Vụ 8 người ngộ độc rượu ở Long An: Người tặng rượu có phải chịu trách nhiệm không?

Liên quan đến thông tin 8 người bị ngộ độc sau khi uống rượu ngâm 'thuốc' do bạn tặng ở Long An gần đây, nhiều ý kiến thắc mắc người tặng rượu chịu trách nhiệm thế nào?

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, luật sư Hoàng Thị Hương Giang - Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, trong vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc ngộ độc của các nạn nhân. Đồng thời, làm rõ nguồn gốc loại rượu mà 8 người đã sử dụng để có căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định.

"Trường hợp người bạn tặng rượu không biết loại rượu mang đi tặng gây ngộ độc cho người sử dụng thì người bạn tặng rượu này sẽ không phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật. Còn trong trường hợp người bạn này biết loại rượu mang đi tặng có chất cấm, chất gây hại đến sức khỏe của người sử dụng nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, mong muốn hậu quả xảy ra thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý gây thương tích" hoặc tội "Giết người" tùy tính chất, mức độ thiệt hại của hành vi phạm tội", luật sư Hoàng Thị Hương Giang cho hay.

Theo luật sư Hoàng Thị Hương Giang, hiện nay, ngộ độc rượu vẫn là vấn đề rất được xã hội quan tâm và hầu hết những trường hợp ngộ độc đều do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc. Đáng nói là việc quản lý, giám sát rất khó, nhất là khi không ít người dân tự sản xuất không để buôn bán mà dùng và biếu, tặng.

Hầu hết những trường hợp ngộ độc đều do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc. Ảnh minh họa.

Hầu hết những trường hợp ngộ độc đều do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc. Ảnh minh họa.

Song song với quy định kiểm soát phòng chống ngộ độc rượu, cần có chế tài xử phạt thật nặng với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. Đồng thời, hướng dẫn cho người dân về quy trình công nghệ tốt nhất và phù hợp để sản xuất rượu.

"Để đảm bảo sức khỏe, trước hết mỗi người cần nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe, chỉ sử dụng các sản phẩm rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có nhãn mác, bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ gia đình, cơ sở sản xuất rượu chấp hành nghiêm quy định về an toàn thực phẩm, không sử dụng phẩm màu, phụ gia, hóa chất không được phép, cồn công nghiệp trong sản xuất rượu...

Đặc biệt, cần siết chặt quản lý thị trường rượu, bao gồm rượu do người dân tự nấu, tự pha chế. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, giám sát, hậu kiểm tại các địa bàn trọng điểm", luật sư Hoàng Thị Hương Giang nêu quan điểm.

Ngày 31/7, Khoa Cấp cứu BVĐK Long An tiếp nhận 8 bệnh nhân đến từ xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa (Long An) do gia đình đưa đến. Các bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc rượu. Trong số này 1 trường hợp khá nguy kịch, khó thở, huyết áp tụt thấp.

Sau khi chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc của bệnh viện, hầu hết bệnh nhân được ghi nhận có những dấu hiệu: nhịp tim chậm, tụt huyết áp, nhìn mờ, nôn ói nhiều lần.

Ngay sau đó, các bác sĩ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm độc chất methanol, khẩn trương điều trị. Sau nhiều ngày nằm viện, các bệnh nhân ổn định sức khỏe, được cho về nhà.

Theo người nhà bệnh nhân, 8 người này đã uống chai rượu ngâm thuốc của người bạn quen tặng. Khoảng 1 tiếng đồng hồ sau khi uống thì xảy ra triệu chứng ngộ độc.

Quỳnh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vu-8-nguoi-ngo-doc-ruou-o-long-an-nguoi-tang-ruou-co-phai-chiu-trach-nhiem-khong-169240806165510079.htm