Vụ cây xanh gãy nhánh làm 5 người thương vong: Kiểm tra toàn diện hệ thống cây xanh trên địa bàn TPHCM

Chiều 9-8, Công an quận 1 cùng các đơn vị liên quan vẫn phong tỏa hiện trường, điều tra làm rõ vụ cây xanh ở Công viên Tao Đàn gãy nhánh làm 2 người chết và 3 người bị thương.

Công an khám nghiệm hiện trường vụ việc. Ảnh: CHÍ THẠCH

Công an khám nghiệm hiện trường vụ việc. Ảnh: CHÍ THẠCH

Xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân

Vụ việc xảy ra vào lúc 6 giờ 30 phút cùng ngày, một nhánh cây xanh gãy rơi trúng vào nhóm người đang tập thể dục phía dưới. Tại hiện trường khu vực cây xanh mã số 81 trong công viên có 5 nạn nhân bị nhánh cây gãy rơi trúng nằm bất tỉnh. Trong đó ông T.C.T. (sinh năm 1962) và bà N.T.D.L. (sinh năm 1954, cùng ngụ quận 1) tử vong tại chỗ. Còn 3 nạn nhân gồm: Q.K.X. (nữ, sinh năm 1955, ngụ quận 1), L.N.S. (nữ, sinh năm 1962, ngụ quận 3) và T.T.K.P. (nữ, sinh năm 1957, ngụ quận Bình Thạnh) bị thương được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Thời điểm xảy ra vụ việc trời không dông gió hay mưa

Ngay sau khi sự việc xảy ra, UBND TPHCM đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi. Theo đó, Chủ tịch UBND TPHCM giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở LĐTB-XH, UBND quận 1 tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các nạn nhân bị thương và gia đình các nạn nhân tử vong theo quy định. Khẩn trương rà soát, nắm bắt lại tình hình sự việc, xác định rõ nguyên nhân xảy ra sự cố và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan; đề xuất hướng xử lý, báo cáo UBND TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM giao Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương tổ chức kiểm tra toàn diện về khả năng đảm bảo an toàn của hệ thống cây xanh công cộng trên địa bàn. Từ đó, xử lý kịp thời, phù hợp đối với những trường hợp cây xanh có nguy cơ gãy đổ gây mất an toàn.

Đây là sự cố đáng tiếc

Ghi nhận ở Công viên Tao Đàn sau vụ tai nạn cho thấy, cây xanh có nhánh bị gãy thuộc họ dầu, bên ngoài còn rất xanh tươi, không có dấu hiệu bị sâu mọt, nứt gãy… Cô H., người bán cà phê ở cổng đường Huyền Trân Công Chúa, cho biết, đang loay hoay bán cà phê cho khách thì nghe một tiếng rầm, nhìn ra hiện trường thấy người nằm la liệt, cảnh tượng hết sức đau lòng. Thời điểm nhánh cây gãy, trời không có gió, thời tiết bình thường. Các nhân viên bảo vệ ở đây cũng cho biết, vụ việc xảy ra rất bất ngờ, ở khu vực này, sáng nào cũng có người tập thể dục.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP sau vụ việc, ông Đỗ Tấn Long, Phó Giám đốc Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TPHCM, cho biết cành cây gãy vẫn xanh tươi không có dấu hiệu bị sâu bệnh, nguyên nhân chính xác đang được công an vào cuộc điều tra. Đây là sự cố đáng tiếc ngoài ý muốn, trung tâm và Công ty Công viên Cây xanh đã liên hệ với gia đình các nạn nhân ở bệnh viện để cùng chăm lo cho người bị nạn. Hai người bị thiệt mạng, trung tâm sẽ lo chi phí mai tang. Theo ông Đỗ Tấn Long, hàng ngày các đơn vị có trách nhiệm vẫn tiến hành cắt tỉa, chăm sóc cây xanh, song không thể phát hiện hết các sự cố… Sau vụ việc này, trung tâm sẽ chỉ đạo các đơn vị tăng cường hơn nữa công tác chăm sóc, duy tu, bảo dưỡng cây xanh trên toàn địa bàn thành phố.

Còn theo ông Đặng Phú Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân trước các sự cố do cây xanh ngã đổ, ngay từ tháng 3-2024, Sở Xây dựng TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan rà soát hệ thống cây xanh trên đường phố, công viên để đốn hạ, trồng thay thế những cây bị sâu bệnh, già cỗi, bọng gốc... có khả năng gãy đổ gây nguy hiểm. Thường xuyên lưu ý các tuyến đường, đoạn đường, khu vực có nguy cơ ngã đổ cây xanh cao.

