Vụ án bí ẩn: Người phụ nữ cháy rụi thành tro bụi bên trong căn hộ gần như nguyên vẹn
Khi cảnh sát tìm thấy Mary Reeser vào năm 1951, toàn thân bà hầu hết đã cháy thành tro. Điều khó hiểu là mọi đồ đạc trong căn hộ vẫn gần như hoàn toàn nguyên vẹn. Vụ án bí ẩn này suốt 70 năm qua vẫn chưa tìm được lời giải đáp thuyết phục.
Vụ án Mary Reeser còn được gọi là vụ án "Người đàn bà hóa tro" đến nay vẫn là bí ẩn chưa tìm ra lời giải với cảnh sát Mỹ. Ngày 2/7/1951, Pansy Carpenter - chủ nhà của bà Reeser ghé qua căn hộ của bà ở 1200 Cherry Street (TP St Petersburg, bang Florida, Mỹ) để đưa một bức điện tín. Carpenter gọi cửa nhưng không ai trả lời. Đặt tay lên tay nắm cửa và thấy nóng ran bất thường, Carpenter quyết định gọi cảnh sát.
Cảnh sát lập tức đến căn hộ và phát hiện bà Mary Reeser (67 tuổi) chết cháy một cách bí ẩn. Theo các báo cáo, cơ thể bà đã bị nung chảy bởi một ngọn lửa màu trắng – màu sắc hiển thị nhiệt độ từ 1.300-1.500°C – tương đương với nhiệt độ trong lò hỏa táng.
Thi thể bà gần như đã hoàn toàn hóa tro, chỉ còn sót lại bàn chân trái với chiếc dép còn nguyên nhưng không hề có dấu hiệu của việc đốt than. Một phần cột sống và một mảnh sọ (được mô tả là đã bị teo nhỏ) cũng được tìm thấy tại hiện trường.
Căn hộ vẫn còn ấm khi cảnh sát đến nhưng phần lớn đồ đạc vẫn nguyên vẹn. Các đồ gia dụng bằng nhựa gần chiếc ghế Reeser đang ngồi đều mềm nhũn, biến dạng. Tấm thảm có một vết cháy. Ghế, đèn và một chiếc đồng hồ điện chỉ 4h20 sáng với phích cắm đã bị thiêu rụi. Ngoài ra, phần còn lại của căn phòng dường như không bị ảnh hưởng bởi ngọn lửa bí ẩn thiêu đốt bà Mary Reeser.
Để hỏa táng một thi thể xong xuôi phải mất tới khoảng 3-4 giờ với nhiệt độ 1.650°C nên trường hợp của Mary Reeser khiến các nhà chức trách thực sự bối rối. Điều gì có thể thiêu cháy bà Reeser dữ dội đến thế mà không ảnh hưởng đến đồ vật xung quanh?
Theo điều tra, ngày 1/7/1951, một ngày trước khi sự việc xảy ra, con trai bà có ghé qua thăm mẹ và một người hàng xóm cũng sang chơi. Lúc đó, Mary Reeser mặc một bộ đồ ngủ bằng tơ nhân tạo, khoác áo choàng bên ngoài và đi dép trong phòng ngủ. Khi con trai và người hàng xóm ra về, mọi thứ trong căn hộ vẫn bình thường.
Sự bí ẩn của vụ án khiến người ta nghi ngờ Reeser là nạn nhân của hiện tượng đốt cháy tự phát (SHC), tức là con người tự bốc cháy do phản ứng hóa học trong cơ thể họ mà không hề có tác động hay nguồn nhiệt từ bên ngoài. Dù từng có nhiều trường hợp chứng minh hiện tượng này có thật từ năm 1663 nhưng nhiều nhà khoa học vẫn không bị thuyết phục.
Cass Burgess - cảnh sát điều tra vụ án Reeser khi ấy nói với phóng viên: "Vụ cháy này thật kỳ dị". Burgess và nhóm điều tra đã gửi các thùng vật liệu còn sót lại trong căn hộ đến phòng thí nghiệm FBI ở Washington, D.C để phân tích hóa học. Một số vật liệu được gửi đi bao gồm một mảnh thảm trải sàn, mẩu vụn gạch tường và các phần ghế mà Reeser ngồi khi chết cháy.
Không chỉ làm đau đầu các nhà điều tra, vụ án Mary Reeser cũng lôi cuốn dư luận không kém vì độ ly kỳ của nó. Điều tra viên Ed Silk cho biết ít nhất 15 thám tử nghiệp dư đã gọi điện cho ông để nêu giả thiết của họ.
Nhóm điều tra sau đó tuyên bố vụ án Mary Reeser là "cái chết vô tình do hỏa hoạn mà không rõ nguồn gây cháy". Burgess giải thích điều đó không có nghĩa là họ kết thúc cuộc điều tra, họ chỉ đang đưa ra một thông báo để người nhà có thể tiến hành chôn cất nạn nhân.
Dù FBI xác định cái chết của Reeser không phải là kết quả của hiện tượng người tự bốc cháy, nhưng họ cũng không thể khẳng định nguyên nhân thực sự. FBI tin rằng Mary Reeser có thể đã châm thuốc lá và ngủ thiếp đi khiến lửa bén vào người và chất béo trong cơ thể bà trở thành nguồn cung cấp nhiên liệu cho ngọn lửa. Bà bốc cháy và "cơ thể bà hoàn toàn bị hủy diệt do chính các mô mỡ "nuôi dưỡng" ngọn lửa". Điều này về sau được gọi là "Hiệu ứng sợi bấc", xảy ra khi đám cháy nhỏ bắt nguồn từ quần áo của nạn nhân (lần cuối có người nhìn thấy bà Reeser là khi bà đang hút thuốc), sau đó ngọn lửa này tiếp tục đốt cháy chất béo trong cơ thể họ, quần áo nạn nhân lúc này đóng vai trò như sợi bấc của một ngọn nến.
Đúng là mô mỡ của con người rất dễ cháy, đặc biệt là ở những người béo phì. Bà Reeser là một phụ nữ khá đẫy đà, nặng 77kg. Cách giải thích này cũng phù hợp với dữ kiện toàn thân bà Reeser bị nung chảy và bà không có khả năng tìm cách trốn thoát hay kêu cứu. Lý giải của FBI có sự logic nhất định nhưng vẫn không thể trả lời hết các câu hỏi. Chẳng hạn, vì sao chồng báo bên cạnh chiếc ghế của bà Reeser vẫn còn nguyên không một vết cháy sém?
Tiến sĩ Wilton M. Krogman - một giáo sư về nhân học hình thể tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) kiêm nhà nghiên cứu hỏa hoạn giàu kinh nghiệm - không đồng ý với kết luận của FBI. Krogman khẳng định, trong tất cả những vụ chết cháy mà ông từng điều tra, ông "không thể hình dung được một người bị hỏa táng hoàn toàn như vậy mà cả căn hộ lại không hề hấn gì". Các cách giải thích lần lượt được đưa ra, sét đánh, chất nổ đều là phương án được người ta tính đến. Tuy nhiên, không hề có sét tại St. Petersburg vào đêm đó, mẫu xét nghiệm các vật chứng từ hiện trường cũng không cho thấy dấu hiệu của xăng hay chất gây cháy nào. Sau một cuộc điều tra chẳng đi đến đâu, cảnh sát cuối cùng kết luận nguyên nhân là "một điếu thuốc bị bỏ quên". Vậy là đã gần 70 năm kể từ khi Mary Reeser qua đời, nhưng cái chết của bà đến nay vẫn là bí ẩn thách thức các nhà điều tra và cả dư luận.