Vụ án bao chiếm đất công chia cho người dân thu tiền bất chính: Những món nợ trên vai người nghèo do nhẹ dạ cả tin
Lúc gom tiền đóng cho Lê và Xem đi khiếu nại, nhiều người dân nghèo đều nghĩ Lê và Xem giúp mình có được 'mảnh đất cắm dùi' nhưng kết quả nhận lại hoàn toàn trái ngược, mảnh đất 'hy vọng' không thấy đâu, còn số tiền vay mượn trót đưa cho các đối tượng cũng chẳng biết khi nào mới được hoàn trả. Gánh nặng tiền bạc lại oằn lên vai những người dân nghèo trót tin lời hứa hão huyền.
Vay tiền giao cho bị cáo
Dù phiên tòa xét xử đối với bị cáo Nguyễn Thị Lê (54 tuổi, ngụ thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) và Nguyễn Văn Xem (51 tuổi, ngụ xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được thông báo lúc 7 giờ 30 phút mới bắt đầu nhưng từ 6 giờ sáng, một số bị hại đã có mặt tại tòa. Đa số họ đều là những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn hoặc thậm chí là rất nghèo.
Nơi xảy ra vụ việc tại ấp 4, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức nhưng những bị hại trong vụ án đến từ khắp các địa phương trong tỉnh: Bến Lức, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Châu Thành, Tân Thạnh, thậm chí là cả những huyện biên giới xa xôi như Đức Huệ, Vĩnh Hưng cũng có. Tất cả chỉ vì tin lời Lê khi hứa “Nhà nước có chủ trương chia đất cho người nghèo tại khu D, cặp kênh Bà Kiểng, ấp 4, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức (dự án 773 trước đây)”. Tin lời Lê, nhiều hộ nghèo đã làm đơn xin đất và ủy quyền cho Lê làm đại diện khiếu nại. Ngay sau đó, Lê đã đại diện các hộ dân nghèo làm đơn gửi UBND huyện Bến Lức xin được cấp đất. Tuy nhiên, UBND huyện Bến Lức có văn bản trả lời là chưa có chủ trương cấp đất. Xin đất không thành và để cho các bị hại tin tưởng, Nguyễn Thị Lê và Nguyễn Văn Xem tiếp tục tung tin chính quyền sẽ cấp đất cho dân nghèo, đồng thời đưa các giấy tờ liên quan đến dự án 773 cho các bị hại xem. Ngoài ra, Lê còn đăng lên mạng xã hội Facebook có tên “Nguyễn Lê” các hình ảnh, video clip về việc Lê đang xây nhà tại khu đất thuộc dự án 773 và nội dung các cuộc đối thoại giữa Lê và chính quyền địa phương với những lời lẽ, hành vi khiêu khích, xúc phạm cán bộ. Dù không được cấp phép nhưng Lê và Xem đã tự ý đo vẽ, sơn xịt phân chia đất tại khu vực này và giao cho người dân nhiều lô đất với diện tích mỗi lô 1.500m2.
Tin tưởng việc Nhà nước sẽ cấp đất và Lê là người đứng lên đấu tranh bảo vệ cho họ, cũng như hy vọng vào một “mảnh đất cắm dùi”, các bị hại đã vay mượn người thân, họ hàng giao tiền cho Lê và Xem để lo chi phí xin cấp đất. Thậm chí, nhiều người dân còn bị Lê kích động tụ tập, chống đối chính quyền khi được tuyên truyền, vận động.
Sau thời gian dài vận động nhưng không nhận được sự hợp tác, ngày 06/4/2018, tổ công tác huyện Bến Lức đã tiến hành kiểm đếm, tháo dỡ gần 200 chòi lá dựng tạm bợ, trái phép tại khu đất Lê cùng các hộ dân bao chiếm. Tưởng rằng sự việc khép lại nhưng bằng những lời lẽ xuyên tạc, Lê tiếp tục vận động người dân đóng tiền để Lê và Xem có chi phí thuê luật sư và trực tiếp ra Hà Nội khiếu kiện. Thậm chí, Lê còn thuê một số nhà báo với chi phí 35 triệu đồng/bài viết để người dân tin tưởng tiếp tục giao tiền cho Lê và Xem. Tổng số tiền 31 bị hại đã giao cho Lê và Xem lên đến 1,3 tỉ đồng.
Trót vay tiền giao cho Lê và Xem nhưng phần đất Lê giao bị cưỡng chế, tháo dỡ, không như cam kết của Lê nên đến tháng 6-2018, các bị hại đã có đơn tố cáo Lê và Xem có hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, người bị chiếm đoạt ít nhất là 5 triệu đồng, cá biệt có người đã giao cho Lê và Xem số tiền lên đến 200 triệu đồng.
Tuyên 27 năm tù cho 2 bị cáo
Ngày 03/3, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa xét xử đối với bị cáo Nguyễn Thị Lê và Nguyễn Văn Xem về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau 1 ngày làm việc, đến 20 giờ 30 phút cùng ngày, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh quyết định tuyên phạt bị cáo Lê mức án 15 năm tù, bị cáo Xem mức án 12 năm tù.
Món nợ oằn vai người nghèo
Đến khi phiên tòa được mở, sau những phân tích của Viện Kiểm sát và Hội đồng xét xử, nhiều bị hại mới vỡ lẽ “mình bị lừa” và những lời hứa trước đây của “cô Lê”, “anh Xem” chỉ là những lời hứa suông.
