Vụ án ông Trịnh Văn Quyết: Ai thực sự là bị hại trong hơn 30.000 người?
Nhiều luật sư cho rằng, cần phải xác định rõ ai là bị hại trong số hàng chục nghìn nhà đầu tư, từ đó mới có thể xác định đúng thiệt hại của vụ án.
Ai thực sự là bị hại?
Ngày 27/7, phiên tòa xét xử ông Trịnh Văn Quyết – cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC và các bị cáo liên quan đến vụ án Thao túng thị trường chứng khoán tiếp tục với phần bào chữa của luật sư.
Tại tòa nhiều ý kiến luật sư bào chữa cho các bị cáo như: Nguyễn Văn Mạnh (Trưởng nhóm vật tư cảnh quan, phòng mua sắm của Công ty TNHH MTV FLC Land); Trịnh Thúy Nga - Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán BOS; Trịnh Tuân (nguyên Giám đốc Công ty FLC Land)…đều cho rằng, cần xem xét rõ vai trò của các bị cáo bị cáo buộc với vai trò "đồng phạm giúp sức tích cực", trong khi họ không được bàn bạc, không được biết gì về kế hoạch nâng khống vốn.
Nhiều nhân viên và người thân tại Tập đoàn FLC chỉ được ông Trịnh Văn Quyết nhờ ký tên, đứng tên và đặc biệt không được hưởng lợi gì. Do đó, các ý kiến luật sư cho rằng, HĐXX cần xem xét tính chất, mức độ, hành vi, của những bị cáo để có mức án thấp hơn.
Đáng chú ý, nhiều luật sư cho rằng, việc xác định ai thực sự là bị hại trong số hơn 30.000 nhà đầu tư để từ đó tính toán thiệt hại một cách chính xác là rất quan trọng.
Cụ thể, luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa cho Trịnh Thúy Nga) cho rằng, hiện quan điểm truy tố và luận tội được xác định trên cơ sở 30.403 nhà đầu tư bị thiệt hại.
Trong đó, 133 bị hại đang sở hữu cổ phiếu ban đầu, hình thành từ vốn góp khống, nhưng chỉ có 95 bị hại yêu cầu bồi thường với giá trị mua gần 1,4 tỷ đồng. Bị cáo Trịnh Văn Quyết đã chủ động khắc phục hậu quả cho 133 bị hại với mức cao hơn thực tế.
"Còn lại 30.270 nhà đầu tư khác bị thiệt hại là ai? thiệt hại cụ thể của từng người do hậu quả của hành vi chiếm đoạt là bao nhiêu? hiện chưa được xác định được nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, chấp nhận loại bỏ khỏi số người được xác định là bị hại theo quy định tại Điều 62 Bộ luật hình sự", luật sư Phúc nêu.
Luật sư Phúc cho rằng, về khoa học hình sự, đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội phải bồi thường cho thiệt hại cho bị hại, số tiền bồi thường được thanh toán trực tiếp cho bị hại.
Bị hại cá nhân của tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" phải là con người cụ thể, số tiền tài sản thiệt hại bị chiếm đoạt phải cụ thể và khi cơ quan pháp luật xử lý, thiệt hại này phải buộc bị cáo có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ cho bị hại.
Nếu không làm rõ được 30.270 nhà đầu tư có phải là bị hại hay không, họ cụ thể gồm những ai, bị thiệt hại bao nhiêu thì không đủ căn cứ xác định họ là bị hại theo quy định tại Điều 62 BLTTHS.
"Trường hợp bị cáo Trịnh Văn Quyết xử lý tài sản nộp bồi thường toàn bộ số tiền được cho là thiệt hại còn lại, thì số tiền gần 3.600 tỷ đồng sẽ chi trả cho ai hay trở thành khoản tiền không thể thi hành được? Trong khi thực tế không có bất kỳ quy định nào cho phép tịch thu sung ngân sách", luật sư Phúc băn khoăn.
Trong phần bào chữa cho Trịnh Văn Quyết, luật sư Đặng Nguyễn Hải Yến cũng đề nghị HĐXX xem xét một cách khách quan trong vấn đề xác định yếu tố thiệt hại, người bị hại trong vụ án.
"Xét quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về người bị hại (cụ thể là Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015) thì chỉ có nhóm 133 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu và hiện chưa bán mới đáp ứng các tiêu chí về bị hại.
Theo luật sư Yến, nhiều trường hợp đã bán cổ phiếu và có lãi và khả năng có lãi của 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu là rất lớn. Bởi lẽ, thực tế sau giai đoạn bị cáo Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu ban đầu ra thị trường, giá đã có xu hướng tăng liên tục trong một thời gian dài sau đó.
Việc khắc phục hậu quả ảnh hưởng lớn đến bản án
Tại phiên tòa, luật sư Lê Thị Quyên (bào chữa cho bị cáo Trịnh Tuân) cho rằng, việc bị cáo Trịnh Văn Quyết đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường trong vụ án và ông Quyết có thể khắc phục hậu quả được bao nhiêu là tình tiết rất quan trọng khi lượng hình.
"Hiện tài sản của bị cáo đang bị phong tỏa gây khó khăn cho nỗ lực khắc phục. Vấn đề này rất mong HĐXX lưu tâm", luật sư nêu ý kiến.
Đồng ý với quan điểm trên, luật sư Nguyễn Nam Long (bào chữa cho Trịnh Văn Quyết) cho hay, thân chủ của mình đã có ý thức khắc phục hậu quả và trên thực tế, đã có thể khắc phục hoàn toàn hậu quả nếu được tạo điều kiện.
Ông Quyết, luôn khẳng định nếu sẽ sử dụng tài sản sản cá nhân và nguồn lực khác huy động để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án. Do đó, cần sớm tạo điều kiện cho ông Trịnh Văn Quyết khắc phục hậu quả vụ án.
"Thực tế, trong hoàn cảnh khó khăn, bản thân bị cách ly khỏi xã hội, tài sản bị phong tỏa, ông Trịnh Văn Quyết liên tục thúc giục gia đình huy động tối đa mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả. Đến phiên tòa hôm nay đã khắc phục được gần 240 tỷ đồng và gia đình bị cáo vẫn đang tiếp tục nỗ lực khắc phục hậu quả", luật sư Long thông tin.