Vụ chạm trán tiêm kích Hàn là thử nghiệm 'liên minh mới' Nga - Trung
Vụ chạm trán máy bay quân sự sát không phận Hàn Quốc, buộc tiêm kích nước này nổ 360 phát súng cảnh cáo, được xem là cuộc thử nghiệm cho liên minh tiềm năng giữa Nga và Trung Quốc.
Sáng 23/7, Hàn Quốc và Nhật Bản gần như đồng loạt triển khai tiêm kích để phản ứng cuộc phối hợp diễn tập của không quân Nga và Trung Quốc trong khu vực Đông Bắc Á.
Theo báo cáo của Bộ Tổng tham mưu Hàn Quốc (JSC), có 2 máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc, 2 máy bay ném bom Tu-95 và một chiếc A-50 thực hiện nhiệm vụ chỉ huy và kiểm soát của Nga được phát hiện trong khu vực còn tranh chấp về vùng nhận diện phòng không giữa 3 nước Đông Bắc Á.
Bộ Quốc phòng Nga sau đó xác nhận không quân nước này đã tuần tra chung cùng với máy bay quân sự tầm xa của Trung Quốc.
Đối đầu căng thẳng
Cuộc chạm trán của không quân 4 nước nhanh chóng leo thang nguy hiểm. JSC nói chiếc A-50 đã 2 lần xâm phạm không phận Hàn Quốc, mỗi lần kéo dài khoảng 3 phút và cách nhau 20 phút. Tiêm kích Hàn Quốc buộc phải có các biện pháp "chiến thuật thông thường", phóng 20 phát pháo sáng và bắn 360 phát đạn cảnh cáo.
Seoul cáo buộc các máy bay quân sự nước ngoài hoạt động trên vùng biển phía Đông của Hàn Quốc, gần quần đảo Dokdo, là đối tượng tranh chấp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản nhưng hiện do Seoul quản lý. Nhật Bản gọi quần đảo này là Takeshima.
Tokyo cũng bênh vực tường thuật trên của Seoul. Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định chiếc A-50 cũng xâm phạm không phận nước này trong lúc máy bay Nga và Trung Quốc tuần tra.
Trong khi đó, Moscow không chấp nhận cách mô tả vụ việc của Seoul. Bộ Quốc phòng Nga chỉ trích tiêm kích Hàn Quốc chặn đầu nguy hiểm 2 máy bay ném bom của họ trên vùng biển quốc tế.
Cuối ngày 23/7, Bộ Quốc phòng Nga bất ngờ xác nhận không quân nước này đã "tuần tra chung" cùng với máy bay quân sự tầm xa của Trung Quốc. Trung tướng Sergei Kobylash, tư lệnh không quân tầm xa của Nga, thông báo các máy bay nước này đã tuần tra được 11 tiếng với hành trình gần 9.000 km. Ông tiết lộ 3 máy bay nga được máy bay nước ngoài hộ tống 11 lần trong suốt chuyến bay.
Củng cố quan hệ Nga - Trung
Theo Nathan Hodge, chuyên gia phân tích quốc phòng và trưởng văn phòng của CNN tại Moscow, cuộc "tuần tra chung" lần này đã giúp Nga và Trung Quốc gửi đi nhiều thông điệp chiến lược.
Hodge nhận định cuộc diễn tập là "một phép thử cho liên minh quân sự còn non trẻ" giữa Moscow và Bắc Kinh. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định đây là "cuộc tuần tra chung trên không đầu tiên sử dụng máy bay tầm xa tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương" được thực hiện bởi không quân 2 nước.
Thông báo mô tả cuộc tuần tra chung nhằm làm sâu sắc và phát triển các quan hệ Nga - Trung Quốc trong khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện song phương. Hoạt động còn hướng đến "tăng mức độ trao đổi giữa lực lượng vũ trang hai nước, cải thiện năng lực phối hợp hành động và củng cố ổn định chiến lược toàn cầu".