“Khám tổng quát” cho cây xanh

Theo Sở Xây dựng TPHCM, hiện nay, thành phố có khoảng 235.000 cây xanh được trồng tại các công viên, tuyến đường. Trong năm 2022, có 342 cây xanh bị ngã, đổ; 438 cây bị gãy nhánh. Năm 2023, số cây ngã, đổ tăng lên 561 cây (tăng 219 cây so với năm 2022) và 670 cây nhánh (tăng 232 nhánh so với năm 2022)… Ngoài những lợi ích thiết thực cây xanh mang lại, thực tế cho thấy việc cây xanh ngã đổ, gây tai nạn vẫn xảy ra. Do vậy, cây xanh cần được thường xuyên “khám tổng quát” bằng máy đo bước sóng, đo dòng nhựa luân chuyển từ gốc lên cành, lá. Dự án này đang được Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TPHCM áp dụng thí điểm tại các công viên trên địa bàn thành phố.

Còn theo Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TPHCM, tại các khu vực do công ty thực hiện duy tu, chăm sóc cây xanh, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã xảy ra 466 sự cố liên quan đến cây xanh do mưa dông, gió mạnh. Trong đó, có 112 cây ngã đổ; 92 cây nghiêng gốc, chớm gốc; 262 cây gãy cành, nhánh. Riêng trong tháng 6, xảy ra 216 sự cố cây xanh do mưa dông, gió mạnh.

Không thể “khoán trắng”

Vụ việc nhánh cây xanh gãy đè trúng nhiều người đang tập thể dục tại Công viên Tao Đàn (quận 1, TPHCM) vào sáng sớm 9-8 là sự cố không ai mong muốn. Nhưng, đó còn là lời cảnh báo về những tai nạn liên quan đến cây xanh ngã đổ trong mùa mưa tại đô thị đông dân này, nếu như các đơn vị có chức năng không có các giải pháp ứng phó kịp thời.

Đây không phải lần đầu cây xanh ngã, gãy nhánh đè trúng người, làm hư hại tài sản. Từ đầu mùa mưa đến nay, đã có nhiều vụ cây xanh bật gốc, gãy nhánh. Cách đây đúng 1 tuần (tối 3-8), một cây cổ thụ trên đường Lý Chính Thắng (quận 3) bật gốc trong cơn mưa, đè trúng nam thanh niên đi xe máy khiến nạn nhân bị thương. Hay ngày 14-7, nhánh cây dầu dài gần chục mét rơi trúng một ô tô 7 chỗ đậu trên đường Ngô Gia Tự (quận 10)...

Vụ việc cây xanh gãy nhánh tại Công viên Tao Đàn, lãnh đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM (thuộc Sở Xây dựng TPHCM) - đơn vị trực tiếp quản lý công viên cây xanh, khẳng định tuy thường xuyên kiểm tra cây xanh nhưng có những khiếm khuyết bên trong cây không thể hiện ra ngoài nên khó phát hiện. Vị này đã xin lỗi người dân về sự cố đáng tiếc và mong người dân thông cảm.

Quy định về quản lý, chăm sóc cây xanh hiện khá đầy đủ. Như Nghị định 64/2010 về quản lý cây xanh đô thị nêu rõ, cây xanh phải được chăm sóc định kỳ, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây. Việc chăm sóc, cắt tỉa cây phải tuân thủ quy trình kỹ thuật đồng thời phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình. Nghị định nêu rõ cây xanh đô thị phải được giữ gìn, bảo vệ và kiểm tra thường xuyên. Do đó, các cơ quan quản lý, chăm sóc cây xanh, công viên phải xác định rõ trách nhiệm của mình, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp cây xanh có nguy cơ gây nguy hiểm. Khi sự cố xảy ra cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị liên quan trong việc duy tu, bảo dưỡng cây xanh. Bởi không phải sự cố nào cũng vì lý do “bất khả kháng” hay đổ lỗi do trời.

UBND các địa phương cũng không thể “khoán trắng” cho các đơn vị duy tu, quản lý mà cần có trách nhiệm với việc chăm sóc, quản lý cây xanh trên địa bàn. Việc tăng cường kiểm tra, giám sát về quy trình chăm sóc, bảo vệ cây xanh định kỳ cũng như năng lực của đơn vị thực hiện sẽ sớm nhận diện, đánh giá những dấu hiệu nguy hiểm của cây xanh, nhất là với cây đã đến tuổi già cỗi, bị bệnh... để có giải pháp xử lý kịp thời. Điều đó sẽ góp phần đặc biệt quan trọng trong việc hạn chế được những tai nạn chết người liên quan cây xanh.

HƯNG VƯỢNG

CHÍ THẠCH - MINH HẢI - NGÔ BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/vu-cay-xanh-gay-nhanh-lam-5-nguoi-thuong-vong-kiem-tra-toan-dien-he-thong-cay-xanh-tren-dia-ban-tphcm-post753427.html