Vụ án Xuyên Việt Oil là điển hình cho việc cán bộ 'móc nối' với doanh nghiệp

Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp nhận định có việc cán bộ, người có thẩm quyền móc nối, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện 'lách luật' hoặc bỏ qua sai phạm của doanh nghiệp.

Sáng 6-9, Ủy ban Tư pháp tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 14 để thẩm tra các báo cáo, trong đó có báo cáo Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024.

Tội phạm tham nhũng và chức vụ tăng gần 38%

Đáng chú ý, Chính phủ nhận định tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tiếp tục ‘diễn biến phức tạp”.

Theo đó, từ 1-10-2023 đến 31-7-2024, cơ quan chức năng đã phát hiện 4.150 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (giảm hơn 16% so với cùng kỳ năm trước); 936 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ (tăng gần 38%).

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa

Báo cáo Chính phủ lưu ý các vi phạm về quy hoạch, xây dựng, năng lượng, đấu thầu. Theo đó, phương thức, thủ đoạn phổ biến là lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư của Nhà nước để trục lợi, nhận hối lộ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, xây dựng; lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ để trục lợi gây bức xúc trong Nhân dân.

Cạnh đó là các vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, tham nhũng tại các doanh nghiệp cổ phần, đơn vị, doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Tội phạm, vi phạm pháp luật về đấu thầu, mua sắm, quản lý tài sản công, quản lý, sử dụng đất đai, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính, kế toán, thuế, khai thác tài nguyên, khoáng sản ... tiếp tục diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương.

Chính phủ cũng nhận định một số lĩnh vực đã phát hiện phương thức, thủ đoạn phạm tội mới như tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thẩm định giá trong tố tụng hình sự.

Vụ Xuyên Việt Oil là điển hình cán bộ “móc nối” với doanh nghiệp

Trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Ủy ban Tư pháp, Phó Chủ nhiệm Mai Thị Phương Hoa cho rằng dù đã có nhiều cố gắng nhưng tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và thiệt hại về số người bị thương, tài sản. Đáng chú ý, tội tham ô tài sản tăng gần 51%.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập. Nhiều đối tượng đã lợi dụng điều này để thực hiện hành vi phạm tội, làm cho công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật chưa mang lại hiệu quả cao.

Phân tích thêm, nhóm nghiên cứu cho rằng một số quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, doanh nghiệp còn chưa cụ thể, chưa chặt chẽ, rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền. Điều này dẫn đến việc đơn vị, người có thẩm quyền lợi dụng, móc nối, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện “lách luật” hoặc bỏ qua sai phạm của doanh nghiệp.

Báo cáo của nhóm nghiên cứu dẫn vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil để minh chứng cho nhận định trên.

Theo kết luận điều tra vụ án, pháp luật hiện hành chưa quy định chặt chẽ, rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Từ đó dẫn đến việc đơn vị, người có thẩm quyền cấp phép “móc nối, hướng dẫn” doanh nghiệp thực hiện hoặc bỏ qua việc hợp thức hóa hồ sơ, điều kiện cấp phép, doanh nghiệp không duy trì điều kiện kinh doanh sau khi được cấp phép.

Pháp luật hiện hành cũng không quy định cụ thể phương pháp, cách thức quản lý, kiểm tra thực tế số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu mà doanh nghiệp đã trích lập trong từng kỳ báo cáo và trách nhiệm của từng cơ quan quản lý liên quan. Do vậy, chủ sở hữu các doanh nghiệp đã lợi dụng để chiếm dụng, sử dụng trái phép, dẫn đến thất thoát tài sản.

Còn để tình trạng doanh nghiệp phát hành “trái phiếu khống”

Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cũng chỉ rõ công tác quản lý Nhà nước trong phát hành trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp còn nhiều bất cập, còn để tình trạng doanh nghiệp phát hành “trái phiếu khống”, bán cổ phiếu doanh nghiệp không có thật để lừa đảo, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư”.

Cạnh đó, nhiều vụ vi phạm đấu thầu, đấu giá, đền bù giải phóng mặt bằng trong hoạt động đầu tư, xây dựng, khai thác tài nguyên, đất đai, tài chính, ngân hàng, xăng dầu, điện.

Hành vi phạm tội phổ biến là đưa, nhận hối lộ, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, có vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã gây bức xúc trong nhân dân…

Đánh giá về con số tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng gần 38%, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cho rằng điều này tiếp tục cho thấy công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng quyết liệt, mạnh mẽ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Nhóm nghiên cứu cũng đánh giá cao tính chủ động, tích cực của các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng công an, trong công tác phát hiện, xử lý loại tội phạm này.

Còn trường hợp vi phạm trong hoạt động điều tra đến mức phải xử hình sự

Liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ, nhóm nghiên cứu dẫn báo cáo của Chính phủ cho rằng công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng bổ nhiệm, miễn nhiệm và quản lý Điều tra viên, cán bộ điều tra tiếp tục được quan tâm chỉ đạo.

Đội ngũ điều tra viên, cán bộ điều tra nhìn chung được đào tạo cơ bản, bố trí công tác theo tiêu chuẩn chức danh và thường xuyên được tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, năng lực, cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác.

“Tuy nhiên, một số nơi còn tình trạng thiếu điều tra viên, vẫn còn một số ít điều tra viên trình độ, năng lực yếu, chưa đáp ứng yêu cầu công tác điều tra, xử lý tội phạm; cá biệt còn vi phạm trong hoạt động điều tra đến mức phải xử lý hình sự”- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-an-xuyen-viet-oil-la-dien-hinh-cho-viec-can-bo-moc-noi-voi-doanh-nghiep-post808714.html