Vụ bé trai còn nguyên dây rốn bị bỏ dưới trời mưa: Tội ác xuất phát từ đâu?
Hình ảnh một bé trai còn nguyên dây rốn nằm dưới cơn mưa tầm tã khiến nhiều người xót xa, thương cảm. Người dân thương xót cháu bé bao nhiêu thì càng phẫn nộ với người mẹ bấy nhiêu.
Khoảng 17h30 phút ngày 15/10, khi cơn mưa nặng hạt đang trút xuống thì bất ngờ người dân sinh sống trên địa bàn đã phát hiện một bé sơ sinh bị bỏ rơi ở gần một gốc nhãn cạnh nhà văn hóa thôn Bắc Thượng (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Khi phát hiện, bé trai sơ sinh còn nguyên dây rốn, được bọc trong túi bóng nilong đen và không được mặc quần áo. Người dân đưa bé đến Trạm y tế xã Quang Tiến sơ cứu. Sau đó, bé được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn chăm sóc.
Bé trai nặng 2,1kg, sức khỏe của bé đã tạm ổn định. Hiện chính quyền địa phương đã thông báo rộng rãi để tìm người thân cho cháu bé.
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hình ảnh cháu bé sơ sinh còn nguyên dây rốn nằm dưới cơn mưa tầm tã khiến nhiều người xót xa, thương cảm. Nhiều người bức xúc lên án hành vi nhẫn tâm vứt bỏ con mới sinh, bởi nếu ở ngoài trời mưa thêm lúc nữa, cháu bé có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến tình trạng bỏ rơi trẻ sơ sinh, thậm chí vứt bỏ, giết con mới đẻ xảy ra ngày càng nhiều khiến dư luận bức xúc. Những hành vi này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền trẻ em, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em, làm suy thoái đạo đức xã hội. "Đại bộ phận giới trẻ hiện nay đang thiếu hụt về kỹ năng sống cũng như bài học giới tính. Quan điểm về tình yêu, tình dục của các bạn trẻ hiện nay khác rất nhiều do với thời xưa. Chính quan niệm cởi mở về tình yêu, tình dục, lối sống thực dụng đã đẩy các bạn trẻ dễ dàng "góp gạo thổi cơm chung".
Có không ít trường hợp các cô con gái có chút nhan sắc nhưng thiếu sự quản lý của cha mẹ nên dễ dàng sa ngã vào quan hệ yêu đương, chơi bời, buông thả, sớm mang bầu sinh con khi chưa đủ chín chắn, chưa đủ kiến thức kỹ năng để bắt đầu một cuộc sống gia đình. Một phần lỗi ở đây cũng từ cha mẹ, do thiếu quản lý, buông lỏng quản lý con cái ở tuổi dậy thì, thiếu giáo dục đạo đức và kỹ năng sống khi con cái còn ở tuổi vị thành niên khiến chúng chơi bời hư hỏng, sa ngã từ khi còn quá trẻ tuổi", luật sư Cường nói.
Cũng theo luật sư Cường, thực tế trong xã hội đã xảy ra nhiều câu chuyện bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, thậm chí những vụ án mạng đau lòng... nguyên nhân ban đầu xuất phát từ việc thiếu giáo dục của các bậc cha mẹ đối với con cái, những đứa trẻ lớn lên còn chưa đủ lớn, chưa đủ khôn đã bước vào quan hệ yêu đương, sớm mang bầu sinh con khi chưa đủ chín chắn. Để rồi khi có thai ngoài ý muốn thì không có cách giải quyết hợp lý mà thường là sẽ phá thai hoặc để đẻ ra rồi vứt bỏ. Cả hai cách này đều hết sức tàn nhẫn, không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của sản phụ mà còn ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của trẻ sơ sinh.
Khi đứa trẻ sinh ra còn sống thì sẽ được xác định là con người, có quyền con người trong đó quan trọng nhất là quyền sống, quyền được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục bởi chính người đã đẻ ra đứa trẻ đó. Việc bỏ rơi, không chăm sóc, bảo vệ, giáo dục không những là vi phạm đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi bỏ rơi trẻ em, không bảo vệ chăm sóc giáo dục đứa con do mình sinh ra không những bị xã hội lên án mà người vi phạm còn phải bị áp dụng các chế tài của pháp luật.
Trong vụ việc nêu trên cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ mẹ của đứa trẻ là ai, người này mức độ nhận thức điều khiển hành vi như thế nào khi thực hiện hành vi vứt bỏ con mới đẻ. Có lâm vào tình trạng hoàn cảnh khách quan đặc biệt hay không, có ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hay không mà lại thực hiện hành vi vứt bỏ con mới đẻ như vậy.
"Rất may mắn là đứa trẻ đã được phát hiện và cứu sống, nếu thời gian tới mà việc cứu chữa thất bại, cháu bé không may tử vong thì người mẹ của cháu bé sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vứt bỏ con mới đẻ" theo Điều 124 (BLHS 2015) với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 2 năm tù.
Trường hợp may mắn mà đứa trẻ được cứu sống thì người mẹ có thể sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, người mẹ có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 với mức phạt từ 10.000.000 đến 15.000.000 đồng", luật sư Cường phân tích.
Để giảm thiểu tình trạng bỏ rơi trẻ em, luật sư Cường cho rằng cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống cho các bạn trẻ sao cho giới trẻ nhận thức và có ý thức trách nhiệm trong mối quan hệ tình cảm nam nữ và trách nhiệm với những đứa trẻ do mình sinh ra. Trong trường hợp không may có thai ngoài ý muốn hoặc sinh con thì có đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để đảm bảo an toàn cho bản thân và cho đứa trẻ.
Các bậc phụ huynh cũng cần có sự sát sao, quan tâm đến con em mình, đặc biệt là các em gái ở độ tuổi vị thành niên và trước khi kết hôn. Kịp thời khuyên bảo, động viên, giúp đỡ các em nếu không may có sự việc không mong muốn xảy ra, tránh trường hợp để các em một mình vượt cạn, đối mặt với nỗi lo sợ trước cộng đồng xã hội và gia đình người thân dẫn đến hoảng loạn, quẫn trí.
Cần hiểu biết trách nhiệm pháp lý nếu như thực hiện hành vi giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ để tránh việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại đến tính mạng của trẻ em và phải chịu những chế tài của pháp luật. "Dù chế tài của pháp luật như thế nào chăng nữa thì trước tiên người mẹ trẻ ấy sẽ bị cả cộng đồng lên án mạnh mẽ. Bên cạnh chịu sự phán xét của pháp luật, một bản án lương tâm sẽ theo người mẹ này suốt quãng đời còn lại", luật sư Cường chia sẻ.