Vụ bé sơ sinh dưới khe tường hẹp giữa 2 nhà tại Hà Nội: Người mẹ vứt bỏ con sẽ chịu hình phạt như thế nào?
Hành động táng tận lương tâm của người mẹ nỡ lòng ném con xuống khe hẹp giữa 2 nhà tại Hà Nội đang khiến dư luận bức xúc. Hầu hết ý kiến lên án cần có hình phạt thích đáng với người mẹ làm hồi chuông cảnh tỉnh cho những trường hợp sau.
Liên quan đến vụ bé trai sơ sinh bị bỏ rơi tại khe hẹp giữa 2 nhà xảy ra ngày 18/8 tai Gia Lâm, Hà Nội, hiện tung tích của người mẹ vẫn đang được cơ quan chức năng tìm kiếm. Nhiều người bức xúc và yêu cầu xử nặng đối với những hành vi ném bỏ con vô đạo đức như vậy để cảnh tỉnh các trường hợp sau.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn luật sư TP.Hà Nội) nêu quan điểm, có thể nói rằng đây tiếp tục là một vụ việc vứt bỏ con mới đẻ táng tận lương tâm của những người mẹ vô trách nhiệm. Bởi vậy cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ tung tích của người mẹ vô trách nhiệm này để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo đó, nếu trong trường hợp cháu bé chỉ bị thương tích mà không thiệt mạng thì người mẹ đã vứt cháu bé xuống dưới khe tường đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Còn trường hợp cháu bé không may tử vong giống như vụ việc vừa xảy ra tại Sơn Tây Hà Nội, thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người mẹ đã vứt bỏ cháu bé này về tội giết người hoặc tội vứt bỏ con mới đẻ tùy thuộc vào hoàn cảnh của người mẹ, có được xác định là “trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt hoặc do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu” hay không?
Nếu cơ quan chức năng xác định người mẹ đó “do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Nếu không thuộc trường hợp này mà vứt bỏ đứa trẻ dẫn đến việc đứa trẻ tử vong thì người vứt bỏ sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất là tử hình về tội giết người theo quy định tại điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015.
Dưới góc độ tâm lý, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy – trung tâm Tư vấn tâm lý Tuổi trẻ Hạnh phúc nhận định, đây không phải trường hợp hiếm gặp trong thời gian trở lại đây. Tuy nhiên, cần phải lên án hành động vô đạo đức của những người mẹ trẻ, vô trách nhiệm với tính mạng của một con người, đặc biệt lại là máu mủ mình dứt ruột đẻ ra.
Bà Túy phân tích, việc dẫn đến hành động ném bỏ con ngay sau khi đẻ ra có thể có chủ đích từ trước, và như thế có lẽ cô gái này mang thai ngoài ý muốn nên luôn có tâm trạng lo sợ, tâm lý không ổn định.
“Bà mẹ này chắc nghĩ, không ảnh hưởng cuộc sống cũng như tương lai của mình và quyết định lựa chọn việc loại bỏ đứa trẻ như loại bỏ một cục nợ, một gánh nặng. Trong hoàn cảnh của mình có lẽ cô gái ấy không coi đứa trẻ là con mà chỉ là “cục nợ” nhất định phải vứt bỏ bằng mọi cách. Tuy nhiên, dù có tính toán trước hay không thì việc vứt đứa con là lúc tâm lý cô gái này đã đi vào bế tắc hoàn toàn, dường như bị dồn nén đến cùng cực, rồi không biết nên làm gì nữa”, bà Túy phân tích thêm.
Tuy nhiên, hành động mất đạo đức này không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, mà cho chúng ta thấy mặt tiêu cực ngày càng trầm trọng trong việc giáo dục con người trong xã hội. “CON NGƯỜI” rất quý trọng, đặc biệt là con mình sinh ra, ấy vậy một người mẹ sẵn sàng bỏ con một cách tàn nhẫn thì quả là một chuyện không chấp nhận được.
“Cần nâng cao nhận thức của mỗi người, tỉnh táo khi hành động, không để lại hậu quả ngoài muốn”, bà Túy đưa ra lời khuyên.
Đồng thời, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy nhấn mạnh, vụ việc này tiếp tục là tiếng chuông cảnh tỉnh cho một bộ phận giới trẻ sống thiếu trách nhiệm, thiếu kỹ năng và thiếu hiểu biết pháp luật.
Việc thiếu kỹ năng sống, không có kiến thức trong phòng tránh thai và thiếu hiểu biết pháp luật, vô cảm dẫn đến những chuyện đau lòng như thế này. Bởi vậy đồng thời với việc phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm thì cũng cần nâng cao nhận thức trong giới trẻ bằng cách tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục văn hóa và kỹ năng sống để cho họ sống văn minh, lành mạnh, có trách nhiệm với bản thân gia đình và xã hội, không để những vụ việc đau lòng như vậy có thể xảy ra.
Tình hình sức khỏe bé trai sau khi được cấp cứu
Tối 19/8 bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã có thông tin về tình hình sức khỏe của cháu bé sau gần 1 ngày được điều trị.
Theo bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, vào 22h ngày 18/8, khoa Sơ sinh của bệnh viện tiếp nhận một trẻ sơ sinh trai, tên N.P.Đ, nặng khoảng 2200 gram, là trẻ bị bỏ rơi trong khe tường tại số nhà 43A, tổ dân phố Đào Nguyên, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Sau khi được giải cứu, cháu bé đã được bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lâm chuyển đến trong tình trạng bệnh nhân tỉnh, thân nhiệt 36 độ C, khóc to, tự thở đều, môi hồng SPO2 98%. Tuy nhiên, cháu bé có nhiều vết trầy xước ở mặt và người. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng sơ sinh/ trẻ bị bỏ rơi.
Nói về tình trạng sức khỏe, đại diện bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết hiện tại cháu bé không sốt, tim đều rõ, phổi thông khí đều hai bên, bụng mềm. Khi xét nghiệm máu có biểu hiện rối loạn đông máu nên đã được truyền Plasma tươi. Hiện tại bệnh nhi được ủ ấm, nuôi dưỡng tĩnh mạch một phần, tiêm kháng sinh và chăm sóc tích cực.
"Thông tin về tình trạng bệnh nhân sẽ được bệnh viện tiếp tục cập nhật sau", đại diện bệnh viện cho hay.
Được biết, từ khi nhập viện đến nay, chưa có ai nhận là người nhà của cháu bé đến thăm nom, chăm sóc và nhận nuôi.