Vụ ám sát ông Abe làm thay đổi cục diện chính trị Nhật Bản ra sao?

Sau khi từ chức thủ tướng do vấn đề sức khỏe, ông Shinzo Abe vẫn duy trì ảnh hưởng với tư cách là lãnh đạo phái lớn nhất của Đảng Dân chủ Tự do (LDP).

Vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe sẽ khiến các ưu tiên chính sách đối nội và đối ngoại của Nhật Bản thay đổi mạnh mẽ. Quốc gia này đã mất đi một gã khổng lồ có thể thay đổi cục diện chính trị từ hậu trường, theo Nikkei Asia.

Ông Abe đã tìm cách thay đổi Nhật Bản, đưa nước này trở thành một thế lực mạnh mẽ về mọi lĩnh vực. Hành xử của Nhật Bản trong các vấn đề quốc tế cũng quyết đoán hơn, mạnh mẽ hơn, không còn phụ thuộc nhiều vào đồng minh Mỹ.

Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông Abe đã tạo ra những thay đổi căn bản trong chính sách của Tokyo. Đường lối đối nội và đối ngoại dưới thời ông Abe nhất quán hơn rất nhiều so với các đời thủ tướng trước đó, đồng thời tập trung vào các giá trị thực sự quan trọng đối với vị thế của Nhật Bản.

 Người dân cầu nguyện cho ông Shinzo Abe tại nơi xảy ra vụ ám sát. Ảnh: Reuters.

Người dân cầu nguyện cho ông Shinzo Abe tại nơi xảy ra vụ ám sát. Ảnh: Reuters.

Di sản chính sách

Vị thủ tướng tại vị lâu nhất Nhật Bản đã để lại nhiều dấu ấn khó phai trong chính trị đất nước suốt 10 năm qua.

Sau khi Thủ tướng Abe và Đảng LDP giành quyền lãnh đạo chính phủ vào năm 2012, ông ngay lập tức bắt đầu định hình lại chính sách kinh tế của Nhật Bản. Năm 2013, ông Abe đã ký một thỏa thuận với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, đặt mục tiêu lạm phát 2%.

Chính quyền ông Abe không né tránh bất cứ vấn đề nào. Cũng trong năm 2013, Hội đồng An ninh Quốc gia được thành lập dưới sự kiểm soát trực tiếp của thủ tướng. Đây là nơi cho ra đời đường lối an ninh đối ngoại nhất quán của Tokyo.

Đến năm sau, nội các của Thủ tướng Abe đã thông qua nghị quyết bãi bỏ lệnh cấm từng ngăn quân đội nước này tham chiến ở nước ngoài. Thay vào đó, Nhật Bản được phép thực hiện quyền tự vệ tập thể nếu nước này hoặc các quốc gia có quan hệ gần gũi bị tấn công.

Chính phủ dưới thời ông Abe đã thay đổi hoàn toàn các chính sách tiền tệ, tài khóa và an ninh quốc gia truyền thống của Nhật Bản. Di sản chính trị của ông đã đặt nền tảng cho chính sách của các chính quyền kế nhiệm Yoshihide Suga và Fumio Kishida.

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chào đón tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chào đón tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20. Ảnh: Reuters.

Mặc dù đã từ chức thủ tướng vào tháng 9/2020 do sức khỏe yếu, ông Shinzo Abe vẫn tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ các ưu tiên chính sách của mình. Các quan chức từ các bộ trung ương thường xuyên đến văn phòng riêng của ông và xin tham vấn về các vấn đề quan trọng.

Trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử thượng viện, ông Abe đã tăng cường các nỗ lực vận động hành lang, với mục tiêu nhắm đến bổ nhiệm sau bầu cử và hoạch định chính sách.

Các hướng dẫn chính sách tài khóa và kinh tế do nội các ông Kishida ban hành vào tháng trước đã thừa hưởng các nội dung liên quan tới kích thích tài chính mạnh mẽ trong chính sách kinh tế Abenomics. Nhiều mục tiêu được đưa ra trong kế hoạch là do sự ủng hộ của cựu Thủ tướng Abe.

Ông Abe là tiếng nói hàng đầu trong việc tăng gần gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong 5 năm tới, lên mức 2% GDP. Đây là mục tiêu chấp nhận được trong kế hoạch kinh tế hiện tại.

Ảnh hưởng chính trị

Ảnh hưởng của ông Abe đến từ vị trí lãnh đạo phái lớn nhất trong LDP. Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida chỉ đứng đầu đảng lớn thứ tư. Ông sẽ phải đối mặt với tình trạng bế tắc nếu cố tình phớt lờ cựu Thủ tướng Abe.

Sự ảnh hưởng của ông Abe trong quá trình hoạch định chính sách cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích. Nhiều người phê phán rằng cấu trúc này lặp lại mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và đảng không cầm quyền, vốn đã tồn tại từ trước những năm 2000.

Mục đích của ông Abe liên quan đến chương trình nghị sự của chính phủ sau cuộc bầu cử thượng viện cũng thu hút sự chú ý. Nhiều câu hỏi đặt ra rằng liệu ông Abe có ủng hộ ông Kishida trong cuộc bầu cử tiếp theo, hay ông ủng hộ một ứng cử viên khác có ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách.

Sự ra đi của ông Abe hiện đã thay đổi động lực chính trị trong LDP. Quan trọng nhất là chưa có sự đồng thuận về việc ai sẽ tiếp quản vị trí lãnh đạo phái Seiwa Seisaku Kenkyukai của vị cựu thủ tướng.

