Vụ cháy chung cư Carina: Vì sao Trưởng ban quản lý thuộc SEJCO được tại ngoại?
Sau khi Báođăng bài 'Vụ cháy chung cư Carina: Chỉ mình chủ đầu tư chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại?' thì Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã khởi tố Trưởng ban quản lý chung cư Carina Plaza liên quan đến các sai phạm về quy định PCCC.
Theo đó, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng ban quản lý chung cư Carina Plaza (thuộc Công ty CP Dịch vụ địa ốc Sài Gòn - SEJCO) bị khởi tố để điều tra về hành vi “Vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy-PCCC”.
Chủ đầu tư bị tạm giam, Trưởng Ban quản lý được tại ngoại
Đây là bị can thứ 2 bị khởi tố liên quan đến các sai phạm về quy định PCCC xảy ra tại chung cư Carina Plaza. Quyết định này đã được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn, nhưng ông Tuấn được tại ngoại để phục vụ điều tra.
Vì sao trong cùng vụ án hình sự, Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nhưng chủ đầu tư lại chịu trách nhiệm nặng hơn? Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Tùng, nguyên Giám đốc Công ty TNHH XD-TM- DV-SX Hùng Thanh, chủ đầu tư dự án Carina Plaza để điều tra làm rõ hành vi “Vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy”.
Trong khi đó, theo quy định của Thông tư 02 do Bộ Xây Dựng ban hành và căn cứ Luật xây dựng, Luật Nhà ở thì đơn vị quản lý vận hành chung cư phải có trách nhiệm khi các sự cố xảy ra. Tuy nhiên, sau khi sự cố xảy ra tại chung cư Carina thì mình chủ đầu tư chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả, Giám đốc bị bắt tạm giam. Còn đơn vị quản lý, vận hành là SEJCO biện lý do chờ quyết định của Tòa mới tham gia đền bù, khắc phục hậu quả.
Tại các hợp đồng số 37/HĐGX-DVĐO (Dịch vụ quản lý bãi xe nhà chung cư) và số 38/HĐQLVH-DVĐO (Dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư Carina) đều được Công ty Hùng Thanh ký với SEJCO (Công ty Cổ phần dịch vụ địa ốc Sài Gòn) vào ngày 15-12-2016, có hiệu lực trong vòng hai năm.
Liên quan đến phần cháy nổ, hợp đồng ghi rất rõ: SEJCO thay mặt Hùng Thanh làm việc với cơ quan có liên quan phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các quy định pháp luật về PCCC; tổ chức thực tập PCCC định kỳ, cùng với Hùng Thanh lập phương án PCCC để cư dân nắm được các bước cần thiết khi có sự cố xảy ra. SEJCO cũng phải đảm bảo quản lý vận hành nhà chung cư với chất lượng tốt, an toàn vệ sinh và phòng chống cháy nổ phù hợp các quy định pháp luật.
SEJCO có thiếu trách nhiệm trong quản lý, vận hành?
Trong hợp đồng cũng nhấn mạnh đến nghĩa vụ của SEJCO là phải kiểm tra giám sát, quản lý, vận hành liên quan đến hoạt động nhà chung cư: gồm thang máy, dụng cụ thiết bị PCCC, máy phát điện dự phòng... Và hợp đồng cũng ghi rõ, SEJCO phải bố trí người bảo vệ, kỹ thuật trực 24/24 giờ với bảy ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ và Tết.
Theo biên bản khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng xác định hệ thống PCCC báo cháy tự động, bơm điện tự động, bơm dầu tự động bị chuyển sang chế độ điều khiển bằng tay (tức khi muốn vận hành phải có người đến điều khiển bằng tay để bấm nút hoạt động); bơm bù áp bị tắt, tủ điện điều khiển hệ thống chữa cháy tự động bị tắt.
Điều này dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là cháy mà không có người vận hành thì hệ thống tê liệt. Ngoài ra, các cửa thoát hiểm bị chèn lại và không tự đóng lại được. Đây là lý do làm cho khói độc nhanh chóng tràn lên các tầng trên gây ngạt khí- nguyên nhân gây tử vong của phần lớn nạn nhân.
Từ vụ cháy trên, Cơ quan CSĐT đã khởi tố, bắt tạm giam giám đốc Công ty Hùng Thanh là chủ đầu tư dự án, còn phía SEJCO cũng đã bị khởi tố Trưởng ban quản lý chung cư Carina, chứ không phải người chịu trách nhiệm ký hợp đồng với chủ đầu tư. Còn công ty bảo vệ chưa được nhắc đến, trong khi việc điều tra được tiến hành song song ở cả ba đơn vị.
Đại tá Nguyễn Minh Thông – Chánh văn phòng cơ quan CSĐT (PC44) đơn vị đang trực tiếp thụ lý điều tra vụ án từng công bố diễn biến vụ cháy như sau: "Từ lúc xuất hiện tia lửa đầu tiên tới lúc lửa bùng lên là 13 phút 18 giây, nhưng qua camera, không thấy bóng dáng 1 người nào xuất hiện, không thấy người của chung cư dập lửa. Trong 13 phút đầu, nếu có 1 bình chữa cháy thì sẽ không gây hậu quả nghiêm trọng như vậy".
Về dấu hiệu sai phạm, theo Đại tá Thông: Hệ thống báo cháy có âm thanh không hoạt động, hệ thống phun nước tự động không hoạt động, hệ thống máy bơm bù áp (dùng bơm nước lên tầng cao) không hoạt động; việc báo cháy thủ công cũng không có... Chung cư có bộ phận bảo vệ, có điểm trực về an toàn cháy nổ, nhưng không có ai phát hiện được tia lửa điện. Đây là điều khó hiểu, mà chúng tôi đang làm rõ.
Đại tá Thông cũng cho rằng, theo quy định PCCC, trường hợp bất khả kháng thì dùng biện pháp thủ công để báo cho cư dân, chủ động sơ tán thoát nạn. Vậy mà khi có cháy xảy ra gần như không có động tác nào? Lúc đó, bộ phận bảo vệ ở đâu, bộ phận trực an ninh về phòng cháy cũng không thấy. Theo quy định thì phải có người trực. Nếu có ai trực ở giây phút phát ra tia lửa điện để dập kịp thời thì đâu xảy ra vụ cháy đau lòng như vậy.
Một thời gian đã trôi qua, hậu quả vụ cháy đang tiếp tục được khắc phục nhằm ổn định đời sống cư dân. Hiện, các cơ quan chức tiếp tục điều tra, làm rõ vai trò, trách nhiệm của SEJCO và công ty bảo vệ trong vụ cháy tại chung cư Carina. Qua đó, đảm bảo sự công bằng cho các bên liên quan và tạo sự an tâm cho người dân, nhằm thể hiện tính thượng tôn pháp luật.