Bắc Kinh và Moscow cũng từng thể hiện sức mạnh của quan hệ quốc phòng song phương tại khu vực với cuộc tập trận Vostock năm 2018. Sự kiện được Nga mô tả là cuộc tập trận với quy mô lớn nhất kể từ khi Liên Xô tan rã.
Sự kiện quy tụ 300.000 binh sĩ, 36.000 phương tiện chiến đấu, 1.000 máy bay của Nga trong khi phía Trung Quốc điều động 3.200 binh sĩ, 1.000 phương tiện chiến đấu, 6 máy bay cánh cố định và 24 trực thăng.
Vostok 2018 khởi động cùng thời điểm Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp tại thành phố Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga.
Nơi đây được đánh giá là "bệ phóng" để Nga khẳng định vai trò và sức mạnh của mình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông Putin còn tổ chức hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) tại thành phố, như một cách khẳng định xu hướng xoay trục các chính sách kinh tế quốc gia hướng về khu vực.
Trung Quốc trong những năm qua nhiều lần cử tàu quân sự ghé thăm cảng chiến lược tại Vladivostok, tham gia nhiều hoạt động diễn tập và rèn luyện hải quân cùng nước láng giềng. Trong dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Hải quân ngày 28/7 sắp tới, tàu chiến Trung Quốc cũng tham gia diễu binh.
Phép thử "hiệp đồng tác chiến"
Nathan Hodge đánh giá cuộc tuần tra chung ngày 23/7 và chạm trán không quân trên Biển Nhật Bản là một bước leo thang của quan hệ đối tác quốc phòng Nga - Trung trên bàn cờ chiến lược Đông Bắc Á.
Hai nước không có hiệp định tương trợ quốc phòng như Mỹ ký kết với Nhật Bản hay các nước thuộc khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, cuộc diễn tập sát không phận Nhật Bản và Hàn Quốc có thể là phép thử "hiệp đồng tác chiến", đánh giá khả năng quân đội Nga và Trung Quốc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ trong tương lai.
Moscow và Bắc Kinh thời gian qua đang thúc đẩy quan hệ hướng đến một mô hình "gần như đồng minh", theo nhận định của Artyom Lukin, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok.
Ông nhận định cuộc tuần tra được lên kế hoạch nhằm khẳng định sức mạnh chung của hai nước, đồng thời gửi thông điệp đồng loạt cho Tokyo, Seoul và Washington.
"Tôi thật sự bất ngờ khi nghe thông tin này. Tôi không ngờ hành động lần này lại táo bạo và mang tính khiêu khích như vậy", ông Lukin cho biết.
Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie tại Moscow và cựu đại tá quân đội Nga, cũng dự báo những cuộc tuần tra chung giữa không quân Nga và Trung Quốc sẽ diễn ra thường xuyên hơn tại khu vực, theo Guardian.
"Những cuộc tuần tra này sẽ trở thành hoạt động thường kỳ trong một thỏa thuận có thể sớm được Bắc Kinh và Moscow ký kết. Sự tương hỗ giữa Nga và Trung Quốc sẽ sâu sắc thêm", ông nhận định.
Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình duy trì được mối quan hệ thân thiết và đặc biệt. Trong 6 năm qua, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau hơn 30 lần. Trong chuyến thăm tại Moscow vào đầu tháng 6, giữa thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang căng thẳng, ông Tập cũng gọi nhà lãnh đạo Nga là "người bạn tốt nhất" của mình.
Tổng thống Putin cũng công khai bày tỏ thái độ ủng hộ Bắc Kinh trong cuộc đối đầu kinh tế với Washington. Sau cuộc chạm trán căng thẳng giữa không quân 4 nước trên Biển Nhật Bản, khu vực và quốc tế sẽ cần theo dõi liệu hai nhà lãnh đạo sẽ lại sánh vai cùng nhau trong một cuộc đối đầu quân sự hay không.