Vụ ám sát Thủ tướng Slovakia có thể đặt châu Âu vào tình thế nguy hiểm
Thủ tướng Robert Fico của Slovakia đã bị bắn nhiều phát vào ngày 15/5, làm dấy lên lo ngại rằng nền chính trị phân cực của châu Âu đang chuyển sang bạo lực.
Một tay súng đã bắn Thủ tướng Robert Fico của Slovakia nhiều phát ở cự ly gần, trong một cuộc tấn công nghiêm trọng nhất nhằm vào một nhà lãnh đạo châu Âu trong hơn hai thập kỷ kể từ khi Thủ tướng Zoran Djindjic của Serbia bị ám sát năm 2003. Ông Fico vốn nổi tiếng với quan điểm trái chiều với các nhà lãnh đạo đồng cấp trong Liên minh châu Âu.
Thủ tướng Slovakia bị bắn sau khi bước ra từ Nhà Văn hóa ở Handlova, một thị trấn ở miền Trung nước này, chào đón một đám đông trên Quảng trường Banikov. Ông được đưa đến bệnh viện gần đó, rồi được chuyển đến một bệnh viện khác để phẫu thuật khẩn cấp.
Vài giờ sau, Phó thủ tướng Tomas Taraba thông báo rằng ca phẫu thuật cho Thủ tướng Fico đã diễn ra thành công và ông tạm qua cơn nguy kịch.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Slovkia Matus Sutaj Estok, nghi phạm tấn công tên là Juraj Cintula, 71 tuổi, sống ở thị trấn Levice. Người này đã bắn 5 phát súng về phía Thủ tướng Fico và bị lực lượng an ninh bắt giữ ngay sau đó. Truyền thông địa phương dẫn lời con trai nghi phạm cho biết, Cintula có giấy phép sử dụng súng hợp pháp và gia đình không hề hay biết về động cơ của vụ tấn công.
Bộ trưởng Estok cho biết, bằng chứng ban đầu “rõ ràng chỉ ra động cơ chính trị”.
Vụ ám sát bất thành làm dấy lên lo ngại rằng các cuộc tranh luận chính trị ngày càng phân cực và căng thẳng ở châu Âu đã dẫn đến bạo lực.
Ông Fico bắt đầu sự nghiệp chính trị kéo dài ba thập kỷ của mình với tư cách là một người cánh tả nhưng qua nhiều năm đã chuyển sang cánh hữu. Ông giữ chức thủ tướng từ năm 2006 đến 2010 và từ 2012 đến 2018, trước khi trở lại nắm quyền trong cuộc bầu cử năm ngoái. Sau khi bị lật đổ trong các cuộc biểu tình trên đường phố vào năm 2018, năm 2023 ông đã tái đắc cử trên nền tảng chủ nghĩa bảo thủ xã hội, chủ nghĩa dân tộc cùng những lời hứa về các chương trình phúc lợi hào phóng.
Việc Fico phản đối hỗ trợ quân sự cho Ukraine, quan hệ thân thiện với Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan điểm khác đã khiến ông đi chệch khỏi xu hướng chính thống của châu Âu. Giống như đồng minh Viktor Orban - Thủ tướng Hungary, ông Fico là người thường xuyên chỉ trích Liên minh châu Âu.
Giống như ông Orban và nhà lãnh đạo cực hữu người Hà Lan Geert Wilders, ông Fico rất vui khi thể hiện mình là một chiến binh ngoan cường vì những người lao động bình dân, có quan điểm cứng rắn với giới tinh hoa tự do và là bức tường thành chống lại sự nhập cư từ bên ngoài châu Âu, đặc biệt là người Hồi giáo.
Những người chỉ trích cáo buộc ông làm suy yếu tính độc lập của các phương tiện truyền thông, phản đối nỗ lực của ông nhằm hạn chế nguồn tài trợ nước ngoài cho các tổ chức dân sự và gọi Fico là mối đe dọa đối với nền dân chủ. Họ cáo buộc ông Fico đang tìm cách đưa Slovakia trở lại thời kỳ chịu ảnh hưởng của Liên Xô cũ.
Sự nghiệp chính trị của ông Fico tưởng chừng như đã kết thúc sau khi ông bị lật đổ vào năm 2018, nhưng ông đã tìm thấy động lực mới vào năm ngoái khi thúc đẩy lập trường chống cộng đồng L.G.B.T.Q, tấn công Liên minh châu Âu như một mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia và phản đối việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Trong nhiệm kỳ thủ tướng của mình, Slovakia đã trở thành quốc gia đầu tiên thuộc EU ngừng gửi vũ khí tới Ukraine, mặc dù viện trợ phi quân sự vẫn tiếp tục.
Việc ông Fico trở lại nắm quyền vào năm ngoái phản ánh một xu hướng rộng lớn hơn trên khắp châu Âu: sự suy giảm tâm lý ủng hộ dành cho các đảng trung tả và trung hữu.
Vụ nổ súng đã thu hút làn sóng lên án từ các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó Tổng thống Biden gọi đây là “hành động bạo lực khủng khiếp” và Tổng thống Putin ca ngợi ông Fico là một “người dũng cảm và có tư tưởng mạnh mẽ”.
Tổng thống Slovakia, Zuzana Caputova tuyên bố: “Vụ bắn thủ tướng trước hết là một cuộc tấn công vào con người, nhưng nó cũng là một cuộc tấn công vào nền dân chủ”.