Vụ án tranh chấp đất ở Củ Chi suốt 20 năm sắp ngã ngũ?

TP HCM - Hồ sơ thể hiện, việc chuyển nhượng có dấu hiệu giả hợp đồng, giả chữ ký... và nhiều khuất tất cần làm rõ trong vụ tranh chấp đất kéo dài suốt 20 năm.

Mòn mỏi vì tranh chấp

Theo hồ sơ, toàn bộ diện tích đất 8.000 m2 thuộc các thửa 337,363,362,339,360,361,336,335,364,365, tờ bản đồ số 02, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi là tài sản chung của cụ Ngô Văn Chơi (mất năm 2000) và cụ Tô Thị Gừng (mất năm 2008). Nguồn gốc 2 cụ nhận chuyển nhượng lại từ ông Nguyễn Văn Sáu (năm 1952) và đã được cấp bằng khoán điền thổ từ thời Pháp, Mỹ.

Sau 1975, vợ chồng cụ Chơi, cụ Gừng tiếp tục quản lý, sử dụng ổn định. Ngày 8/3/1997 các thửa 360,361,336,335,364,365, được UBND huyện Củ Chi cấp GCNQSDĐ số 696 cho cụ Ngô Văn Chơi đứng tên, các thửa còn lại gồm: 337,363,362,339 gia đình vẫn quản lý, sử dụng.

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất lập tháng 1/2001 (được cho là giả chữ ký của cụ Tô Thị Gừng là bên bán). Bà Vui, ông Khơ khẳng định mua đất cụ Gừng vào ngày 13/3/2000.

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất lập tháng 1/2001 (được cho là giả chữ ký của cụ Tô Thị Gừng là bên bán). Bà Vui, ông Khơ khẳng định mua đất cụ Gừng vào ngày 13/3/2000.

Ngày 13/3/2000, con ruột cụ Chơi, cụ Gừng là ông Tô Văn Bình (sinh năm 1971) làm biên nhận có nội dung nhận của bà Nguyễn Thị Vui số tiền 10 triệu đồng, ghi “bán một số đất ruộng”. Giấy biên nhận này không ghi vị trí đất, không có thông tin về số lô, thửa đất cụ thể.

Ngày 13/3/2000 có giấy biên nhận tiền giữa ông Tô Văn Bình với bà Nguyễn Thị Vui, không phải của cụ Tô Thị Gừng.

Ngày 13/3/2000 có giấy biên nhận tiền giữa ông Tô Văn Bình với bà Nguyễn Thị Vui, không phải của cụ Tô Thị Gừng.

Cho rằng cụ Gừng có bán đất cho mình, ngày 2/8/2004, vợ chồng bà Nguyễn Thị Vui, ông Lê Văn Khơ làm đơn khởi kiện cụ Gừng ra TAND huyện Củ Chi. Tại đơn khởi kiện, vợ chồng ông Khơ, bà Vui cho rằng cụ Gừng có chuyển nhượng 8000 m2 đất tại ấp Đức Hiệp, xã Nhuận Đức và đã nhận 43 triệu đồng nên yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Tòa án nhân dân thụ lý giải quyết và đã ban hành các bản án sơ thẩm, phúc thẩm năm 2008. Tuy nhiên, năm 2011, TAND Tối cao đã ban hành quyết định giám đốc thẩm số 543/2011/DS-GĐT, hủy toàn bộ các bản án để xét xử lại.

Giấy bán đất không ghi ngày, tháng, năm; cơ quan công an giám định không phải chữ ký của cụ Tô Thị Gừng là bên bán.

Giấy bán đất không ghi ngày, tháng, năm; cơ quan công an giám định không phải chữ ký của cụ Tô Thị Gừng là bên bán.

Ngày 2/3/2012, ông Khơ, bà Vui tiếp tục bổ sung đơn khởi kiện những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng là các con cụ Gừng (mất năm 2008). Nội dung đơn khởi kiện nêu, ông Khơ, bà Vui có nhận chuyển nhượng 8000 m2 đất của cụ Gừng, đã trả 34 triệu đồng. Do đó, yêu cầu các con cụ Gừng phải tiếp tục thực hiện hợp đồng, TAND huyện Củ Chi đã thụ lý tiến hành giải quyết án sơ thẩm cho đến nay.

Giả chữ ký, lập hợp đồng khống?

Về việc chuyển nhượng đất, các con cụ Gừng cho biết, không đồng ý tiếp tục thực hiện hợp đồng với vợ chồng ông Khơ, bà Vui, bởi lẽ việc chuyển nhượng giữa mẹ mình với bà Vui có dấu hiệu bị lừa dối. Ông Ngô Văn Chính (con ruột cụ Gừng) nói, vợ chồng bà Vui cho rằng có nhận chuyển nhượng đất của mẹ ông vào ngày 13/3/2000 nhưng không có hợp đồng chuyển nhượng, không có giấy tờ cụ thể, không có vị trí đất, không có biên bản giao đất cụ thể… để chứng minh.

Kết luận giám định cho thấy chữ ký Tô Thị Gừng là giả.

Kết luận giám định cho thấy chữ ký Tô Thị Gừng là giả.