Không loại trừ khả năng vụ ám sát sẽ làm rung chuyển nền tảng chính sách dài hạn của LDP. Thủ tướng Abe và các đồng minh của ông là động lực thúc đẩy quá trình hoạch định chính sách của Nhật Bản, đặc biệt là sự kiên trì trong việc sửa đổi hiến pháp.

Chính phủ Nhật Bản sẽ cập nhật Chiến lược An ninh Quốc gia vào cuối năm nay, trong đó bao gồm các điều khoản liên quan đến chi tiêu quốc phòng.

 Ông Shinzo Abe bắt tay những người ủng hộ tại Fukushima vào năm 2017. Ảnh: Reuters.

Ông Shinzo Abe bắt tay những người ủng hộ tại Fukushima vào năm 2017. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những xung đột nội bộ đối với việc tăng cường chi tiêu quốc phòng trong liên minh cầm quyền. Một số người trong liên minh bày tỏ sự miễn cưỡng đối với việc nâng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP.

Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda sẽ kết thúc nhiệm kỳ của mình vào tháng 4/2023. Ông là người dẫn đầu kế hoạch tiền tệ của chính sách kinh tế Abenomics. Các nhà lập pháp cùng phe với cựu thủ tướng Abe vẫn là những người ủng hộ chính sách tăng phát. Điều này sẽ khiến cuộc đua lãnh đạo BOJ trở nên khó đoán hơn.

Trên mặt trận ngoại giao, ông Abe được coi là một chính khách sắc sảo. Sự ra đi của ông sẽ phủ bóng đen lên khả năng ngoại giao của Nhật Bản.

Ông Abe đã phát triển mối liên hệ với nhiều nhà lãnh đạo lớn trên thế giới. Mối quan hệ chặt chẽ với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giúp ông Abe đưa ra “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Thủ tướng Abe đã liên tục kêu gọi Hàn Quốc tôn trọng thỏa thuận năm 2015 với Nhật Bản liên quan đến “phụ nữ giải khuây”. Ông cũng nhấn mạnh rằng những tranh cãi xung quanh lao động thời chiến phải được giải quyết dựa trên sự tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế.

Những tác động sắp tới

Vụ ám sát ông Abe sẽ khiến cách các chiến dịch vận động tranh cử tại Nhật Bản thay đổi mãi mãi.

Trước đây, các ứng cử viên chỉ cần ra ngoài và có những bài phát biểu trên các góc phố, trước các nhà ga. Họ bắt tay và phát biểu trước các cử tri bình thường mà không có lực lượng bảo đảm an ninh thực sự.

Nhưng kể từ vụ ám sát, sự gần gũi với cử tri sẽ không còn nữa. An toàn của các nhà chính trị sẽ được đặt lên hàng đầu, tránh lặp lại thảm kịch đã đột ngột cướp đi mạng sống của ông Abe. Khoảng cách giữa các ứng cử viên và cử tri sẽ ngày càng gia tăng khi các biện pháp an ninh được tăng cường.

Các chiến dịch bầu cử Thượng viện đã bị dừng lại trên khắp Nhật Bản kể từ ngày 8/7, nhưng cuộc bầu cử hôm 10/7 sẽ không bị hoãn. Thủ tướng Fumio Kishida đã lên án cuộc tấn công là “một hành động hèn nhát và man rợ được thực hiện giữa một cuộc bầu cử, là nền tảng của dân chủ”.

 Ông Abe trong Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Nhật Bản tại Bangkok năm 2019. Ảnh: Reuters.

Ông Abe trong Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Nhật Bản tại Bangkok năm 2019. Ảnh: Reuters.

Vụ ám sát là lời nhắc nhở đối với người dân về nỗ lực bảo vệ hệ thống dân chủ, do đó tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu nhiều khả năng sẽ tăng cao đột ngột. Cái chết của ông Abe có thể giúp LDP nhận được nhiều sự ủng hộ hơn trong cuộc bầu cử sắp tới.

Theo China Daily, vụ ám sát ông Shinzo Abe có thể định hình lại nền chính trị dân chủ của Nhật Bản. Nếu kẻ tấn công bị cáo buộc là cánh hữu, các chính trị gia sẽ không còn cảm thấy thoải mái để bày tỏ quan điểm công khai.

Sự cố sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi quân sự của Nhật Bản. Các quan điểm của ông Abe sẽ ngày càng được quan tâm hơn. Tokyo có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy chi tiêu quốc phòng, không chỉ dừng lại ở mức 2% GDP như kế hoạch hiện tại.

Chính quyền nước này cũng sẽ củng cố liên minh Nhật Bản-Mỹ và trở thành cầu nối giữa NATO với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Chính trị đảng phái của Nhật Bản cũng sẽ trải qua quá trình tái tổ chức. Những quan điểm chính sách của ông Abe đã được kế thừa bởi những người kế nhiệm, nhưng sự ra đi của ông sẽ thay đổi cục diện chính trị của LDP.

Cuộc đua để trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của một trong những phe phái quyền lực nhất của LDP sẽ sớm bắt đầu. Chính Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận định rằng điều này sẽ có tác động sâu sắc đến tâm lý người dân Nhật Bản.

Tuấn Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vu-am-sat-ong-abe-lam-thay-doi-cuc-dien-chinh-tri-nhat-ban-ra-sao-post1334066.html