Vụ cây phượng bật gốc: Giải pháp an toàn cho học sinh

Để đảm bảo an toàn cho học sinh, hầu hết các trường trên địa bàn TP.HCM đều chủ động kết nối với đơn vị chuyên môn để chăm sóc cây.

Ngày 26-5, việc cây phượng bật gốc tại Trường THCS Bạch Đằng, quận 3 khiến một học sinh tử vong và nhiều học sinh bị thương đã cho thấy công tác chăm sóc, kiểm tra cây xanh trong trường học đóng một vai trò rất quan trọng. Ngày 27-5, Trường THCS Bạch Đằng đã chặt toàn bộ cây phượng lâu năm hơn còn lại trong sân trường.

Các trường chủ động

Trường THPT Marie Curie, quận 3 có mảng xanh đẹp nhất TP với khoảng 29 cây cổ thụ, trong đó 10 cây trên 100 tuổi. Bà Nguyễn Thị Quế Vân, Phó Hiệu trưởng, cho biết công tác chăm sóc cây xanh luôn được nhà trường chú trọng. Bà Vân cho biết hằng năm nhà trường đều ký hợp đồng với một công ty có chuyên môn về cây xanh để được tư vấn cách chăm sóc cũng như xử lý những cây đã mục ruỗng. Trường không cố định ký hợp đồng với một công ty nào đó mà có sự thay đổi theo từng năm.

Mỗi năm trường sẽ mé nhánh, tỉa cành một lần, kiểm tra định kỳ sức khỏe cho cây hai lần. Những công việc này đều do đơn vị có chuyên môn thực hiện. Ngoài ra, trường có ký hợp đồng với một lao động có nhiệm vụ chăm cây, bón phân. “Lần kiểm tra định kỳ gần đây nhất, phía công ty đề nghị chặt bỏ hoặc đào lên để trồng lại một cây sứ đã bị nghiêng. Trồng một cây rất khó khăn và mất thời gian, do đó chúng tôi đã tìm mọi cách gia cố, đào lên và trồng trở lại. May mắn đến ngày hôm nay, cây bắt đầu ra lá. Nhà trường cũng đã đốn bỏ hầu hết cây bàng và thay thế bằng những cây khác phù hợp hơn. Lý do là rễ cây bàng mọc ảnh hưởng đến các phòng học, cây bàng tán rộng dễ ngã đổ vào mùa mưa. Vào cuối tháng 5, nhà trường sẽ thực hiện tỉa nhánh” - bà Vân nói thêm.

Còn tại Trường THCS Tùng Thiện Vương, quận 8, ông Phó Trọng Huy, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ trường có khoảng 20 cây xanh lâu năm, trong đó có những cây có tuổi thọ 80-90 tuổi. Ông Huy cho biết định kỳ hằng năm trước mùa mưa bão, trường thường liên hệ với đơn vị có chuyên môn để chăm sóc, bảo dưỡng cây. Họ sẽ tới khảo sát, tư vấn cho nhà trường về việc xử lý từng cây, còn hằng ngày trường vẫn có một bộ phận kiểm tra thường xuyên. Nếu trong phạm vi cho phép, nhà trường sẽ tiến hành xử lý.

“Năm nay do dịch bệnh nên trường chưa thể tỉa nhánh cho cây. Chủ nhật tuần này sẽ có đơn vị xuống thực hiện. Sáng nay, họ đã qua khảo sát tình hình. Mục đích trồng cây xanh trong trường là tạo bóng mát, tạo mỹ quan nhưng quan trọng hơn là phải đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên. Vì thế, nếu thấy cây có dấu hiệu nguy hiểm, nhà trường sẽ liên hệ với đơn vị xuống xử lý” - ông Huy nhấn mạnh.

Tượng tự, ông Bùi Minh Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới, bày tỏ: “Hằng năm trường đều ký hợp đồng với một đơn vị có chuyên môn tới khảo sát, tư vấn, tỉa cành trước mùa mưa bão. Mỗi lần thực hiện chi phí cũng không phải là nhỏ”.

Với nhiều cây cổ thụ trên 100 tuổi, công tác chăm sóc luôn được Trường THPT Marie Curie, quận 3, TP.HCM chú trọng thực hiện. Ảnh: MINH TÂM

Với nhiều cây cổ thụ trên 100 tuổi, công tác chăm sóc luôn được Trường THPT Marie Curie, quận 3, TP.HCM chú trọng thực hiện. Ảnh: MINH TÂM

Đề xuất có sự phối hợp giữa các đơn vị

Vì an toàn của học sinh, hầu hết các trường đều chủ động trong việc chăm sóc cũng như liên hệ với các đơn vị để rà soát, xử lý những cây có nguy cơ. Bà Quế Vân cho hay trường có nhiều cây cổ thụ lâu năm tuy đẹp nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ. “Do đó, khi về trường tôi luôn chủ động hợp tác với các đơn vị để làm sao vừa duy trì được các mảng xanh, vừa đảm bảo được an toàn cho học sinh”.

