này vượt xa so với mức lãi suất được quy định khoảng 3,8%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 1 tháng được Ngân hàng MSB niêm yết vào tháng 10/2023 - thời điểm MSB Thanh Xuân cấp Giấy Xác nhận cho khách hàng.
Chiều 01/4, trao đổi nhanh với phóng viên, cán bộ tín dụng của một ngân hàng thương mại quốc doanh khẳng định, 12 danh mục tiền gửi được thể hiện trên Giấy xác nhận số 432 của Ngân hàng MSB chi nhánh Thanh Xuân là tài khoản CA-SA (tài khoản thanh toán kết hợp tài khoản tiết kiệm).
Theo người này, thông thường, các ngân hàng sẽ tách riêng từng loại tài khoản theo từng nhu cầu sử dụng là tài khoản thanh toán dành cho việc thanh toán và tài khoản tiết kiệm danh cho nhu cầu tiết kiệm tiền gửi.
Cũng theo người này, ngân hàng chắc chắn sẽ không dám công khai lãi suất vượt trần trên giấy trắng mực đen mà thường sẽ được chi theo hình thức "chăm sóc khách hàng", hay còn gọi là "chi lãi ngoài".
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên, Luật sư Chu Quỳnh Vương - Văn phòng Luật Trung Hòa (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, việc chi vượt lãi suất trần theo quy định của NHNN là điều hiếm gặp kể từ sau "vụ OceanBank giai đoạn 2010-2012". Điều này cũng được quy định cụ thể tại Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 11/11/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
Theo Luật sư, Điều 13 của Nghị định 88 quy định: Tổ chức tín dụng vi phạm quy định về lãi suất huy động vốn, phí cung ứng dịch vụ, kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh có thể bị phạt hành chính số tiền tối đa 100 triệu đồng.
Khoản 4 Điều 13 của Nghị định này cũng quy định cụ thể về biện pháp xử lý: "Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 1 - 3 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát;
Không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định về lãi suất huy động vốn;...
Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với các nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng…".
Bà N.T.L khẳng định, 12 danh mục tiền gửi này được gửi trong một tài khoản được mở tại Ngân hàng MSB nhưng do Ngân hàng MSB quản lý với mục đích là báo cáo số dư cuối ngày, cuối tháng và phục vụ cho việc tính chỉ số giá chứng khoán của MSB. Khách hàng không được quản lý tài khoản trên ứng dụng MSB phiên bản mobile.
Liên quan đến vụ việc cựu Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng MSB Thanh Xuân - Ngô Thị Hoài Anh có dấu hiệu, chiếm đoạt tiền của khách hàng, tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2024 của Hà Nội, chiều 28/3, thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng – Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã kêu gọi những bị hại là khách hàng của ngân hàng MSB bị mất tiền, trình báo để cơ quan an ninh thành phố tiếp nhận, xử lý theo quy định pháp luật.
Thiếu tướng Tùng cho biết: "Ngày 10/10/2023, Cơ quan An ninh điều tra (Công an TP Hà Nội) đã tiếp nhận tin báo của ngân hàng MSB về việc phát hiện nhân viên Bùi Thị Hoài Anh (SN 1984, trú tại tòa N04, chung cư số 390 Nguyễn Văn Cừ, Bồ Đề, Long Biên) là Giám đốc chi nhánh Ngân hàng MSB Thanh Xuân, có dấu hiệu lừa đào chiếm đoạt tài sản là tiền của khách hàng với số tiền 165 tỷ đồng".
Căn cứ kết quả điều tra ngày 18/10/2023, Cơ quan An ninh Điều tra (CA TP Hà Nội) đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Bùi Thị Hoài Anh.
Bước đầu xác định đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt tiền của 8 bị hại với số tiền là 338 tỷ đồng.
Hiện Cơ quan ANĐT đang áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản cho bị các bị hại. Bước đầu, cơ quan điều tra xác định chưa có đồng phạm.