Vụ án đôi chiếu bông

Đứng trước người thiếu phụ một con còn phơi phới thanh xuân, trong cái buổi trưa êm ả giữa miền sông nước hữu tình, anh Tư kềm lòng 'hổng đặng' nên sự thể mới xảy ra…

Anh Tư vốn là nông dân thứ thiệt. Nhân tháng nông nhàn, anh ra chợ Cà Mau mua chục đôi chiếu bỏ xuống ghe chèo đi bán, trước kiếm đồng lời, sau đi ngao du thiên địa một phen cho bõ những ngày cuốc cày vất vả.

Bữa nọ, ngang qua một xóm cù lao ở tỉnh kế bên, gặp cơn nắng gắt, anh tấp vô chỗ bóng mát bụi dừa nước, neo ghe lại, pha một bình trà quạu, ra mũi ghe ngồi nhâm nhi ngẫm ngợi sự đời. Tức cảnh sinh tình, anh bèn lên câu vọng cổ: Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào bên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra… chào. Anh vỗ đùi nghe cái độp thay cho nhịp song lang. Không dè giọng ca mùi mẩn của anh lọt vô tai chị Mai nhà ở gần đó.

Chị Mai ở một mình với thằng con trai mới biết bò, trong căn nhà lá nằm cheo leo trên cái doi đất bồi. Hổm rày cũng tính thay chiếc chiếu đã tả tơi, nhưng chưa có dịp đi chợ. Chị bồng con mon men lại chỗ anh Tư. Sau khi lật qua lật lại muốn hết ghe chiếu, trả giá tới lui một hồi, cũng không đâu ra đâu. Anh Tư có vẻ nóng ruột:

-Rồi, dứt dạt ba chục ngàn, chị chịu thì lấy chớ tôi không bớt nữa.

Chị Mai xuống nước năn nỉ:

-Tui nói thiệt, tui chỉ có hai chục, anh bán tui cám ơn, chiếu rách, đêm nào thằng nhỏ ngủ cũng bị muỗi cắn quá trời!

Động lòng, anh Tư đồng ý, ảnh ôm chiếc chiếu theo chị Mai lên nhà lấy tiền. Nhìn nhà cửa trống trơn, anh vừa giúp chị Mai trải thử chiếc chiếu mới lên giường vừa hỏi thăm:

- Ảnh đâu mà chị ở nhà mình ên vậy?

- Ảnh đi Đồng Tháp vác lúa mướn cho người ta, xong mùa mới về.

- Chị ở đây không có ruộng đất gì sao?”.

-Tụi tui nghèo, đâu có nghề ngỗng, ruộng đất gì, chuyên đi mần mướn không hà.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Không biết vì gia cảnh chị Mai khiến anh Tư động lòng trắc ẩn hay bởi đứng trước người thiếu phụ một con còn phơi phới thanh xuân, trong cái buổi trưa êm ả giữa miền sông nước hữu tình mà anh Tư kềm lòng hổng đặng. Anh bèn nắm tay chị Mai giao lưu tình cảm:

-Hay thôi, nếu hổng tiền thì coi có cái gì đổi cũng được.

- Nhà tui có gì đâu mà đổi.

Thấy Mai để yên tay cho anh nắm, Tư bèn thừa thắng xông lên, anh hun vô gò má chị M một cái chụt:

-Thì đổi… đổi… cái gì hổng được. Có cái gì đổi cái nấy. Tui cho luôn một đôi luôn, chiếu bông đàng hoàng.

Chuyện gì đến đã đến. Ngoài trời thì nắng như đổ lửa, mà trong nhà nổi trận mây mưa. Đường quê vắng ngắt, chỉ nghe xao xác tiếng gà trưa. Thằng bé bò lê thích thú nghịch vũng nước đái nó vừa tè ra dưới đất…

Xong việc, không biết nghĩ sao anh Tư trở mặt, chỉ trừ tiền một chiếc chiếu thay vì chung một đôi như đã hứa. Chị Mai tức quá, lời qua tiếng lại thành một cuộc ẩu đả. Nghe tiếng, bà con chòm xóm lần lượt kéo tới.

