Vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn ở Bộ GD&ĐT: Làm rõ người nhận đề thi, có không hành vi đưa tiền
Chuyên gia pháp lý nhận định, hành vi vi phạm pháp luật về lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp có thể sẽ có nhiều bị can thực hiện.
Thông tin từ Bộ Công an cho biết, căn cứ kết quả điều tra xác minh vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi môn Sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, ngày 10/6/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cơ quan công an cũng lập tức khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phạm Thị My (nguyên giáo viên Đại học Sư phạm Hà Nội) và khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cứ trú đối với Bùi Văn Sâm (nguyên giáo viên Đại học Sư phạm Hà Nội) cùng về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, sẽ bị xử lý hình sự về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự 2015.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ chức vụ, quyền hạn của hai bị can trong vụ án này là gì đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; các bị can đã thực hiện hành vi làm trái công vụ là hành vi nào; động cơ vì vụ lợi hay vì động cơ cá nhân thể hiện qua chứng cứ nào.
Trong trường hợp có sự cấu kết với nhau để tuồn tới thi ra ngoài bán cho học sinh kiếm tiền thì đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp và vi phạm pháp luật, việc xử lý hình sự là có căn cứ.
Trước đó, có thông tin phản ánh về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 môn Sinh học có nhiều phần trùng lặp với nội dung ôn tập cho học sinh của một thầy giáo tại Trường THPT chuyên Hà Tĩnh.
Tội danh mà hai nguyên giáo viên Đại học Sư phạm Hà Nội vừa bị khởi tố có 3 khung hình phạt. Cụ thể, khung 1 (khoản 1) là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Khung 2 (khoản 2), người nào phạm tội có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Khung 3 (khoản 3) người nào phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 tỷ đồng trở lên, bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
Như vậy nếu kết thúc quá điều tra, hai nguyên giáo viên vẫn bị truy tố về tội danh trên, tùy tính chất mức độ mà phải đối mặt với các khung hình phạt như đã phân tích.
Chuyên gia pháp lý này nhận định, hành vi vi phạm pháp luật về lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp có thể sẽ có nhiều bị can thực hiện.
Do đó, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ người nhận đề thi này là ai, có hành vi đưa tiền để mua đề thi hay không để xem xét về hành vi đưa hối lộ và hành vi mua bán, trao đổi, chiếm đoạt bí mật nhà nước.