Vụ bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng: Cần phải nghiêm trị!

* Tạm giữ bà chủ Mái ấm Hoa Hồng và hàng loạt người liên quan

Sau khi báo chí (loạt bài điều tra của Báo Thanh Niên) đăng tải thông tin về vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng (đường Tô Ký, quận 12, TP.HCM), ngày 4.9, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã có công điện đề nghị Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, xác minh vụ việc. Đồng thời, thực hiện khẩn cấp các biện pháp bảo đảm an toàn, chăm sóc, phục hồi cho trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực tại mái ấm.

Nhanh chóng điều tra

Cụ thể, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị UBND TP.HCM thực hiện công tác điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh của các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quyền trẻ em và các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại mái ấm và các cơ sở khác có chức năng, nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Tiến hành rà soát, thanh kiểm tra các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em công lập và ngoài công lập trên địa bàn. Sau đó, báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 6.9 để Bộ LĐ-TB-XH tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cùng ngày, Văn phòng UBND TP.HCM đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy liên quan đến vụ việc bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng, quận 12.

Liên quan đến vụ việc, Công an TP.HCM cho biết các phòng nghiệp vụ và Công an quận 12 đang khẩn trương lấy lời khai bà Giáp Thị Sông Hương - chủ Mái ấm Hoa Hồng và những người liên quan về hành vi bạo hành liên quan đến điều tra của báo chí.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo UBND quận 12 chủ trì, phối hợp Sở LĐ-TB-XH, Công an TP.HCM và các đơn vị khẩn trương kiểm tra, xác minh vụ việc, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật để răn đe hành vi ngược đãi, bạo hành, xâm hại trẻ em.

Các đơn vị cần báo cáo nhanh tình hình vụ việc cho UBND TP.HCM ngay trong ngày 4.9. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu Sở LĐ-TB-XH phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM, sở, ngành, tổ chức có liên quan và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Đồng thời, các đơn vị thường xuyên theo dõi, kiểm tra để phát hiện kịp thời, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em trên địa bàn.

Cán bộ địa phương hỗ trợ đưa trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng về các cơ sở bảo trợ công lập của TP HCM. Ảnh: Thiện An

Cán bộ địa phương hỗ trợ đưa trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng về các cơ sở bảo trợ công lập của TP HCM. Ảnh: Thiện An

Trước đó, báo chí phản ánh về việc Mái ấm Hoa Hồng như "địa ngục trần gian" đối với trẻ em được nuôi dưỡng tại cơ sở này. Theo đó, mái ấm nhận nuôi dưỡng gần 100 trẻ mồ côi, trong đó có cả trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo mẫu tên T. có những hành động ngược đãi, đánh đập dã man đối với các trẻ. Trong đó, có bé trai khoảng 7 tháng tuổi bị T. ngồi lên người, nhéo lỗ tai. Thậm chí, một bé còn bị T. "tác động vật lý" đến chảy máu miệng, nhấc lên cao rồi ném xuống nệm.

Không thể chấp nhận được

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho biết rất đau xót khi xem những đoạn clip trẻ em bị bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng. "Thật xót xa khi hình ảnh các cháu sơ sinh bị bạo hành được phơi bày, khó có thể chấp nhận hành vi tàn ác như vậy. Trẻ bị bỏ rơi đã quá bất hạnh nhưng còn bị bạo hành khiến nỗi đau của các em càng thêm sâu" - ông Nghinh nói.

Ông Phạm Đình Nghinh cũng cho biết Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đã có công văn gửi các cơ quan chức năng đề nghị khẩn trương phối hợp với hội để làm rõ hành vi của từng người.

Theo Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, vụ việc xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng là hết sức nghiêm trọng, xét về hành vi, mức độ bạo hành. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn, sức khỏe, tính mạng và nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác đối với trẻ.

"Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM kính đề nghị UBND quận 12, Phòng LĐ-TB-XH quận 12, Công an quận 12 kịp thời có các biện pháp xử lý để bảo đảm sự an toàn đối với các trẻ em đang được quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng tại Mái ấm Hoa Hồng. Đồng thời, có các biện pháp xử lý thích đáng đối với người đã có hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em theo phản ảnh của báo chí, tránh xảy ra tình trạng tương tự" - công văn nêu rõ.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư (thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM), cho biết nhìn những hình ảnh các cháu bị đánh đập, bạo hành mà bà không thể nào tin nổi. "Đã có rất nhiều vụ bạo hành xảy ra trên địa bàn TP.HCM và những người gây ra bạo hành đã ra tòa, chịu mức án nghiêm khắc. Tôi mong muốn các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ hành vi, trách nhiệm của từng người. Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cũng đang tiến hành các biện pháp bảo vệ trẻ tại đây và sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thực thi chức năng của hội" - luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nói.

Vi phạm pháp luật nghiêm trọng

Chiều 4.9, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tổ chức họp báo, cung cấp thông tin liên quan đến vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TP.HCM).

Bà Nguyễn Thành Phụng - Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB-XH - cho biết Mái ấm Hoa Hồng là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí, được Phòng LĐ-TB-XH quận 12 cấp giấy phép hoạt động vào tháng 7.2023. Chức năng, nhiệm vụ là trợ giúp, nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi, sống lang thang. Đối tượng phục vụ của Mái ấm Hoa Hồng là chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, số lượng không quá 39 trẻ. Địa bàn hoạt động: phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM. Người đại diện theo pháp luật là bà Giáp Thị Sông Hương (SN 1974).

Bà Phụng cho biết tổng số trẻ có mặt tại Mái ấm Hoa Hồng là 85 trẻ. Cụ thể, 15 trẻ dưới 12 tháng tuổi, 36 trẻ từ đủ 12 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi, 30 trẻ từ 36 tháng tuổi đến dưới 72 tháng tuổi, 3 trẻ từ đủ 6 tuổi đến 12 tuổi, 1 trẻ đang điều trị tại bệnh viện. Mái ấm có 26 nhân viên; thời điểm kiểm tra có 16 nhân viên đang làm việc. Hiện, 85 trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng đã được đưa về các cơ sở bảo trợ xã hội công lập để cách ly trẻ khỏi môi trường có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Nguyễn Tăng Minh đánh giá vụ bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng có tính chất, mức độ vi phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em; vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng. Đồng thời, cho biết đơn vị sẽ tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở bảo trợ xã hội công lập lẫn ngoài công lập để bảo đảm an toàn cho trẻ em đang được nuôi dưỡng tại đây.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Nguyễn Tăng Minh cung cấp thông tin tại buổi họp báo chiều 4.9. Ảnh: Thiện An

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Nguyễn Tăng Minh cung cấp thông tin tại buổi họp báo chiều 4.9. Ảnh: Thiện An

Sở LĐ-TB-XH cho biết hiện trên toàn địa bàn TP.HCM có 79 cơ sở bảo trợ trẻ em. Trong đó có 16 cơ sở công lập do sở trực tiếp quản lý, 63 cơ sở ngoài công lập, phần lớn do các địa phương cấp giấy phép hoạt động.

Tạm giữ bà chủ Mái ấm Hoa Hồng và hàng loạt người liên quan

Ngày 5.9, một nguồn tin cho biết Công an quận 12 (TP.HCM) đang tạm giữ bà Giáp Thị Sông Hương (chủ Mái ấm Hoa Hồng, đường Tô Ký, quận 12, TP.HCM) cùng các bảo mẫu, bảo vệ, nhân viên mái ấm để củng có hồ sơ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

"Đồng thời, lực lượng công an cũng khẩn trương truy tìm người phụ nữ xuất hiện trong clip theo điều tra của báo chí. Bên cạnh đó, công an cũng tìm những bảo mẫu từng làm tại mái ấm trước đây", nguồn tin của báo Người Lao Động cho biết.

