Vụ án Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC: Một bị cáo từ Mỹ gửi đơn xin xét xử vắng mặt
Từ Mỹ, bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết, cựu giám đốc Công ty Thành An Hà Nội, đã có đơn gửi Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội xin xét xử vắng mặt trong phiên tòa xử Nguyễn Thị Thanh Nhàn và đồng phạm
Sáng nay 21-12, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC), và 35 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC và các đơn vị có liên quan.
Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị xét xử về tội Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, song cựu chủ tịch AIC đang bỏ trốn. Bị cáo Trần Đình Thành, cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, và bị cáo Đinh Quốc Thái, cựu chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội Nhận hối lộ.
Bị cáo Phan Huy Anh Vũ, cựu giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, bị xét xử về tội Nhận hối lộ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Bồ Ngọc Thu, cựu giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, bị xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong phần thủ tục trước phiên tòa, nhiều luật sư đề nghị cho thân chủ của mình được ngồi trong quá trình kiểm sát viên công bố cáo trạng và một số giai đoạn của phiên tòa. Trong đó luật sư đề nghị cho bị cáo Trần Đình Thành, bởi bị cáo này có nhiều bệnh, phải điều trị y tế tại nhiều bệnh trước khi ra tòa.
Về phía luật sư Nguyễn Văn Tú, bào chữa cho bị cáo Trần Đình Thành và bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết, cựu giám đốc Công ty Thành An Hà Nội, cũng xin cho bị cáo Thành được ngồi, hoặc có thể cho nghỉ ngơi ở khu vực riêng trong những phần không liên quan đến hỏi bị cáo này, vì lý do sức khỏe.
Đối với bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết, luật sư Tú cho hay bị cáo này vắng mặt vì đã xuất cảnh khỏi Việt Nam từ tháng 4-2021, trước khi xác minh, khởi tố vụ án. Theo luật sư, bị cáo Thuyết đang giám hộ cho con chưa đủ tuổi vị thành niên học tại Mỹ.
Theo luật sư Tú, từ Mỹ, bị cáo Thuyết đã có lời trình bày gửi về cho Hội đồng xét xử (HĐXX) và TAND TP Hà Nội đã nhận được từ hôm qua (20-12). Bị cáo Thuyết xin được xét xử vắng mặt và chấp nhận sự xét xử vắng mặt của TAND TP Hà Nội dựa trên sự xét xử khách quan, toàn diện và thấu đáo.
Trong phần thủ tục, đại diện nguyên đơn dân sự là UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu Công ty AIC cùng các bị cáo trong vụ án phải có trách nhiệm bồi thường số tiền thiệt hại trong vụ án là hơn 152 tỉ đồng.
Sau khi hội ý, HĐXX cũng chấp nhận, tạo điều kiện cho các bị cáo không đảm bảo sức khỏe có thể ngồi trong quá trình làm việc.
Trước ý kiến của luật sư Tú về bị cáo Thuyết, Chủ tọa phiên tòa chấp nhận đơn của bị cáo này vì đúng theo quy định của pháp luật, luật sư có thể công bố nội dung đơn của cựu giám đốc Công ty TNHH Thành An Hà Nội trong quá trình xét xử. Cùng với đó, HĐXX cũng kêu gọi các bị cáo đang bỏ trốn ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Trong số 36 bị can bị truy tố trong vụ án này, có tới 8 bị can bỏ trốn và đang bị phát lệnh truy nã, gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu chủ tịch HĐQT Công ty AIC; Trần Mạnh Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty AIC; Đỗ Văn Sơn, cựu kế toán trưởng Công ty AIC. Ngoài ra, còn có Nguyễn Thị Sen, cựu giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế và Môi trường; Nguyễn Thị Tích, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mopha; Ngô Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH kinh doanh trang thiết bị y nha khoa Việt Tiên; Nguyễn Đăng Thuyết, cựu giám đốc Công ty TNHH Thành An Hà Nội; và Đỗ Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Quốc tế Cát Vân Sa.
Do đó, cơ quan tố tụng đã đề nghị bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 8 bị can đến cơ quan công an hoặc VKSND nơi gần nhất đầu thú, hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước và thực hiện quyền tự bào chữa theo quy định tại Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trường hợp tiếp tục bỏ trốn, VKSND Tối cao coi đó là từ bỏ quyền tự bào chữa và truy tố theo quy định của pháp luật.
Theo cáo trạng, do có quen biết với cựu bí thư Trần Đình Thành, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã nhiều lần gặp gỡ Trần Đình Thành cùng các lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, đề nghị tạo điều kiện để Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai.
Đầu năm 2013, khi Bệnh viện Đồng Nai được UBND tỉnh chấp thuận cho thuê đơn vị tư vấn để điều chỉnh danh mục thiết bị y tế chuyên môn phù hợp với tình hình thực tế, bị can Nhàn chỉ đạo nhiều thuộc cấp thông đồng, móc ngoặc với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, các công ty "quân xanh" để đảm bảo cho AIC được trúng thầu.
Từ thủ đoạn nêu trên, Công ty AIC chỉ định tham gia 16/19 gói thầu thiết bị y tế với tổng giá trị 665 tỉ đồng. Hành vi của bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị xác định gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 152 tỉ đồng.
Cáo trạng xác định để được tạo điều kiện trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Dự án Bệnh viện Đồng Nai, cựu chủ tịch AIC đã chi tiền hối lộ cho Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Phan Huy Anh Vũ tổng số 43,8 tỉ đồng. Cụ thể, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã trực tiếp và chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ cho bị can Thành 14,5 tỉ đồng, bị can Thái 14,5 tỉ đồng và cựu giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ 14,8 tỉ đồng.