“Trường học không có kiến thức về cây xanh. Vì thế, không chỉ riêng trường tôi mà các trường khác đều mong có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành hỗ trợ trường trong việc kiểm tra, tư vấn các mảng xanh. Còn hiện nay, công việc đó chủ yếu là các trường tự thực hiện” - bà Vân nói thêm.

Đồng quan điểm, ông Huy nói: “Chúng tôi hy vọng sẽ có một bộ phận của Công ty Công viên Cây xanh định kỳ hằng tháng hoặc hằng quý có thể đến trường tư vấn, kiểm tra, hướng dẫn các trường về công tác chăm sóc và xử lý cây sao cho an toàn. Từ đó, các trường sẽ tự liên hệ với các đơn vị để giải quyết”.

Tình hình sức khỏe các học sinh bị thương

Ngày 27-5, BS CK2 Nguyễn Thành Tâm, Giám đốc Bệnh viện (BV) Quốc tế chấn thương chỉnh hình Sài Gòn (Saigon-ITO), cho biết nơi đây tiếp nhận bốn học sinh bị thương. Trong đó, một học sinh xây xát nhẹ đã được cho về, ba em còn lại có nhiều chấn thương rất nặng đang được điều trị tại BV.

Cụ thể, em NĐT vừa bị gãy hai xương cẳng chân trái, gãy xương chậu, gãy xương cổ chân. Khi đến BV, em rơi vào tình trạng sốc chấn thương, BV đã nhanh chóng kích hoạt báo động đỏ huy động êkíp toàn BV cấp cứu bệnh nhi qua cơn nguy kịch.

Em NĐT bị thương nặng đã qua cơn nguy kịch, đang tiếp tục điều trị tại BV. Ảnh: HL

Em NĐT bị thương nặng đã qua cơn nguy kịch, đang tiếp tục điều trị tại BV. Ảnh: HL

Hai học sinh khác là em TDH bị gãy hai xương cẳng chân; em MTH xây xát vùng mặt, rách vành tai, trật khớp xương đòn.

Tiếp đó, BV đã hội chẩn toàn viện và liên viện với BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM lên kế hoạch, chương trình phẫu thuật cấp cứu cho ba em. Sau 2 tiếng phẫu thuật, các em đã được đưa ra phòng hồi sức, sáng 27-5 được đưa xuống khoa điều trị. Tình trạng cả ba em gần như đã ổn định.

Tại BV Nhi đồng 2, nơi tiếp nhận bốn trường hợp nặng, ThS-BS Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp của BV, cho hay bệnh nhi NLHM bị gãy xương cẳng tay phải, chấn thương cột sống, chấn thương bụng kín. Bệnh nhi TKH bị gãy xương đùi, gãy xương cẳng chân trái, chấn thương bụng kín đã được phẫu thuật kết hợp xương bằng phương pháp đóng đinh nội tủy.

Bệnh nhi LGM và NAT đang được theo dõi tiếp ở Khoa Ngoại thần kinh, có thể cả hai sẽ được xuất viện.

HOÀNG LAN

Phải chờ làm rõ nguyên nhân cây đổ

Về vụ việc đổ cây xanh gây hậu quả đáng tiếc ở Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM), thầy hiệu trưởng đã nhận trách nhiệm. Đó là trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, trách nhiệm quản lý.

Tuy nhiên, cần phải minh định rõ một điều trách nhiệm quản lý không đồng nghĩa với trách nhiệm hành chính. Có ý kiến cho rằng cần xem xét trách nhiệm hành chính của nhà trường vì đã bảo vệ cây xanh không tốt dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Theo tôi, để có câu trả lời cho vấn đề này, cần phải chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền về nguyên nhân cây đổ.

Nếu có chứng cứ xác định rằng cây đổ do trước đó con người có những tác động bất lợi lên nó như chắn rễ, xây bục bệ bao quanh gốc cây không đúng quy định, đổ phế thải, chất độc hại, vật liệu xây dựng lên cây, tự ý xâm hại hoặc cản trở sự phát triển tự nhiên của cây hoặc không chăm sóc cây dẫn đến không phát hiện ra tình trạng sâu bệnh của cây... thì căn cứ vào Nghị định 139/2017, có thể xử phạt hành chính. Nghị định này quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.

Ngược lại, nếu hằng năm nhà trường vẫn ký hợp đồng với công ty cây xanh chăm sóc đúng quy trình, theo dõi sâu bệnh và tình trạng già cỗi của cây đầy đủ, không có bất cứ sự can thiệp nào có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lên quá trình phát triển của cây thì có thể coi sự kiện cây đổ vừa rồi là sự kiện bất ngờ, không thỏa mãn cấu thành của vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 53 Nghị định 139/2017.

ThS TRẦN THỊ THU HÀ, giảng viên Khoa luật hành chính,
ĐH Luật TP.HCM

HOA THI ghi

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/vu-cay-phuong-bat-goc-giai-phap-an-toan-cho-hoc-sinh-915211.html