Vụ buôn lậu gần 200 triệu lít xăng dầu: Cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển xin lỗi Đảng, Nhà nước
Trình bày trước tòa, bị cáo Lê Xuân Thanh (cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 3) đã gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quân đội… vì để xảy ra sai phạm và mong được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.
Chiều 14/7, phiên xử 2 cựu Tư lệnh Vùng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và 12 bị cáo khác trong vụ nhận hối lộ để bảo kê cho "trùm" buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu bước sang phần tranh luận sau khi đại diện Viện Kiểm sát Quân sự đề nghị mức án.
Khi được gọi lên bục xét hỏi, cựu Thiếu tướng Lê Xuân Thanh, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 3 dành phần lớn thời gian để nói lời xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Đồng thời, bị cáo cũng xin lỗi gia đình, quê hương, xin lỗi Hội đồng xét xử và mọi tất cả mọi người.
"Với tư cách cựu Tư lệnh của Cảnh sát biển Vùng 3, tôi vô cùng ăn năn, day dứt và hối hận khi để xảy ra hành vi phạm tội. Tôi xin được cúi đầu trước tòa, xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển vì đã ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng, Nhà nước. Tôi gửi lời xin lỗi gia đình, quê hương cũng như mọi người có mặt trong phiên tòa hôm nay", bị cáo Lê Xuân Thanh trình bày.
Bị cáo Lê Xuân Thanh cũng thừa nhận bản luận tội là không sai. Tuy nhiên, bị cáo mong Hội đồng xét xử căn cứ vào tình tiết vụ án và quá trình công tác của bị cáo, cũng như nhân thân gia đình để xem xét lại cho bị về mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo cáo trạng, cựu Thiếu tướng Lê Xuân Thanh là Tư lệnh của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 (thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển), quản lý vùng biển từ Cù Lao Xanh (tỉnh Bình Định) đến bờ Bắc của Định An (Trà Vinh).
Viện Kiểm sát cáo buộc ông Lê Xuân Thanh biết "trùm" buôn lậu Phan Thanh Hữu có các tàu vận chuyển xăng qua vùng biển. Nhưng sau khi được Hữu nhờ giúp đỡ, vì động cơ vụ lợi bị cáo Thanh đã để gia đình nhận của Hữu 1,8 tỷ đồng, nhằm tạo điều kiện cho Hữu vận chuyển xăng lậu trên biển trong thời gian dài.
Viện kiểm sát Quân sự Trung ương cũng cho rằng, trước khi phạm tội, bị cáo Lê Xuân Thanh có nhân thân tốt, quá trình cống hiến trong quân đội và lực lượng cảnh sát biển được tin tưởng, giao trọng trách, được phong quân hàm cấp tướng. Nhưng bị cáo Thanh đã vì cám dỗ vật chất mà để xảy ra sai phạm trong vụ án.
Tranh luận tại tòa, bị cáo Lê Văn Minh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 4) thừa nhận quen biết trùm buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu, nhưng cho rằng, bị cáo chưa bao giờ bàn bạc với Hữu về việc ăn chia tiền bạc.
"Về bản chất, tôi và Phan Thanh Hữu không thỏa thuận với nhau điều gì. Tuy nhiên, bị cáo không có tài liệu gì chứng minh nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét", bị cáo Lê Văn Minh giãi bày.
Cáo trạng xác định, Phan Thanh Hữu biết bị cáo Lê Văn Minh khi đương chức Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, quản lý vùng biển một số tỉnh nên nhờ ông này giúp đỡ trong quá trình buôn lậu xăng.
Sau khi tiếp nhận xăng nhập lậu từ Singapore đưa về vùng biển Việt Nam, Phan Thanh Hữu báo cho bị cáo Lê Văn Minh biết để được giúp đỡ cho các tàu chở hàng lậu không bị kiểm tra, bắt giữ. Đổi lại, hàng tháng, Phan Thanh Hữu đưa tiền hối lộ cho bị cáo Lê Văn Minh.
Từ tháng 12/2019 đến tháng 8/2020, Phan Thanh Hữu sử dụng hai tàu Nhật Minh 07 và Nhật Minh 08 để mua bán, vận chuyển xăng lậu. Trong các ngày 16/12/2019 và 10/1/2020, Phan Thanh Hữu đã nhờ con trai mình chuyển vào tài khoản của vợ bị cáo Lê Văn Minh là bà Trần Thị Liên tổng số tiền 750 triệu đồng...
Từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2021, bị cáo Lê Văn Minh đã nhận hối lộ của Phan Thanh Hữu tổng số tiền 6,9 tỷ đồng.