Vụ án Tân Hoàng Minh: Tòa án triệu tập hơn 6.000 bị hại, chỉ gần 1.000 người có mặt
Tòa án đã triệu tập 6.630 nhà đầu tư được xác định là người bị hại trong vụ án. Tuy nhiên, theo thông báo từ phía HĐXX, đến nay mới chỉ có gần 1.000 bị hại có mặt tại tòa.
Ngày 19.3, TAND TP.Hà Nội tiến hành xét xử sơ thẩm đối với 15 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Công ty Tân Hoàng Minh).
Trong vụ án này, 2 bố con ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và các đồng phạm bị xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tòa án đã triệu tập 6.630 nhà đầu tư được xác định là người bị hại trong vụ án. Tuy nhiên, theo thông báo từ phía HĐXX, đến nay mới chỉ có gần 1.000 bị hại có mặt tại tòa.
Tại phiên tòa, đại diện VKS cho biết có một số người liên quan vắng mặt nhưng đã có lời khai tại quá trình điều tra nên không ảnh hưởng đến diễn biến xét xử. Với những người vắng mặt, VKS đề nghị HĐXX tiếp tục triệu tập trong thời gian diễn ra phiên tòa nếu thấy cần thiết.
Trước đó, để chuẩn bị xét xử vụ án này, tòa án đã bố trí 1 hội trường xét xử chính, sức chứa khoảng 600 người. Tuy nhiên, số lượng bị hại rất đông nên tòa án cũng bố trí thêm 1 hội trường khác có sức chứa tương đương và khu vực sân cơ quan (dựng nhà bạt) để các bị hại tham gia phiên tòa theo hình thức trực tuyến.
Theo cáo trạng, để trả nợ và chi tiêu, Đỗ Anh Dũng chỉ đạo cấp dưới phát hành các gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm huy động vốn.
Ông Đỗ Anh Dũng đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng pháp nhân 3 công ty, gồm Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung Điện Mùa Đông ngụy tạo các hoạt động kinh doanh bằng các hợp đồng “khống”, không có thật giữa nội bộ các công ty nêu trên để làm phương án phát hành các gói trái phiếu lẻ với tổng giá trị phát hành 10.030 tỉ đồng để huy động tiền cho Tập đoàn.
Để phát hành được trái phiếu, các bị cáo đã thông đồng thực hiện nhiều hành vi, thủ đoạn gian dối. Ngoài ra, các bị cáo còn thông đồng với đơn vị kiểm toán, hợp thức số liệu báo cáo tài chính của 3 công ty phát hành, đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần để đủ điều kiện phát hành trái phiếu.
Cáo trạng của Viện KSND tối cao cũng nêu rõ các bị cáo còn ký các hợp đồng “giả cách” chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền “khống”, thể hiện việc Công ty Tân Hoàng Minh thanh toán tiền mua trái phiếu và dòng tiền từ 3 công ty phát hành theo các hợp đồng hợp tác đầu tư, tạo lập giá trị “ảo” các gói trái phiếu.
VKS xác định các bị cáo đã sử dụng tài sản của chính những hợp đồng hợp tác đầu tư “khống” làm tài sản bảo đảm cho trái phiếu. Từ đó tạo niềm tin, sử dụng pháp nhân, thương hiệu Công ty Tân Hoàng Minh để huy động, chiếm đoạt của 6.630 nhà đầu tư tổng số hơn 8.643 tỉ đồng. Số tiền này được các bị cáo sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành trái phiếu.