Vụ cấp sai 60 lô đất cho cán bộ tại huyện Đất Đỏ: Sai phạm nghiêm trọng nhưng xử lý… hời hợt
Theo luật sư Trần Minh Hùng, nếu hành vi vi phạm khi có dấu hiệu hình sự và gây ra hậu quả nghiêm trọng thì cần phải khởi tố vụ án hình sự để xử lý.
Trong việc cấp đất không thông qua đấu giá ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) với 253 trường hợp được giao đất thì đến 196 trường hợp sai quy định có trách nhiệm từ cán bộ lãnh đạo UBND huyện này. Tuy nhiên việc xử lý trách nhiệm cán bộ khiến dư luận cảm thấy khó hiểu.
Ảnh minh họa.
Cụ thể, Thông báo số 253/TB-UBND ngày 22/4/2020 của UBND tỉnh BRVT nhận định, trách nhiệm trong sai phạm này thuộc về các ông:
Ông Nguyễn Thanh Dũng - chức vụ khi ký là Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2011-2016). Hiện nay đã mất; Ông Tạ Văn Bửu - chức vụ khi ký là Phó chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2011-2016, Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2016-2021. Đã bị cách hết tất cả chức vụ; Ông Nguyễn Văn Hải - chức vụ khi ký là Phó chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2011-2016 và 2016-2021. Hiện nay ônglà Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh BRVT.
Ban thường vụ Tỉnh ủy BRVT cũng đã kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Đất Đỏ (nhiệm kỳ 2010-2015) về vụ việc này khi cho chủ trương về việc giao đất không đúng quy chế làm việc của Huyện ủy; Giao đất không đúng đối tượng, không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013.
Đối với các cá nhân, ông Tạ Văn Bửu bị cách hết tất cả các chức vụ.
Ông Trần Ngọc Hà - Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đất Đỏ (nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020) và ông Nguyễn Văn Lợi, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ (nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020) bằng hình thức khiển trách.
Do vậy, điều khó hiểu ở đây là sai phạm trong việc cấp đất này rất nghiêm trọng, ngoài ông Tạ Văn Bửu bị cách hết chức vụ thì ông Nguyễn Văn Lợi và ông Trần Ngọc Hà bị kỷ luật theo hình thức khiển trách.
Ông Nguyễn Văn Hải, hiện là Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh cũng bị nêu tên chịu trách nhiệm trong Thông báo Kết luận thanh tra và ông Mai Ngọc Thuận, Bí thư Huyện ủy Đất Đỏ nhiệm kỳ 2010 - 2015, hiện nay là Phó chủ tịch HĐND tỉnh BRVT đều không bị xử lý trách nhiệm liên quan.
Để làm rõ vấn đề này, phóng viên báo Nhà báo & Công luận có cuộc trao đổi với luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình - Đoàn Luật sư TP. HCM.
Thưa luật sư Trần Minh Hùng, trong vụ sai phạm này, sau Kết luận Thanh tra thì việc xử lý trách nhiệm các cán bộ liên quan như vậy liệu có đúng pháp luật?
- Căn cứ vào trách nhiệm của mỗi cá nhân cán bộ trong quá trình thực hiện công vụ, tính chất và mức độ sai phạm thì Ban Thường vụ Tỉnh BRVT xem xét thực hiện việc đưa ra các hình thức kỷ luật phù hợp với từng cá nhân.
Dự án Khu dân cư thu nhập thấp xã Phước Hải được tỉnh BRVT phê duyệt có tính chất quy hoạch xây dựng khu nhà ở cho những người có thu nhập thấp và tái định cư trên địa bàn huyện.
Do đó những cá nhân có thẩm quyền liên quan trong việc giao đất không đúng đối tượng của dự án, không đúng quy định pháp luật thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật tương ứng với hành vi và hậu quả xảy ra. Cụ thể, có thể bị kỷ luật theo các hình thức mà luật cán bộ, công chức quy định.
