Vụ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC: Kiến nghị xử lý người phân bổ nguồn vốn trái luật

Trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC và Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đưa ra 3 kiến nghị, trong đó tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người có thẩm quyền phân bố nguồn vốn trái pháp luật.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an vừa ban hành kết luận vụ sai phạm xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty CP Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) và các đơn vị liên quan, đồng thời chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 36 bị can có liên quan.

 Cơ quan điều tra vừa ra thông báo kêu gọi bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 7 đồng phạm đầu thú.

Cơ quan điều tra vừa ra thông báo kêu gọi bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 7 đồng phạm đầu thú.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra cho biết, từ các dữ liệu trong vụ sai phạm tại dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho thấy AIC đã trúng thầu nhiều dự án khác có liên quan đến phân bổ nguồn vốn Ngân sách Trung ương nên tách ra tiếp tục điều tra, làm rõ tổng thể các dự án có liên quan.

 Bị can Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai (trái) và cựu Bí thư tỉnh Đồng Nai Trần Đình Thành.

Bị can Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai (trái) và cựu Bí thư tỉnh Đồng Nai Trần Đình Thành.

Ngoài các hành vi thông thầu; đưa, nhận hối lộ đã phát hiện, C03 cho rằng vụ án còn có nhiều vấn đề liên quan đến phân bổ nguồn vốn Ngân sách Trung ương.

Theo cơ quan điều tra, ngoài 36 bị can đề nghị truy tố trong vụ án này, còn có một số cá nhân có hành vi, vi phạm liên quan ở mức độ khác nhau. Có cá nhân hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự, hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do đó, căn cứ tính chất, mức độ và đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, Cơ quan điều tra kết luận và có văn bản kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Đáng chú ý, Cơ quan điều tra đã đưa ra 3 kiến nghị tới các cơ quan chức năng như, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương cho các địa phương tại các dự án, đảm bảo công bằng, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đặc biệt đối với nguồn vốn bổ sung ngoài kế hoạch; đồng thời có các chế tài xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người có thẩm quyền phân bố nguồn vốn trái quy định của pháp luật.

Quản lý, giám sát chặt chẽ, công khai giá thiết bị, hàng hóa trên thị trường để mọi tổ chức, cá nhân đều có thể kiểm tra, giám sát, phát hiện việc nâng giá bất hợp lý; yêu cầu các doanh nghiệp công bố và chịu trách nhiệm về việc công khai chi phí đầu vào để hạn chế việc doanh nghiệp nâng giá thông qua việc mua bán lòng vòng trước khi tham dự đấu thầu, bán hàng.

Đồng thời, C03 còn kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về đấu thầu theo hướng quy định cụ thể, chặt chẽ về năng lực tài chính (sử dụng báo cáo tài chính doanh nghiệp gửi cơ quan Thuế), năng lực kinh nghiệm để đảm bảo các đơn vị tham dự thầu là những đơn vị có đủ điều kiện tham gia gói thầu, hạn chế việc sắp đặt "quân xanh quân đỏ" để dự thầu.

Trong vụ án này, có 2 bị can bị đề nghị truy tố về tội “Đưa hối lộ”, gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc AIC và Trần Mạnh Hà, Phó Tổng giám đốc AIC. Tuy nhiên cả 2 bị can này đều đang bỏ trốn và bị truy nã quốc tế.

Ba bị can bị đề nghị truy tố về tội "Nhận hối lộ", gồm: Trần Đình Thành, cựu Bí thư tỉnh Đồng Nai; Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và Phan Huy Anh Vũ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.

Các bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà và nhiều bị can khác trong vụ án còn bị đề nghị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Minh Đức

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vu-benh-vien-da-khoa-dong-nai-va-cong-ty-aic-kien-nghi-xu-ly-nguoi-phan-bo-nguon-von-trai-luat-post1486232.tpo