Vụ bé gái 3 tuổi bị đóng đinh vào đầu: Sự thờ ơ, vô cảm từ những người thân dung dưỡng cho tội ác

Vụ bạo hành bé gái 3 tuổi ở Thạch Thất, hay trong những vụ bạo hành trẻ gần đây có thể nhận thấy sự vô tình của những người thân đôi khi đang dung dưỡng cho tội ác mà nhiều người không hề biết.

Sự thờ ơ vô tình dung dưỡng tội ác với trẻ

Chuyên gia tâm lý Hồng Hương – Thường trực Thư viện Lưu trú thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chia sẻ, là một người phụ nữ và cũng là một người mẹ, bà cảm thấy rất đau xót trước vụ việc nghiêm trọng, thương tâm đã xảy ra với bé gái 3 tuổi bị đóng đinh vào đầu ở Thạch Thất, Hà Nội. Trong sự vụ đau lòng này điều đáng tiếc khi tình trạng bạo hành đối với cháu bé đã xảy ra một thời gian dài nhưng không được xử lý kịp thời nên đã gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo lời người nhà, bố mẹ bé ly hôn được hơn 6 tháng. Người bố nuôi 2 chị còn bé sống cùng với mẹ và nhân tình. Chỉ trong thời gian ngắn ngủi sống cùng với mẹ thế nhưng đã có 4 lần bé phải nhập viện với những thương tích ngày càng nặng lên. Ở những lần nhập viện trước của bé, những người thân của bé đã có nghi ngờ song họ vẫn "dĩ hòa vi quý" với mong muốn hai vợ chồng quay lại với nhau để nuôi dạy con cho tốt nên không truy vấn nữa. Nhiều lần thấy bé đau đớn, nhưng người thân chỉ xót miệng rồi thôi.

Trong nhiều vụ bạo hành trẻ em có thể nhận thấy sự thờ ơ của một bộ phận người dân đối với vấn đề bạo lực gia đình nói chung và bạo lực trẻ em nói riêng đang là một vấn đề của đạo đức xã hội trong ứng xử của người Việt Nam chúng ta hiện nay. Điều này cũng vì nhiều người chưa có đủ nhận thức về hành vi của bạo lực. Số liệu của Tổng cục thống kê mới được công bố tháng 12/2021 cho thấy có tới 10% người chăm sóc trẻ em cho rằng, xử phạt là biện pháp cần thiết để giáo dục trẻ em. Họ sẽ không tham gia vào một việc mà cho rằng đó là việc giáo dục con cái, là chuyện riêng của mỗi gia đình.

Cái chết của cô bé 8 tuổi ở TP HCM trước đó cũng làm rúng động dư luận. Những trận đòn roi bạo lực thể xác cô bé như cơm bữa, hàng xóm thường xuyên nghe thấy tiếng đánh chửi, xô xát. Cô bé ấy bị bạo lực tinh thần khi người bố cách ly, cô lập em với mẹ đẻ không cho gặp. Trước cơ quan chức năng, người mẹ kế đã khai mình đã đặt mua roi mây để dạy dỗ nhưng do nhiều lần đánh, roi hỏng nên phải chuyển sang dùng gậy gỗ. Khó có thể nói với mức độ, tần suất bạo hành như vậy mà người cha lại không biết gì. Nếu không nói là anh ta đã "nhắm mắt làm ngơ" hoặc thậm chí tiếp tay.

Những đứa trẻ bị bạo hành trong hoàn cảnh thân cô thế cô, không được bảo vệ biết phải làm gì khi người thân, xung quanh… thờ ơ. Người cha của bé gái 8 tuổi ở TP HCM không thản nhiên xem những điều người vợ kế làm với con mình là bình thường, nếu ban quản lý khu chung cư nơi em sống hay hàng xóm không xem đó là "chuyện riêng nhà người ta"… Và người mẹ sau ly hôn đã hơn 1 năm không được gặp con do chồng cũ ngăn cấm có hành động gì mạnh mẽ hơn để đòi quyền gặp con, chăm sóc con. Hay ở vụ bé gái 3 tuổi, người thân không "dĩ hòa vi quý" với tội ác… có thể những cô bé như bé gái 8 tuổi ở TP HCM, bé gái 3 tuổi ở Thạch Thất đã có kết cục khác.

"Những vụ bạo hành trẻ vẫn ngày càng tăng và chưa hết nóng. Nó sẽ còn tiếp tục nóng nếu nhiều người vẫn cho rằng đây là vấn đề, là "chuyện riêng". Việc ngại đụng chạm, không muốn chen vào chuyện của người khác, sợ rách việc…rất gần với sự vô cảm, bàng quan. Và điều đó đôi khi vô tình dung dưỡng cho tội ác. Chúng ta lên án hành vi bạo lực là điều đúng nhưng đừng để đến khi xảy ra sự việc rồi mới lên án. Khi đó thì đã quá muộn" – chuyên gia tâm lý Hồng Hương chia sẻ.

Đừng biện minh "thương cho roi cho vọt"

Ở cả vụ bé gái 3 tuổi ở Thạch Thất hay như vụ bé gái 8 tuổi ở TP.HCM lí do đưa ra bạo hành trẻ đều là vì "dạy dỗ", "trẻ hư"…Nhiều người vẫn cho rằng dùng roi vọt là cách giáo dục theo kiểu "thương cho roi cho vọt". Theo một nghiên cứu gần đây của UNICEF, có khoảng gần 70% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 tuổi khi được hỏi đã cho biết từng bị cha, mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình bạo hành. Trẻ có thể là nơi trút giận của người lớn. Không ít người đưa ra lí lẽ họ có công đẻ thì có quyền trút mọi bực dọc trong cuộc sống lên con, thậm chí hành hạ con chỉ để trả thù nhau khi lỡ tan vỡ…

Theo chuyên gia tâm lý, trong mọi tình huống đánh trẻ chưa bao giờ là cách thể hiện sự yêu thương con hay là phương pháp giáo dục đúng nghĩa. Điều này có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường. Trẻ bị đòn roi không chỉ đau về thể xác mà còn có thể để lại những vết hằn tâm lý sâu sắc mãi về sau. Các nghiên cứu tâm lý, xã hội học chỉ ra, việc dùng đòn roi là con đường nhanh nhất đẩy trẻ đến những nguy cơ tổn thương nặng nề về tâm lý. Trẻ có thể gặp phải những dấu hiệu như trầm cảm, rối loạn lo âu... từ đó mà trở nên sống khép kín, gặp trở ngại trong việc học tập, công việc và kết nối xã hội. Nhiều trường hợp bị méo mó, lệch lạc về tâm lý vì quá khứ bị bạo hành.

Để giải quyết trọn vẹn vấn nạn bạo hành trẻ em, theo chuyên gia Hồng Hương cần phải đi vào gốc rễ. Mọi người hiện nay có định kiến đã kết hôn là sinh con, trong khi đó lại chưa sẵn sàng và không có kiến thức nuôi dạy con. Điều này dễ khiến các cặp đôi mâu thuẫn, tan vỡ và khi li hôn con cái lại là "cục nợ". Bởi vậy, bên cạnh các khóa học tiền hôn nhân bắt buộc, các cặp đôi trước khi sinh con cần được học các khóa làm cha mẹ. Đồng thời, mọi người cũng cần thay đổi quan niệm thương "cho roi cho vọt".

Phương Thuận

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/vu-be-gai-3-tuoi-bi-dong-dinh-vao-dau-su-tho-o-vo-cam-tu-nhung-nguoi-than-dung-duong-cho-toi-ac-172220121135446538.htm