Vụ án cháu bé 8 tuổi bị người tình của bố đánh tử vong: Nhiều gia đình vẫn còn tư tưởng 'thương cho roi, cho vọt'
Cái chết của bé N.T.V.A (8 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TPHCM) tử vong do bị người tình của bố bạo hành khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Câu hỏi được đặt ra, nguyên nhân nào khiến tình trạng trẻ em bị bạo hành liên tục gia tăng trong thời gian qua?
Công an quận Bình Thạnh đã khởi tố bắt tạm giam Nguyễn Kim Trung Thái (SN 1985, bố ruột cháu A), Võ Nguyễn Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai, người tình của Thái) để điều tra về tội "Hành hạ người khác". Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, từ tháng 9/2021, do dịch bệnh tại TP HCM diễn biến phức tạp nên cháu A học online, Trang được ông T giao nhiệm vụ kèm cháu học.
Trong quá trình kèm cháu A học, Trang nhiều lần đánh con của người tình. Trang lên mạng đặt mua một chiếc roi mây để tiện "dạy" cháu A. Quá trình đánh cháu A, roi mây bị gãy nên Trang dùng một thanh gỗ khác để tiếp tục hành hạ cháu.
Khoảng 15 giờ 30 ngày 22/12, Trang kèm cháu A học và dùng cây gỗ đánh đánh cháu nhiều lần trong khoảng 30 phút. Khi thấy cháu A có những biểu hiện bất thường, người dân địa phương cùng Thái mới vội đưa cháu đến viện nhưng nạn nhân đã tử vong. Kết quả pháp y xác định cháu bị phù phổi cấp, gãy một số xương sườn và trên người có nhiều vết bầm.
Có thể nói, đây không phải là vụ bạo hành trẻ dẫn đến tử vong đầu tiên ở nước ta. Trước đó, tại Hà Nội ít nhất đã xảy ra hai vụ tương tự. Một vụ đã được đưa ra xét xử với mức án nghiêm khắc nhất dành cho các đối tượng bạo hành trẻ; vụ còn lại vừa có kết luận điều tra, chờ ngày xét xử.
Theo luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội), có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại trong đó có thể kể đến các nguyên nhân như: Nhiều người vẫn còn có tư tưởng giáo dục là "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Do vậy, người lớn vẫn quen sử dụng bạo lực trong giáo dục khiến việc sử dụng bạo lực trong quá trình giáo dục đạo đức, giáo dục văn hóa của trẻ em diễn ra tương đối phổ biến trong xã hội.
Nhiều bậc cha mẹ, thầy cô giáo thiếu kỹ năng sống, thiếu kỹ năng giáo dục, không kiềm chế được cảm xúc dẫn đến việc khi tiếp xúc với trẻ em thì mất bình tĩnh, đã sử dụng bạo lực để áp đặt ý chí của mình đối với trẻ em dẫn đến gây thương tích, thậm chí thiệt mạng trẻ em.
Hiện nay, việc giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống, để trẻ em nhận thức về Quyền trẻ em và cách thoát hiểm trong những tình huống có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại chưa đạt hiệu quả. Việc giáo dục kỹ năng vẫn mang tính chất chung chung, chưa đi vào thực chất dẫn đến kém hiệu quả trong việc phòng vệ, bảo vệ của trẻ em. Pháp luật quy định rất nhiều cơ quan tổ chức có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ trẻ em nhưng không có quy định cụ thể về chức năng nhiệm vụ trách nhiệm của từng cơ quan tổ chức dẫn đến chồng chéo, thiếu cơ chế phối hợp, khi sự việc xảy ra thì không biết quy trách nhiệm cho ai dẫn đến khó khăn lúng túng trong việc bảo vệ trẻ em.
