Vụ 7 phụ nữ bị lừa tình, tiền: Vì sao phải kéo dài nhiều năm mới bắt đối tượng?
Luật sư cho rằng, những vụ án liên quan đến mối quan hệ 'tình - tiền' không rõ ràng thì việc chứng minh hành vi lừa đảo là rất khó với cơ quan điều tra. Bởi vậy, quá trình xác minh, điều tra cần rất nhiều thời gian. Đây cũng là bài học chung cho cho cả những kẻ lừa tình lẫn những người dễ dàng tin tưởng vào những lời hứa hão huyền của người tình.
Tiến sĩ Luật Đặng Văn Cường cho rằng với việc bị khởi tố về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gã đàn ông có hành vi lừa tình, tiền của nhiều phụ nữ có thể phải đối diện với khung hình phạt có mức án cao nhất là tù chung thân.
Từ đơn tố giác của 7 phụ nữ bị cùng một người đàn ông lừa tình, tiền
Vào năm 2020, TƯ Hội LHPN Việt Nam nhận được đơn kiến nghị, phản ánh của 7 phụ nữ thuộc nhiều tỉnh, thành phố khác nhau với cùng 1 nội dung tố cáo Tống Anh San (44 tuổi, quê quán tại tỉnh Thanh Hóa, thường trú tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) có hành vi lừa tình, chiếm đoạt tiền.
Theo đó, 7 người phụ nữ cùng đứng tên trong 1 đơn gồm có: Hoàng Thị X. (Hà Nội), Bùi Thùy L. (Ninh Bình), Nguyễn Thị Mai H. (Hà Nội), Nguyễn Thị T. (Hà Nội), Đinh Thị L. (Ninh Bình), Phan Thị L. (Hà Nội), Mai Thị H. (Hà Giang).
Trong nội dung kiến nghị, phản ánh, 7 người phụ nữ nói trên cho biết bị Tống Anh San dù đã có vợ con nhưng dùng thủ đoạn lừa dối mình còn độc thân để "dụ dỗ" 7 người phụ nữ quan hệ tình cảm (trong đó có người đã mang thai). Không những thế, những người phụ nữ này còn cho biết đã cho San vay tổng số tiền hơn 2,5 tỉ đồng.
Sau khi phát hiện bị San lừa đảo, tháng 4/2020, những bị hại trên đã làm đơn tố cáo đến Phòng CSHS Công an TP Hà Nội đề nghị điều tra, khởi tố hành vi vi phạm pháp luật của San.
Tuy nhiên, đến tháng 10/2020 Công an TP Hà Nội đã ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ việc vì lý do không làm việc được với San và đã hết thời hạn điều tra mặc dù số điện thoại của San từ tháng 4/2020 đến nay vẫn liên hệ được.
Theo Công an TP. Hà Nội thời điểm đó cho biết, mặc dù đơn vị này đình chỉ giải quyết vụ việc nhưng thông báo truy tìm San vẫn có hiệu lực cho đến khi người đàn ông này đến làm việc. Sau khi làm việc trực tiếp được với San, nếu có căn cứ, cơ quan điều tra vẫn phục hồi điều tra, giải quyết vụ việc.
Sau khi xem xét nội dung đơn và căn cứ quy định của pháp luật, Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam chuyển đơn kiến nghị của 7 người phụ nữ nói trên đến Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, Viện trưởng Viện KSND TP Hà Nội để kịp thời xem xét, chỉ đạo giải quyết theo quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ. Đồng thời thông báo cho Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam biết kết quả.
Đến cuối tháng 8/2022, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra từ năm 2015 – 2020 để điều tra, làm rõ nội dung đơn tố giác tội phạm của những người phụ nữ trên đối với Tống Anh San và mới đây, đơn vị này đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Tống Anh San về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Kẻ lừa tình, tiền đối diện khung hình phạt đến tù chung thân
Nhận định về vụ án trên, Tiến sĩ Luật Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi lợi dụng tình cảm để chiếm đoạt, chiếm dụng, hưởng lợi tài sản trong xã hội xảy ra không ít, tuy nhiên nhiều nạn nhân vì xấu hổ nên không tố cáo. Ngoài ra, việc chứng minh tội phạm trong những vụ việc như vậy không hề đơn giản. Có lẽ chính vì thế mà vụ việc xác minh tin báo kéo dài, đến nay cơ quan điều tra mới có đủ căn cứ để khởi tố bị can và bắt tạm giam với đối tượng này.