UBND quận 12 cho biết sau điều tra của báo chí, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc. Tại thời điểm kiểm tra, Mái ấm Hoa Hồng đang nuôi 86 trẻ, trong đó, 15 trẻ sơ sinh; 36 trẻ từ 1-2 tuổi; 31 trẻ từ 3-5 tuổi đang học mầm non; 3 trẻ từ 6-12 tuổi và 1 trẻ đang điều trị bệnh tại bệnh viện. Có 15 nhân viên đang phục vụ tại Mái ấm Hoa Hồng.

Công an kiểm tra Mái ấm Hoa Hồng.

Mái ấm chỉ được nuôi dưỡng tối đa 39 trẻ nhưng tại thời điểm kiểm tra thì vượt 47 trẻ theo quy định.

Các cơ quan chức năng quận 12 đã lập hồ sơ đưa 86 trẻ về các cơ sở bảo trợ trực thuộc Sở Lao động – Thương binh & Xã hội TP.HCM để tiếp tục, chăm sóc nuôi dưỡng theo quy định.

Trong đó, đưa 32 trẻ vào Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, 36 trẻ vào Làng Thiếu Niên Thủ Đức, 15 trẻ vào Làng trẻ em Gò Vấp; 2 trẻ được gia đình tiếp nhận; 1 trẻ đang nằm bệnh viện điều trị bệnh viêm phổi.

Đối với Mái ấm Hoa Hồng, UBND quận 12 đã chỉ đạo ban hành quyết định đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động.

UBND quận 12 đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ trách nhiệm của những người tại mái ấm cũng như làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có liên quan trọng công tác quản lý nhà nước để xảy ra sai phạm tại Mái ấm Hoa Hồng.

Bên cạnh đó, UBND quận 12 cũng chỉ đạo tăng cường thực hiện giám sát công tác quản lý, chăm sóc trẻ tại các cơ sở bảo trợ, trợ giúp xã hội trên địa bàn quận. đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở trợ giúp xã hội hoạt động không phép; rà soát các cơ sở trợ giúp xã hội đã được cấp phép và cơ sở hoạt động chưa được cấp phép; rà soát các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập.

"UBND quận 12 đã chỉ đạo tăng cường công tác nắm thông tin, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em, các tổ chức và cá nhân có dấu hiệu nuôi giữ trẻ em không đúng quy định và kiên quyết ngăn chặn các hành vi lợi dụng hoạt động bảo trợ, trợ giúp xã hội trái phép để huy động tài trợ, viện trợ, quyên góp nhằm mục đích trục lợi cá nhân', lãnh đạo UBND quận 12 cho biết.

Phạm Dũng

Bảo mẫu đánh bé tử vong lãnh án chung thân

Ngày 4.9, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên (TAND TP.HCM) xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Võ Thị Mỹ Linh (31 tuổi, nội trợ) tù chung thân về tội "Giết người".

Tại tòa, Linh khai nhận ngày 3.1.2023, Linh nhận giữ một cháu bé (6 tháng tuổi) tại căn hộ ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân. Ngày 10.1.2023, trong lúc thay tã, cháu quấy khóc nên Linh đã dùng tay đánh 2-3 cái vào đầu cháu. Linh đặt cháu H.A lên võng cho uống sữa nhưng cháu không chịu uống, Linh dùng tay đánh nhiều cái vào đầu cháu. Cháu H.A được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, hôn mê, tiên lượng xấu. Do nghi ngờ con bị đánh nên ba của cháu đã trình báo công an.

HĐXX xác định bị cáo Linh không được đào tạo qua trường lớp, không có giấy phép hành nghề... Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội.

Ý.Linh

Lê Vĩnh - Phạm Dũng - Phan Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/vu-bao-hanh-tre-em-o-mai-am-hoa-hong-can-phai-nghiem-tri-45083.html