Vụ án thuốc ung thư giả sắp có hồi kết?
TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh vừa mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ buôn thuốc trị ung thư giả tại Công ty cổ phần VN Pharma; tuy nhiên phiên tòa đã bị hoãn lại và dự kiến xét xử lại vào đầu tháng 3/2020. Vì sao lại như vậy và bản chất vụ án là gì?
Công ty cổ phần VN Pharma được thành lập từ tháng 10/2011 do Nguyễn Minh Hùng làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Từ năm 2012, Nguyễn Minh Hùng nhận thấy thị trường có nhu cầu về thuốc chữa trị ung thư nên đã bàn với Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) nhập khẩu loại thuốc thuốc chữa ung thư là H-Capita 500mg về Việt Nam. Trong khoảng thời gian 2013-2014, Nguyễn Minh Hùng thông qua Võ Mạnh Cường và 10 đồng phạm đã làm giả các tài liệu, sử dụng các giấy tờ giả, hợp đồng giả, con dấu giả, gồm: Giấy chứng nhận lưu hành tự do (FSC), Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) của Canada và đóng dấu giả hợp pháp hóa Lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada; làm giả hồ sơ đề nghị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp phép nhập khẩu thuốc H-Capita; làm giả hợp đồng mua bán, các phụ lục hợp đồng mua bán với Công ty Austin Hong Kong và các chứng từ giả để nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita chữa bệnh ung thư giả vào Việt Nam với mục đích bán kiếm lời. Toàn bộ lô thuốc H-Capita sau khi nhập khẩu vào Việt Nam đã bị phát hiện, thu giữ.
Ngày 1/10/2019, TAND TPHCM tuyên phạt hai bị cáo chủ mưu trong vụ án là Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma) mức án 17 năm tù và Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) mức án 20 năm tù cùng về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” theo Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 1999. 10 đồng phạm còn lại lĩnh án từ 3 năm tù treo đến 12 năm tù giam.
Sau bản án sơ thẩm, Nguyễn Minh Hùng không kháng cáo, chấp nhận bản án 17 năm tù. Bị cáo Võ Mạnh Cường kháng cáo kêu oan, cho rằng, bị cáo không đóng vai trò chủ mưu như bản án sơ thẩm đề cập. Ngoài ra, 3 bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Phạm Anh Kiệt (nguyên Tổng Giám đốc Sapharco) kêu oan.
Đến ngày 10/2/2020, TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ buôn thuốc trị ung thư giả tại Công ty cổ phần VN Pharma.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã triệu tập gần 200 cá nhân đến phiên xét xử và 12 bị cáo, bao gồm cả các bị cáo không kháng cáo. Sau phần thẩm tra lý lịch những người tham gia phiên tòa, HĐXX đã hội ý xem xét việc bị cáo Phạm Anh Kiệt có kháng cáo kêu oan nhưng có đơn xin hoãn phiên tòa vì lý do bản thân bị bệnh. Để bảo đảm quyền lợi của các bị cáo, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm và dự kiến xét xử trong đầu tháng 3/2020.
Đối với vụ án này, ban đầu, các cơ quan tố tụng chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự 10 bị cáo với tội danh “buôn lậu hàng hóa là thuốc chữa bệnh” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”, với khung cao nhất 12 năm tù. Sau hai cấp xét xử, nhìn nhận đúng bản chất vụ việc nên tòa đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại và thay đổi tội danh từ “buôn lậu, làm giả tài liệu” sang “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” với khung hình phạt cao nhất mà các bị cáo có thể bị tuyên theo quy định của pháp luật.
Trong diễn biến liên quan, trước đó, ngày 16/9/2019, Thanh tra Chính phủ đã công bố nội dung kết luận thanh tra chỉ rõ các sai phạm về việc cấp giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đối với 10 loại thuộc của Công ty Helix, cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Helix và việc trúng các gói thầu cung cấp cho các bệnh viện của Công ty cổ phần VN Pharma. Theo Thanh tra Chính phủ thuốc chữa bệnh là một loại hàng hóa đặc biệt, nhưng trong thời gian qua, ngành y tế còn để xảy ra những thiếu sót, vi phạm trong khâu cấp số đăng ký thuốc; khâu cấp phép nhập khẩu thuốc; khâu cấp phép hoạt động về thuốc, nguyên liệu làm thuốc cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; công tác đấu thầu cung cấp thuốc cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Nếu không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời sẽ có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhân dân.
Thanh tra Chính phủ chuyển Kết luận thanh tra đến Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) để có thêm thông tin, tài liệu phục vụ cho công tác điều tra liên quan đến việc Công ty cổ phần VN Pharma nhập khẩu thuốc, bán thuốc H-Capita do Công ty Helix sản xuất và các loại thuốc do Công ty Health 2000 sản xuất, xử lý theo thẩm quyền mà Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đang tiến hành.
Ngày 18/9/2019, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự: Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thẩm định, xét duyệt, cấp phép và cho thông quan nhập khẩu đối với các thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Công ty Helix Canada và nhãn mác Công ty Health 2000 Canada, theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Tiếp đến ngày 27/12, Cơ quan An ninh điều tra đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét nơi ở đối với bị can Nguyễn Thị Thu Thủy- Phó Trưởng Phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cũng từ vụ án Công ty cổ phần VN Pharma đã làm phát sinh vụ “chạy án” mà TAND cấp cao tại Hà Nội đã xét xử. Trong đó bị cáo Ngô Anh Quốc (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty CP VN Pharma) bị kết án 5 năm tù về tội đưa hối lộ.
Đối với vụ án này, ban đầu, các cơ quan tố tụng chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự 10 bị cáo với tội danh “buôn lậu hàng hóa là thuốc chữa bệnh” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”, với khung cao nhất 12 năm tù. Sau hai cấp xét xử, nhìn nhận đúng bản chất vụ việc nên tòa đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại và thay đổi tội danh từ “buôn lậu, làm giả tài liệu” sang “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” với khung hình phạt cao nhất mà các bị cáo có thể bị tuyên theo quy định của pháp luật.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/vu-an/vu-an-thuoc-ung-thu-gia-sap-co-hoi-ket-tintuc459079