Hồ sơ vụ án thể hiện, vào ngày 13/3/2000 chỉ có duy nhất một tờ “Biên nhận” (bút lục số 114) có nội dung ông Tô Văn Bình (con bà Gừng) nhận của bà Nguyễn Thị Vui 10 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Bình khẳng định, số tiền này ông vay bà Vui, nhưng lúc đó vay nóng nên phải viết “bán một số đất” cho bà Vui. Thực tế, thời điểm tháng 3/2000, ông Bình không hề có quyền sử dụng đất nào để chuyển nhượng, hơn nữa đất của cha mẹ thì lúc đó cụ Gừng, cụ Chơi vẫn còn sống.

Phía vợ chồng ông Khơ, bà Vui cho rằng tại “Giấy bán đất” không ghi ngày tháng (bút lục 113) có nội dung ghi cụ Tô Thị Gừng bán 8000m2 đất cho ông Lê Văn Khơ là giấy tờ chuyển nhượng đất. Tuy nhiên, các con cụ Gừng cho rằng, văn bản này do ai đó viết sẵn chứ không phải chữ viết của cụ Gừng vì sinh thời cụ không biết chữ. Hơn nữa, tại Kết luận giám định số 2139/C54B ngày 22/10/2014 của Bộ Công an, chữ ký bên người bán đất không phải do cụ Gừng ký ra. Điều này có nghĩa, có ai đó đã mạo danh cụ Gừng ký tên bên bán.

Đặc biệt, ông Ngô Văn Chính cho rằng, trong vụ án có dấu hiệu cán bộ địa chính xã Nhuận Đức làm trái liên quan đến 8000 m2 đất của cụ Gừng. Cụ thể, tại “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” không ghi ngày, chỉ ghi tháng 1/2001 (bút lục số 66) có nội dung ghi bên chuyển nhượng Tô Thị Gừng, bên nhận chuyển nhượng là Nguyễn Thị Vui, phần đất chuyển nhượng 7.939m2; nhưng ai đó đã ghi chữ Tô Thị Gừng vào bên chuyển nhượng mà không phải cụ Gừng. “Đây là hợp đồng giả mạo, mạo danh chữ ký được lập vào năm 2001 không đúng với lời khai của bà Vui, ông Khơ là mua đất mẹ tôi vào ngày 13/3/2000, trước đó 1 năm”, ông Chính bộc bạch.

Bản đồ đo đạc năm 2000 liên quan đến phần đất tranh chấp có người giả chữ ký của chủ đất là cụ Ngô Văn Chơi.

Bản đồ đo đạc năm 2000 liên quan đến phần đất tranh chấp có người giả chữ ký của chủ đất là cụ Ngô Văn Chơi.

Ngoài ra, theo ông Chính, tại Bản đồ hiện trạng vị trí đất liên quan đến 8000m2 đất lập tháng 5/2000 (bút lục số 90) có ai đó đã giả mạo chữ ký của cụ Ngô Văn Chơi, là bên chủ đất. Trong khi vào thời điểm tháng 5/2000, chủ đất là cụ Ngô Văn Chơi vẫn còn sống không hề hay biết việc chuyển nhượng đất, không ai đi đo đạc đất.

Như vậy, nếu việc bà Vui, ông Khơ nhận chuyển nhượng đất là đúng thì có 3.551 m2 là đất do cụ Ngô Văn Chơi đứng tên, nhưng cụ không hề hay biết việc mua bán này, không ký tên. Còn lại 4.449 m2 chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ nên không thể chuyển nhượng, do bị cấm tại khoản 1, Điều 30, Luật Đất đai 1993: “Không được chuyển quyền sử dụng đất trong những trường hợp sau đây: 1- Đất sử dụng không có giấy tờ hợp pháp”.

Với hàng loạt bất thường trên đã dẫn đến việc tranh chấp kéo dài từ năm 2004 đến nay. Những người con của cụ Gừng, các đương sự khác trong vụ án đã già, có người đã mất. Vụ án tranh chấp dai dẳng suốt 20 năm đến bao giờ có hồi kết?

Dấu hiệu vi phạm các điều kiện có hiệu lực

Luật sư Nguyễn Thanh Biên (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng: Tại Điều 131, Bộ luật Dân sự năm 1995 quy định điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như: Mục đích và nội dung của giao dịch không trái pháp luật, trái đạo đức xã hội; Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện; Hình thức giao dịch phù hợp với quy định của pháp luật. Ngoài ra, tại điểm 2.3, khoản 2, Mục II, Nghị quyết số: 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự về đất đai, một giao dịch đúng luật phải đáp ứng Điều 131 và từ Điều 705 đến Điều 707 và Điều 711 của Bộ luật Dân sự 1995; Đáp ứng khoản 2, Điều 3, Điều 30, Điều 31, Luật Đất đai năm 1993 thì mới được công nhận hợp đồng. Trong quan hệ chuyển nhượng đất trên giữa cụ Gừng và vợ chồng bà Vui không có hợp đồng chuyển nhượng, đất không có vị trí cụ thể, có dấu hiệu giả chữ ký của chủ đất… trái ý chí chủ đất có dấu hiệu vi phạm điều cấm của luật.

Hoàng Anh

Nguồn CL&XH: https://xahoi.congly.vn/vu-an-tranh-chap-dat-o-cu-chi-suot-20-nam-sap-nga-ngu-455680.html