Vụ Apec: Kỳ quặc màn đeo khăn tím tuyên bố 'gồng lãi' và lùm xùm trong giới lãnh đạo
Cơ quan điều tra vừa quyết định khởi tố vụ án hình sự thao túng thị trường chứng khoán tại các công ty thuộc Tập đoàn Apec. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu nhóm Apec từng có thời điểm tăng giá gấp 15 lần, sau đó trượt dài, với nhiều lùm xùm, tranh cãi quanh phát ngôn 'gồng lãi' của ban lãnh đạo. Mối liên quan của ông Nguyễn Đỗ Lăng với nhóm Apec cũng được chú ý.
Từ gồng lãi, đến mô hình cây thông
Ngày 23/6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, đã nhận được thông báo từ Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP Hà Nội về quyết định khởi tố vụ án hình sự thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty cổ phần Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (mã APS), Công ty cổ phần Đầu tư châu Á Thái Bình Dương (API) và Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ).
Trên thị trường chứng khoán, API, IDJ, APS được biết đến là các cổ phiếu thuộc nhóm Apec (Apec Group). Ba cổ phiếu này đang niêm yết trên sàn Hà Nội (HNX)
Từ cuối tháng 3/2023, 3 cổ phiếu nhóm Apec gây chú ý khi cùng tăng mạnh. Sau chưa đầy 3 tháng, API và IDJ tăng hơn 68%, APS cũng tăng 53%. Tuy nhiên, đến giữa tháng 6, nhóm Apec bị xả mạnh.
Đóng cửa phiên giao dịch gần nhất (24/6), APS ở mức 14.300 đồng/cổ phiếu. API giá 12.600 đồng/cổ phiếu. IDJ dừng ở ngưỡng 13.200 đồng/cổ phiếu. Thông tin khởi tố vụ thao túng chứng khoán ở nhóm Apec xuất hiện sau phiên giao dịch, chưa ảnh hưởng đến diễn biến của các cổ phiếu liên quan.
Hiện tại, dù đã hồi phục đáng kể so với đáy, nhưng thị giá 3 cổ phiếu này vẫn cách rất xa so với hồi đỉnh cũ thiết lập cuối năm 2021. Đỉnh điểm, thị giá APS từng đạt 59.900 đồng/cổ phiếu, tăng 15 lần từ đáy. API vượt mốc 100.000 đồng/cổ phiếu. Còn IDJ lên mức đỉnh 74.800 đồng/cổ phiếu.
Tại thời điểm cổ phiếu đang trên đỉnh, ban lãnh đạo APS cùng cổ đông hô "quyết tâm gồng lãi" trong buổi họp đại hội cổ đông diễn ra vào ngày 16/11/2021. Clip lãnh đạo và cổ đông công ty cùng đeo khăn tím, hô to khẩu hiệu khi đó đã gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Tuy nhiên, qua cơn sóng cuối năm 2021, sau khi cùng nhau tạo đỉnh, nhóm Apec bắt đầu điều chỉnh, lao dốc. Đến nay, bộ 3 cổ phiếu Apec chỉ giao dịch trên mức 10.000 đồng/cổ phiếu (sau điều chỉnh chia cổ tức)
Hệ sinh thái Apec và mối liên quan Nguyễn Đỗ Lăng
Apec Group là tập đoàn đa ngành với hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản. Hệ sinh thái này gồm có 3 công ty trụ cột chính là APS, API, IDJ. Apec Group thành lập ngày 24/11/2017, tiền thân là Công ty cổ phần BG Group.
Với nhóm Apec, cái tên được nhắc đến nhiều nhất, có mối liên quan mật thiết là ông Nguyễn Đỗ Lăng. Ông Lăng là người sáng lập Apec Group và hiện là Thành viên Hội đồng quản trị API, Thành viên Hội đồng quản trị IDJ và Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc APS.
Từ năm 2006 đến tháng 6/2020, ông Lăng từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc APS, Chủ tịch Hội đồng quản trị API. Ngoài vai trò tại nhóm Apec, ông Lăng đang giữ vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Cotana (CSC)
Tại APS, ông Lăng nắm hơn 11,8 triệu cổ phiếu (14,3%). Bên cạnh đó, ông Lăng cũng nắm gần 16,5 triệu cổ phiếu API (19,6%) và gần 2,3 triệu cổ phiếu IDJ (1,3%)
Công ty cổ phần Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (APS) thành lập năm 2006, vốn điều lệ hiện là 830 tỷ đồng. APS hoạt động môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán và lưu ký chứng khoán.
Năm 2022, APS ghi nhận doanh thu 421,4 tỷ đồng, giảm 43,6%. Sau thuế, APS báo lỗ gần 450 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (API) thành lập năm 2006, vốn điều lệ hiện đạt 840,8 tỷ đồng. Ngành nghề hoạt động chính là đầu tư, kinh doanh bất động sản. Một số dự án tiêu biểu, được biết đến như: Apec Mandala Wyndham Phú Yên, Apec Royal Park Huế, Apec Aqua Park Bắc Giang, Khu Công nghiệp vừa và nhỏ Đa Hội, Apec Mandala Bắc Ninh, Apec Golden Palace Lạng Sơn, Dubai Tower Ninh Thuận.
Năm 2022, API ghi nhận doanh thu giảm 33,5% xuống còn 777 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 121 tỷ đồng, giảm 39,8% so với năm trước đó.
Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (JDJ) thành lập năm 2007, vốn điều lệ hiện là 1.470 tỷ đồng. Công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tư vấn mua bán doanh nghiệp, dịch vụ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, lập và quản lý các dự án đầu tư...
Năm 2022, IDJ ghi nhận doanh thu 816,8 tỷ đồng, và lợi nhuận đạt 147,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 8,5% và 27,3% so với năm 2021.