Vụ bà Bùi Thị Hoài Anh-Ngân hàng MSB: Không có lỗ hổng mang tính chất hệ thống ngân hàng
Chiều 3-4, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 4. Tại đây, lãnh đạo các bộ, ngành đã giải đáp nhiều vấn đề dư luận đang quan tâm.
Về lộ trình thực hiện 2 dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng đã xây dựng 5 nghị định liên quan, gồm nghị định liên quan về nhà ở (trong đó có nghị định về nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ), 2 nghị định về kinh doanh bất động sản.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính cũng sẽ xây dựng, ban hành một số thông tư hướng dẫn thực hiện.
Bộ Xây dựng đã nhận nhiều ý kiến của các bộ, ngành, hiệp hội để hoàn thiện. Dự kiến cuối tháng 4, đầu tháng 5, bộ sẽ trình Chính phủ xem xét thông qua. Tiến độ này sẽ bảo đảm chỉ đạo của Thủ tướng là Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực từ tháng 7-2024.
Vừa qua, người dân rất quan tâm đến vụ Cơ quan an ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Bùi Thị Hoài Anh, Giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) chi nhánh Thanh Xuân (Hà Nội) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua điều tra, bước đầu công an xác định bà Bùi Thị Hoài Anh có hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản của 8 bị hại là những người gửi tiền tại MSB, với tổng số tiền 338 tỷ đồng. Vụ việc này gây lo lắng cho người dân, liệu ngân hàng có lỗ hổng mang tính chất hệ thống?
Trả lời về vụ việc này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết không có lỗ hổng mang tính chất hệ thống ngân hàng, mà đây là do sai phạm, tiêu cực của cán bộ ngân hàng, có trường hợp thông đồng với cán bộ ngân hàng để sai phạm; mặt khác, do công tác quản lý của ngân hàng, chi nhánh đó.
Nhưng với góc độ cơ quan quản lý, NHNN luôn chỉ đạo, đôn đốc các ngân hàng thương mại trong vấn đề mở tài khoản, tiền gửi cho người dân, cũng như trách nhiệm của người gửi để bảo đảm tiền gửi được an toàn. Thông tư quy định về mở tài khoản, tiết kiệm tại ngân hàng của NHNN đều thường xuyên cập nhập, bảo đảm quy định về an toàn. Tuy nhiên, theo ông Đào Minh Tú, quá trình triển khai, quản trị chung của từng ngân hàng có thể khác nhau, nên để xảy ra sự việc trước hết là trách nhiệm của ngân hàng thương mại trong việc thực hiện quy định của NHNN.
Về trách nhiệm bảo vệ người gửi tiền, hiện đã có những quy định rất cụ thể.
Về vụ việc xảy ra tại MSB, ông Đào Minh Tú cho biết, đây là vụ việc do chính ngân hàng phát hiện ra trong quá trình rà soát hoạt động, đã chủ động gửi hồ sơ sang cơ quan điều tra. “Trách nhiệm của ai, đến đâu… thì cần chờ kết luận của cơ quan điều tra. Nguyên tắc là quyền lợi của người gửi phải được bảo đảm”, Phó Thống đốc NHNN nêu.
Cũng theo ông Đào Minh Tú, qua vụ việc cũng cho thấy, bên cạnh trách nhiệm của ngân hàng, khách hàng cũng cần thường xuyên quan tâm đến việc bảo mật thông tin tài khoản, tài sản trong tài khoản, quan tâm đến quyền lợi của chính mình.
Về vấn đề tỷ giá, Phó Thống đốc thừa nhận hiện nay đang “nóng”. Tỷ giá năm 2023 sôi động, điều hành có lúc khó khăn. Đầu năm 2024, trong quý 1, tỷ giá tiếp tục nóng thêm, đây là vấn đề cần được NHNN quan tâm, tập trung điều hành. Một trong những lý do tăng tỷ giá là 3 tháng đầu năm, nhập khẩu tích cực nên nhu cầu ngoại tệ tăng.
Theo ông Đào Minh Tú, hiện điều hành của NHNN cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu cũng như người dân, tỷ lệ mất giá của VND so với USD thấp, hiện khoảng 2,6%. NHNN luôn coi điều hành tỷ giá là việc quan trọng, cần tập trung, do đó thời gian tới NHNN sẽ điều hành linh hoạt để bảo đảm các lợi ích. Trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ sử dụng các công cụ phù hợp nhằm can thiệp tỷ giá, bảo đảm các lợi ích.