Thậm chí, tại phiên tòa, trước nhiều chứng cứ và bị cáo Xem thừa nhận việc làm vi phạm pháp luật khi nghe thông tin từ Lê đã tích cực thực hiện, thu tiền của người dân, nhưng bị cáo Lê vẫn cho rằng việc làm của mình không phạm tội. Đã thế, Lê còn một mực cho rằng các bị hại tự nguyện đóng tiền cho mình làm chi phí đi khiếu kiện, lấy đất cho người dân. Trước lời lẽ của Lê, nhiều bị hại khẳng định nếu Lê không chia đất, không hứa sẽ lo giấy tờ thì họ sẽ không bao giờ vay mượn tiền để đưa cho Lê và Xem.
Bị hại Lê Văn Tắc (xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa) cho biết: “Do nhà nghèo nên khi hay tin cô Lê nói Nhà nước cấp đất cho người nghèo nên tôi đăng ký xin đất. Cô Lê yêu cầu đóng 20 triệu đồng làm chi phí giấy tờ để được nhận 1 lô đất. Cô còn dặn, sau khi giao tiền phải thực hiện nguyên tắc không nghe - không biết - không thấy, nếu không cô sẽ giao đất cho người khác. Gia đình tôi không có cũng cố vay mượn người thân để có được 20 triệu đồng đóng cho cô Lê để mong có mảnh đất ổn định cuộc sống. Giờ tôi chỉ mong cô Lê trả lại tôi số tiền đó, chứ gia đình tôi nghèo, kiếm đâu ra số tiền đã vay mượn”. Còn bị hại Nguyễn Thanh Phong (xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa), người được Lê chia cho 1/2 lô đất cũng cho rằng, số tiền 10 triệu đồng ông đã giao cho Lê là do gia đình ông lấy hụi nóng, giờ Lê không trả, ông cũng chưa biết xoay sở ra sao.
Suốt một ngày dài xét xử, liên tục là những lời bao biện của Lê nhằm hợp thức hóa hành vi vi phạm của mình. Tuy nhiên, đến cuối ngày xét xử, khi được nói lời sau cùng, bị cáo Lê mới thừa nhận mình hạn chế hiểu biết pháp luật mới dẫn đến việc làm sai trái và mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Hy vọng về một “mảnh đất cắm dùi” của người dân đã vỡ tan, nhưng cay đắng hơn đó là những khoản nợ, những món tiền trót vay lại càng đè lên vai những người dân nghèo - những người đã trót tin vào lời hứa của Lê và Xem.
Phần đất các đối tượng bao chiếm hứa chia cho người dân là đất công
Từ cuối tháng 12/2017, xuất hiện một số hộ dân từ nhiều địa phương trong tỉnh cố tình đến khu vực đường cặp kênh Bà Kiểng, ấp 4, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, tự ý dựng lều, bạt, sơn xịt phân chia đất, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự cũng như đời sống của người dân địa phương. Các hộ này, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Thị Lê đã dựng gần 200 căn chòi lá tạm bợ để chiếm đất, sẵn sàng chống đối khi có lực lượng chức năng đến vận động. Trong danh sách những người xin cấp đất, các đối tượng cầm đầu còn ghi khống nhiều người vào danh sách để tăng số lượng người dân tham gia với mục đích gây áp lực cho chính quyền các cấp.
Trong khi đó, phần đất các đối tượng bao chiếm từ trước đến nay UBND huyện Bến Lức đang quản lý, được đưa vào sổ mục kê từ năm 2003 và được quy hoạch tuyến dân cư trong tương lai. Trước đây, huyện có chủ trương cho người dân mượn đất để sản xuất nông nghiệp nhưng khi địa phương có nhu cầu sử dụng sẽ thu hồi, không bồi thường hoa màu. Đến năm 2011, UBND tỉnh quyết định về việc bổ sung quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện Bến Lức. Trong đó, khu vực đất cặp kênh Bà Kiểng được chuyển đổi sang đất dành cho giao thông. Năm 2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phát triển giao thông - vận tải đường bộ tỉnh Long An đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo Quyết định 4704/QĐ-UBND tỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới đường tỉnh thêm 12 tuyến mới, trong đó có tuyến Lương Hòa - Bình Hòa Bắc với chiều dài 20,6km nối đường Lương Hòa - Bình Chánh qua sông Vàm Cỏ Đông, nối Quốc lộ N2 trùng vào đường Khu công nghiệp Hoàn Cầu, cặp kênh Bà Kiểng và Quốc lộ N1 tại xã Bình Hòa Bắc, quy hoạch đến năm 2030 đạt 6 làn xe, nền đường rộng 30m, đoạn trùng đường Khu công nghiệp Hoàn Cầu quy mô đường đô thị, nền đường rộng 34m.
Mặc dù biết rõ việc đó nhưng Nguyễn Thị Lê và Nguyễn Văn Xem vẫn tiếp tục xuyên tạc, kích động người dân bao chiếm đất. Thậm chí, Lê và Xem đã gợi ý và thu tiền của 31 người dân với số tiền hơn 1,3 tỉ đồng. Do không đóng tiền nhưng không nhận được đất, một số hộ dân đã tố cáo Lê và Xem về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau đó, cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành bắt tạm giam Lê và Xem.
Mặc dù, Lê và Xem không trực tiếp liên quan đến phần đất này nhưng lại là người cầm đầu, lôi kéo người dân tham gia nhằm gây áp lực không chỉ ở địa phương mà cả ở Trung ương. Đây là các điều kiện để các thế lực thù địch, phản động khai thác để chống phá. Chúng triệt để lợi dụng hoạt động khiếu kiện, tố cáo của người dân để lôi kéo, tập hợp lực lượng, tài trợ tiền, vật chất, kích động người dân khiếu kiện có các hoạt động gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự. Qua vụ việc bao chiếm đất công, người dân cần cảnh giác với hành vi lợi dụng, lôi kéo, xúi giục của một số đối tượng cầm đầu, tránh trường hợp “tiền mất, tật mang”./.