Vụ án rắn hổ trâu hay hổ chúa: VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo 20-24 tháng tù

VKS cho rằng việc truy tố đối với bị cáo xuân là đúng người, đúng tội và đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo lê thị xuân 20-24 tháng tù.

Liên quan “Vụ án rắn hổ trâu hay hổ chúa” mà Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, ngày 25-8, TAND huyện Cư Jút (Đắk Nông) đã mở lại phiên tòa sơ thẩm đối với bị cáo Lê Thị Xuân (59 tuổi, ngụ thị trấn Ea T,ling, Cư Jút) về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm.

Trước đó, phiên tòa được mở vào ngày 11-8 nhưng sau khi cân nhắc các tình tiết trong vụ án, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa.

Bị cáo khóc, kêu oan

Tại tòa, bị cáo Xuân cho rằng chỉ mua rắn hổ trâu chứ không mua rắn hổ chúa (giá 430.000 đồng) và cũng không mua kỳ đà. Sau đó, bị cáo đưa cho người bán rắn 500.000 đồng và yêu cầu trả lại 70.000 đồng tiền thừa. Tuy nhiên, sau đó người bán rắn lên xe bỏ đi. Lúc này bị cáo đuổi theo lấy lại tiền thừa, khi đi được khoảng 3 m thì bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Bị cáo Lê Thị Xuân tại tòa. Ảnh: HT

Bị cáo Lê Thị Xuân tại tòa. Ảnh: HT

Cũng theo bị cáo, lúc bị bắt, cơ quan chức năng không tiến hành lập biên bản, không niêm phong tang vật. Sau khi bị bắt, bị cáo được đưa về trụ sở Công an thị trấn Ea T’ling. Khi đến cơ quan công an thì không ai cầm rắn và kỳ đà cho bị cáo xem, chỉ để nguyên trong bao. Công an cũng thu giữ của bị cáo một điện thoại nhưng không niêm phong.

Sau đó, lực lượng chức năng đưa bà về nhà để tiến hành khám xét, qua khám xét không phát hiện gì. Quá trình khám xét cũng không có sự chứng kiến của chính quyền địa phương.

“Sau khi bị bắt, tôi không được ký vào các bao đựng rắn và bao đựng kỳ đà. Lúc tôi đến công an thị trấn thì rắn và kỳ đà vẫn nằm trong bao lưới. Con rắn được đưa ra giám định và con rắn bị bắt quả tang có phải là một hay không thì bị cáo không biết” - bị cáo Xuân khai tại tòa.

Cũng theo lời khai của bị cáo Xuân, nhận thức của bị cáo là mua rắn hổ trâu chứ không phải rắn hổ chúa. Rắn hổ trâu thì mới 400.000 đồng, mới rẻ. “Tôi mua rắn hổ trâu chứ không mua rắn hổ chúa nhưng phạt tôi, tôi bức xúc quá. Tôi yêu cầu người bán rắn, người giám định ra đối chất với tôi. Tôi bị oan quá. Xin HĐXX xem xét lại cho tôi” - bị cáo Xuân khóc khi trình bày.

VKS: Bị cáo khai báo không đúng sự thật

Nêu quan điểm, đại diện VKS cho rằng: Mặc dù bị cáo Xuân cho rằng các chữ viết, chữ ký trong các biên bản không phải là của mình, do bị cắt ghép. Tuy nhiên, kết luận giám định cho thấy chữ ký, chữ viết trên là do một người ký ra, không có dấu hiệu cắt ghép.

Cũng theo vị đại diện VKS, bị cáo tiếp tục cho rằng mình bị oan, chỉ mua rắn hổ trâu chứ không mua rắn hổ chúa và không mua hai con kỳ đà. Nhưng khi người bán rắn rời đi, bị cáo Xuân bỏ kỳ đà và rắn lên xe đi ngược hướng với người bán. Bị cáo tiếp tục khai báo không đúng sự thật.

Từ đó, VKS cho rằng việc truy tố đối bị cáo Xuân là đúng người, đúng tội và đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Thị Xuân 20-24 tháng tù.

Tranh luận, luật sư (LS) của bị cáo Xuân cho rằng vụ án còn nhiều điểm mâu thuẫn, bất hợp lý và chứng cứ để buộc tội bị cáo là chưa đảm bảo theo quy định pháp luật. Theo đó việc lập biên bản bắt quả tang không diễn ra tại khu vực bắt quả tang mà diễn ra tại trụ sở Công an thị trấn Ea T’ling. Như vậy, về địa điểm, thời gian lập biên bản bắt người phạm tội quả tang là không chính xác, không đúng so với thực tế. Ngoài ra, một số người có tên trong biên bản bắt người phạm tội quả tang đều không có mặt tại hiện trường, không trực tiếp bắt giữ bị cáo vào sáng 25-5-2021.