Đặc biệt, văn hóa phương Đông là duy tình, khi sự việc xảy ra thì thường giải quyết bằng tình cảm, theo kiểu "đóng cửa bảo nhau" mà không đưa ra pháp luật dẫn đến tình trạng bạo hành, xâm hại diễn ra nhiều lần, kéo dài mà không đưa đến cơ quan chức năng. Nhiều người vẫn còn tư duy theo kiểu "đèn nhà ai nhà ấy rạng". Họ coi việc cha mẹ đánh con là chuyện cá nhân của người ta, không muốn can thiệp vào đời sống riêng tư nên khi thấy hàng xóm đánh con, trẻ em bị xâm hại thì nhiều người vô cảm cho rằng không phải chuyện của mình.
"Khi xã hội càng phát triển văn minh thì các quyền con người, quyền công dân cần được ghi nhận đầy đủ mà trước tiên là quyền trẻ em. Đồng thời với việc ghi nhận quyền thì cần xây dựng cơ chế chính sách, các biện pháp đảm bảo để thực hiện quyền và quy định áp dụng chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi xâm hại quyền trẻ em. Khi để trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại thì trách nhiệm đầu tiên là của cha mẹ, của thầy cô giáo, của những người thân thích đối với trẻ em và của chính quyền địa phương", luật sư Cường chia sẻ.
Cũng theo luật sư Cường, với những trẻ em sống trong môi trường đặc biệt như thiếu cha, thiếu mẹ, trẻ em bị khuyết tật bẩm sinh, trẻ em nghèo là những đứa trẻ dễ bị tổn thương. Những đứa trẻ đó cần phải được thống kê, được kiểm soát, được hỗ trợ giúp đỡ và tạo điều kiện trong cuộc sống, điều kiện về học tập và được bảo vệ bởi các thiết chế xã hội.
Những đứa trẻ dễ bị tổn thương như vậy thì phải có sự quan tâm đặc biệt của chính quyền địa phương. Nếu địa phương nào để xảy ra những trẻ em đặc biệt như vậy bị bạo hành xâm hại thì phải truy trách nhiệm người đứng đầu, truy trách nhiệm đối với cán bộ phụ trách, cán bộ chuyên môn. Có quy định chặt chẽ, rõ ràng về trách nhiệm phải về thẩm quyền như vậy thì mới đạt hiệu quả trong việc bảo vệ trẻ em khỏi các nguy cơ bị bạo hành, bị xâm hại.
Bạo lực, bạo hành trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Dưới góc độ pháp lý thì đây là những hành vi vi phạm pháp luật tùy vào tính chất mức độ của hành vi, vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ phải chịu chế tài hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong vụ án cháu bé 8 tuổi bị bạn gái của bố bảo hành đến mức tử vong thì đây là hành vi rất tàn nhẫn, rất đáng lên án. Hành vi đánh đập cháu bé đến mức gãy hỏng cả roi mây, sau đó tiếp tục dùng thân cây, khúc gỗ đánh cháu bé đến chết cho thấy sự tàn nhẫn, ác độc của người phụ nữ này. Hành vi này không chỉ là hành hạ mà còn có thể là hành vi cố ý gây thương tích, thậm chí giết người.
Việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự về tội "Hành hạ người khác" theo Điều 140 (BLHS 2015) chỉ là bước đầu của vụ án này. Rất có thể trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ chuyển tội danh sang tội "Cố ý gây thương tích" hoặc tội "Giết người" để xử lý đối với người đã sát hại cháu bé.
"Bảo vệ trẻ em không chỉ là trách nhiệm của bậc làm cha, làm mẹ mà còn là trách nhiệm của cơ quan, đoàn thể, của chính quyền địa phương và của cả cộng đồng. Để giảm thiểu các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em thì cần phải rèn luyện kỹ năng cho các em và cho những người chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.
Cần phải tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về Quyền trẻ em, cách thức thực hiện quyền trẻ em và nâng cao trách nhiệm của cơ quan đoàn thể, thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa thì mới giảm thiểu được các hành vi trẻ em bị bạo hành, xâm hại", luật sư Cường phân tích.