Ông Cường thông tin, theo quy định của pháp luật thì lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Đối tượng thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên thì bị xử lý hình sự theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với chế tài là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp chiếm đoạt số tiền từ 500 triệu đồng trở lên thì hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Vị luật sư nhận định, các mối quan hệ tình cảm, nhất là trong quan hệ yêu đương mà có việc cho tiền, hợp tác đầu tư, cho vay, cho tài sản... thì việc chứng minh tội phạm trong các quan hệ này là rất khó. Khi mà mối quan hệ "tình - tiền" không rõ ràng, do quan hệ tình cảm mà chuyển tiền cho nhau thì chứng minh lừa đảo là không dễ.
"Pháp luật không cấm việc tặng cho tài sản, đặc biệt là trong mối quan hệ tình cảm yêu đương nam nữ thì đôi khi người ta không suy nghĩ nhiều đến tài sản, đến lợi ích vật chất. Chính vì vậy, để xác định việc chuyển giao tài sản là tặng cho hay vay mượn hay là hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản là rất khó khăn.
Nhiều nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản do bị lợi dụng tình cảm không dám tố cáo vì sợ xấu hổ, nhiều người không đề phòng nên không có chứng cứ, ngoài ra việc chứng minh tội phạm xuất phát từ mối quan hệ yêu đương là rất khó khăn. Chính vì vậy trong thực tế có nhiều đối tượng thực hiện hành vi lừa tình, lừa tiền trót lọt", ông Cường phân tích.
Trong vụ việc cụ thể này, theo luật sư Cường, do có nhiều nạn nhân cùng tố cáo, có lẽ phương thức thủ đoạn như nhau và cơ quan điều tra đã có đủ căn cứ để chứng minh thủ đoạn gian dối và số tiền chiếm đoạt đủ lớn nên đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối tượng này về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Việc xác minh tin báo kéo dài bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ mối quan hệ tình cảm, nguyên nhân từ việc thu thập chứng cứ để chứng minh thủ đoạn gian dối cũng như người bị tố giác không hợp tác, né tránh dẫn đến khó khăn cho cơ quan điều tra. Chính vì vậy khi có đủ căn cứ để khởi tố bị can thì cơ quan điều tra đã khởi tố và tiến hành tạm giam đối với đối tượng này.
Để chứng minh hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra sẽ thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh trước khi nhận tiền, tài sản của các nạn nhân, đối tượng này đã có động cơ mục đích chiếm đoạt tài sản, đã đưa ra những thông tin gian dối, sử dụng những thủ đoạn gian dối để nạn nhân tin tưởng và trao tài sản, sau đó chiếm đoạt, không trả lại tài sản cho nạn nhân.
Trong vụ án này nếu đúng như đơn tố giác, với số tiền chiếm đoạt được cho là lên đến hơn 2 tỷ đồng, hành vi được xác định là phạm tội từ 2 lần trở lên, phạm tội với nhiều người và thủ đoạn tinh vi lên đối tượng này sẽ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc, bức hình phạt cao nhất có thể tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Bài học cảnh tỉnh
Ông Cường nhận định, thủ đoạn chiếm đoạt tài sản trong vụ án này là lợi dụng tình cảm của nạn nhân, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của nạn nhân để đưa ra những thông tin gian dối, làm nạn nhân nhầm tưởng chuyển giao tài sản để đối tượng chiếm đoạt.
"Có lẽ, đối tượng này chủ quan cho rằng việc nhận tài sản của nạn nhân thông qua quan hệ yêu đương nên đây là quan hệ dân sự. Hơn nữa, có thể đối tượng cho rằng nạn nhân vì ngại, xấu hổ sẽ không tố cáo nên tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội với nhiều người, gây mất an ninh trật tự, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân.
Bởi vậy việc làm rõ xử lý các đối tượng này là cần thiết để đảm bảo trật tự, ổn định trong xã hội. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng này bằng các chứng cứ vật chất và thông qua lời khai của đối tượng gây án và của nạn nhân, của những người làm chứng", ông Cường cho hay.
"Vụ án này sẽ là bài học cảnh tỉnh cho các đối tượng tráo trở, bội bạc, lợi dụng tình cảm của người khác để chiếm đoạt tài sản. Vụ án cũng sẽ là bài học cho những người phụ nữ nhẹ dạ cả tin, dễ dàng tin tưởng vào những lời hứa hão huyền của người tình trong yêu mối tình vội vàng, chóng vánh", ông Cường kết lại.