Cũng theo LS, quá trình điều tra giải quyết vụ án, cơ quan điều tra chưa xác minh, làm rõ thông tin về người trình báo sự việc, hình thức trình báo, thời gian trình báo sự việc. Bởi lẽ việc mua bán giữa bị cáo và người đàn ông lạ mặt diễn ra trong thời gian chưa đầy 10 phút sau đó rời đi thì bị bắt giữ. Ngoài ra, một số người liên quan khai chỉ nhìn thấy từ xa bà Xuân và một người trò chuyện chứ không biết nội dung cuộc trò chuyện là gì. Khoảng cách từ TP Gia Nghĩa đến huyện Cư Jút là hơn 100 km, có nhận tin báo lúc 6 giờ 30 thì không thể có mặt tại huyện Cư Jút lúc 7 giờ để thực hiện việc bắt giữ.

Từ đó, LS cho rằng việc bắt giữ bị cáo Xuân vào sáng 25-5-2021 là có sự “gài bẫy” và được sắp xếp từ trước. Đối với biên bản bắt người phạm tội quả tang lập ngày 25-5-2021 có sự vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục lẫn nội dung nên không được xem là chứng cứ để chứng minh tội phạm.

Về kết luận giám định tang vật, LS cho rằng cùng một ngày 26-5-2021, cơ quan điều tra và cơ quan giám định vừa ban hành quyết định trưng cầu giám định vừa ban hành quyết định thành lập tổ giám định về thực hiện việc giám định tại trụ sở Công an huyện Cư Jút lúc 8 giờ cùng ngày là điều bất hợp lý và không thể xảy ra trên thực tế.

Cơ quan giám định theo hồ sơ vụ án thể hiện có trụ sở tại Hà Nội. Việc cơ quan điều tra ban hành quyết định trưng cầu giám định để gửi ra Hà Nội và cơ quan giám định cử giám định viên từ Hà Nội vào, có mặt tại Công an huyện Cư Jút lúc 8 giờ ngày 26-5 là không thể diễn ra trong cùng một ngày, cùng một buổi sáng.

Do đó, theo LS, biên bản giám định và kết luận giám định tang vật không được xem là chứng cứ trong vụ án, không có giá trị chứng minh tội phạm, do không được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

Luật sư đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Cũng tại phiên tòa, LS đề nghị HĐXX tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm làm rõ một số vấn đề. Trong đó, cho bị cáo tiến hành nhận dạng ông Trương Văn Giản, người được xác định là chủ thuê bao của số điện thoại đã gọi bán rắn cho bị cáo vào sáng 25-5-2021. Tiến hành giám định lại động vật theo đúng quy định tại Điều 28 Luật Giám định tư pháp là phải do hai giám định viên thực hiện, nhằm đảm bảo tính chính xác và khách quan.

Làm rõ việc thu giữ vật chứng là điện thoại hiệu Nokia của bị cáo. Tại sao trong nhật ký điện thoại lại không còn lưu số điện thoại của người bán gọi đến? Ai là người đã can thiệp, xóa số điện thoại này trong điện thoại của bị cáo? Tại sao ngay sau khi thu giữ vật chứng lại không tiến hành niêm phong ngay?...

Đồng thời, LS đề nghị thực hiện lại việc khám nghiệm hiện trường với sự có mặt, tham gia của bị cáo nhằm đảm bảo tính khách quan, chính xác. Tiến hành lấy lời khai để làm rõ về mặt chủ quan, nhận thức của bị cáo khi người bán rắn đưa ra thông tin là bán rắn hổ trâu thì nhận thức của bị cáo như thế nào? Bị cáo có phân biệt được giữa loài rắn hổ trâu với rắn hổ chúa hay không?

Phiên tòa sẽ tiếp tục vào sáng hôm nay (26-8) với phần tranh luận…

HUY TRƯỜNG

Tin liên quan

Vụ rắn hổ trâu hay hổ chúa: Luật sư đề nghị triệu tập giám định viên, tòa hoãn xử Vụ án rắn hổ trâu hay hổ chúa

HUY TRƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-an-ran-ho-trau-hay-ho-chua-vks-de-nghi-tuyen-phat-bi-cao-20-24-thang-tu-post695694.html