Vụ án 'lừa đảo chiếm đoạt tài sản' ở Cà Mau: Tòa trả hồ sơ vì căn cứ buộc tội yếu
Hai lý do chính khiến TAND tỉnh Cà Mau quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' là trong quá trình điều tra, truy tố, các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương xác định tài sản bị chiếm đoạt thiếu thống nhất và còn mâu thuẫn trong việc xác định bản chất các giao dịch có trong hồ sơ vụ án.
Tài sản chiếm đoạt là gì?
Theo Cáo trạng, ngày 16/5/2019, bị cáo Cao Thị Hằng (trú tại phường 8, TP. Cà Mau) đã thực hiện hành vi gian dối để bà Nguyễn Thị Lan ký hợp đồng ủy quyền cho bà Võ Yến Ly thực hiện quyền định đoạt đối với nhà đất của bà Lan tọa lạc tại Khóm 5, Phường 1, TP. Cà Mau. Ngay sau đó, bà Hằng bị cho là “chỉ đạo” bà Ly ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất của bà Lan cho vợ chồng ông Lê Hồng Sơn để chiếm đoạt nhà đất nêu trên.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, truy tố, CQĐT, VKSND tỉnh Cà Mau còn có quan điểm khác nhau về việc xác định tài sản của bà Lan bị chiếm đoạt.
Tại Bản kết luận điều tra (KLĐT) ngày 07/4/2020, CQĐT xác định tài sản bị chiếm đoạt là nhà đất của bà Lan trị giá 2.662.435.000 đồng. Trong khi tại Cáo trạng, VKSND lúc thì xác định tài sản bị chiếm đoạt là nhà đất, lúc thì xác định tài sản bị chiếm đoạt là số tiền 2,8 tỷ đồng.
Có hình sự hóa quan hệ dân sự?
Tại KLĐT, CQĐT đã xác định giao dịch giữa Hằng (thông qua Võ Yến Ly) với vợ chồng ông Lê Hồng Sơn bản chất là vay mượn tiền có thế chấp nhưng được hợp thức hóa bằng “Hợp đồng mua bán quyền sở hữu nhà ở và chuyển nhượng quyền sử dụng đất”. Tuy nhiên, tại phiên tòa, Hằng trình bày không giao dịch vay mượn, mua bán nhà đất nào với vợ chồng ông Sơn. Còn ông Sơn trình bày đã trực tiếp thỏa thuận, giao dịch với bà Ly, không có giao dịch nào với Hằng.
Luật sư Đỗ Văn Nhặn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, ở vụ án này CQĐT chỉ căn cứ vào lời khai mâu thuẫn của bà Lan, bà Ly, ông Linh và lời khai của một số nhân chứng gián tiếp khác để cáo buộc bà Hằng chiếm đoạt nhà đất của bà Lan là khiên cưỡng, không có căn cứ vững chắc.
Hồ sơ vụ án không có chứng cứ vật chất chứng minh bà Hằng đã thỏa thuận, đồng ý mua nhà đất của bà Lan với giá 2,8 tỷ đồng, cũng không có chứng cứ vật chất chứng minh bà Hằng có mặt tại Văn phòng Công chứng (VPCC) để thống nhất việc bà Lan ủy quyền cho bà Ly, cũng không có chứng cứ vật chất chứng minh bà Hằng có mặt tại quán Cafe Hội Ngộ, VPCC Minh Hải để bàn bạc, thống nhất việc bà Ly chuyển nhượng nhà đất của bà Lan cho vợ chồng Sơn.
Hơn nữa, tại Hợp đồng ủy quyền do VPCC Trần Mai Hương chứng nhận ngày 16/5/2019 thể hiện bà Lan và bà Ly tự nguyện giao kết hợp đồng (giao dịch) và cam đoan chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ nội dung hợp đồng, các bên giao kết đã đọc lại toàn bộ nội dung dự thảo hợp đồng, đồng ý toàn bộ nội dung dự thảo hợp đồng và đã ký vào hợp đồng trước sự có mặt của Công chứng viên. Hồ sơ vụ án không có chứng cứ vật chất chứng minh bà Lan, bà Ly bị cưỡng ép, bị lừa dối hay bị đe dọa ký hợp đồng ủy quyền này. Các chứng cứ vật chất có trong hồ sơ vụ án thể hiện bà Ly mới là người thực hiện các giao dịch liên quan đến nhà đất của bà Lan.
Theo Luật sư Nhặn, trong vụ án này, các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thể hiện bản chất của việc thỏa thuận mua bán, ủy quyền, chuyển nhượng, đặt cọc có liên quan đến nhà đất của bà Lan là giao dịch dân sự (Giao dịch ủy quyền giữa bà Lan với bà Ly là giao dịch dân sự do bị lừa dối. Giao dịch chuyển nhượng ký giữa bà Ly với vợ chồng ông Lê Hồng Sơn là giao dịch dân sự giả tạo).
Các tranh chấp phát sinh từ giao dịch trên cần phải được giải quyết bằng vụ án dân sự. “Các cơ quan tiến hành tố tụng không có căn cứ vững chắc để chứng minh bà Hằng đã chiếm đoạt tài sản gì của bà Lan, nhưng đã khởi tố, điều tra, truy tố đối với bà Hằng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là hình sự hóa quan hệ dân sự, có thể dẫn đến oan sai” - Luật sư Nhặn nêu quan điểm.
Được biết, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 29/9/2020, HĐXX TAND tỉnh Cà Mau đã chấp nhận quan điểm của Luật sư bào chữa, quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.