Tuy nhiên cũng cần xem xét kỹ về việc những hành vi sai phạm trên có gây thiệt hại cho Nhà nước hay không. Trong trường hợp có dấu hiệu phạm tội thì cần chuyển sang cơ quan điều tra để làm rõ nhằm đảm bảo tính răn đe, đảm bảo thực hiện đúng tính chất quy hoạch dự án, mục đích đảm bảo lợi ích các đối tượng mà dự án hướng tới.
Nhưng theo Kết luận Thanh tra, cán bộ lãnh đạo huyện Đất Đỏ vẫn dựa vào chủ trương ông Thuận tại cuộc họp để ra Văn bản số 1954 và sau đó cấp đất sai cho cán bộ. Tuy nhiên, trong Kết luận Thanh tra không hề đề cập đến trách nhiệm của ông Thuận? Xin luật sư cho ý kiến về điều này.
- Căn cứ vào cơ cấu tổ chức thì Ban thường vụ có chức năng thảo luận và quyết định các chủ trương nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội… Đây là cơ sở để cấp dưới và những người có liên quan thực hiện. Do vậy nên xem xét trách nhiệm của ông Thuận dẫn tới những sai phạm sau này mặc dù ông đã chuyển công tác trước đó.
Một cán bộ khác bị kỷ luật là ông Nguyễn Văn Hải mà ông này đã nói là mình đã kiểm điểm trách nhiệm liên quan và hiện nay đang đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh BRVT. Theo luật sư, việc bổ nhiệm một cán bộ lãnh đạo huyện bị kết luận có sai phạm như vậy vào chức vụ quan trọng của tỉnh liệu có đúng hay không và vì sao?
- Trong các hình thức kỷ luật do sai phạm thì không có hình thức kỷ luật rút kinh nghiệm, mà chỉ có hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.
Do ông Hải hiện nay chưa bị xử lý kỷ luật theo các hình thức kỷ luật được quy định tại Điều lệ của Đảng cũng như quy định tại Luật cán bộ công chức nên ông được bổ nhiệm chức vụ cao hơn là phù theo quy định pháp luật.
Điều này được quy định tại điều 82 Luật Cán bộ công chức năm 2008:
Điều 82. Các quy định khác liên quan đến cán bộ, công chức bị kỷ luật
1. Cán bộ, công chức bị khiển trách hoặc cảnh cáo thì thời gian nâng lương bị kéo dài 06 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; nếu bị giáng chức, cách chức thì thời gian nâng lương bị kéo dài 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.
2. Cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; hết thời hạn này, nếu cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.
3. Cán bộ, công chức đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch, giải quyết nghỉ hưu hoặc thôi việc.
4. Cán bộ, công chức bị kỷ luật cách chức do tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý.
Một vụ việc ở tỉnh Lâm Đồng khi Chủ tịch TP Bảo Lộc giao sai 71 lô đất đã bị cách chức, chuyển hồ sơ sang công an điều tra, còn ở huyện Đất Đỏ thì có một lãnh đạo bị cách chức, có cán bộ bị kiểm điểm và thăng tiến hơn, ý kiến của Luật sư về 2 vụ việc này như thế nào?
- Thì tùy vào tính chất vụ việc, vào mức độ sai phạm và thiệt hại thực tế cho nhà nước thì phải chịu trách nhiệm tương ứng đối với hành vi và hậu quả.
Theo quy định thì những hành vi vi phạm khi có dấu hiệu hình sự và gây ra hậu quả nghiêm trọng thì cần phải khởi tố vụ án hình sự để xử lý nhằm mang tính răng đe, tránh việc lợi dụng chức vụ quyền hạn để có lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân gây thiệt hại cho nhà nước và các cá nhân khác.
Đối với vụ việc tại huyện Đất Đỏ cần phải có những hình thức xử lý mạnh tay hơn nữa vì những sai phạm về giao đất không qua đấu giá hoặc giao đất cho những người không thuộc đối tượng được giao đất mà dự án đã quy hoạch, giao đất cho những người đã có đất ở… gây thiệt hại cho Nhà nước, vi phạm luật đất đai xâm phạm nghiêm trọng cho những đối tượng đáng được hưởng lợi ích của dự án này.
Xin cảm ơn luật sư!