Không mấy chốc, ai cũng thấu hiểu. Mấy chị phụ nữ trẻ, mặt mày đỏ ké bấm tay nhau lặng lẽ ra về. Mấy bà trung niên lắc đầu ngao ngán, hiểu hổng nổi. Chỉ có cánh mày râu là bức xúc chịu không được: “Có phải đàn ông không vậy, chơi gì ăn quỵt, hèn quá”.

Tới nước này, hình như cả anh Tư và chị Mai mới chợt hiểu ra sự nghiêm trọng của vấn đề. Chị Mai ôm thằng bé ngồi thút thít ở một góc nhà. Còn anh Tư đứng như trời trồng, mặt cắt không còn hột máu. Chừng nghe một “thành phần quá khích” hậm hực: “Kêu công an còng đầu nó đi, ở đâu lại đây bày trò khốn nạn”, bác tổ trưởng tổ nhân dân tự quản mới lên tiếng đề nghị bà con ai về nhà nấy, để ông giải quyết.

Còn lại ba người, ông cho đương sự lần lượt trình bày ý kiến. Cả hai cùng tỏ ra hối hận về việc làm nông nổi của mình. Chị Mai vừa nói vừa khóc tức tưởi như bị chồng đánh:

-Ảnh đi mấy tháng rồi, không biết mần ăn ra sao mà không gởi về một hột lúa. Chiếc chiếu rách tả tơi, muỗi cắn thằng nhỏ muốn chết, con nghe ổng trả cho đôi chiếu con cũng ham, với lại con nghĩ thây kệ, mình có chồng rồi có mất mát gì đâu mà sợ, xong việc, ổng về xứ ổng, ai biết được, nên con mới… Ai dè đâu ổng ăn quỵt con tức quá mới la lên.

Còn anh Tư thì lập luận:

- Con tính nói chơi ai dè cổ chịu thiệt. Cổ đồng ý chớ con đâu có ép. Con không có hứa trả một đôi chiếu, con chỉ hứa không lấy tiền chiếc chiếu cổ mua của con thôi. Bán một chục đôi, chèo hả họng mới lời được có một đôi…”

Chị Mai giãy đành đạch:

- Rõ ràng nãy hứa mà bây giờ chối hả?

- Ai làm chứng tui hứa cho cô một đôi?

Ông tổ trưởng tổ nhân dân tự quản vốn cũng là nông dân thứ thiệt, suy nghĩ lung một hồi rồi phân giải:

- Giờ tui nói vầy. Con Mai là dân ở đây, tui rành nó lắm. Nó dốt chữ nhưng tánh ý thiệt thà. Nghèo quá, thấy đôi chiếu cái bụng ham mà cái đầu nghĩ hổng tới. Tui biết nó không có thêm bớt cho chú đâu. Đành là không ai làm chứng nhưng sự việc lỡ rồi, một chiếc cũng vậy mà một đôi cũng hổng tới đâu. Mình là đàn ông đừng nhỏ mọn. Chú là người xứ khác tới đây, căng quá, mấy thằng nhỏ xóm này nó hè nhau dần chú một trận thêm phiền.

Day qua phía chị Mai, ông nói tiếp:

-Còn con Mai, bây là đàn bà có chồng, đã nghe lời người ta làm bậy còn la lối om sòm, tới tai thằng chồng bây, bây hổng có yên thân với nó à nghen.

Nghe tới đây, chị Mai giựt mình mặt xanh như tàu chuối, tay chân run lẩy bẩy. Anh Tư coi bộ cũng muốn mau chóng rút cho êm, liền xuống ghe lấy thêm một chiếc chiếu nữa lên chung đủ cho chị Mai.

Chị Mai gom luôn chiếc chiếu vừa trải thử lên giường hồi nãy, mạnh tay quăng tuốt xuống sông, gặp con nước lớn chảy xuôi, đôi chiếu trôi băng băng theo dòng nước.

Vân Nhi

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/con-duong-hoan-luong/buoc-nguac-cuoc-doi/vu-an-doi-chieu-bong-45277.html