Vụ cháy chung cư mini Hà Nội: Tài sản của các nạn nhân sẽ được xử lý ra sao?
Sau vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội, một trong những vấn đề pháp lý phát sinh đặt ra là các nạn nhân xấu số đột ngột qua đời, không kịp dặn dò, viết di chúc thì tài sản của họ như các khoản tiền gửi tiết kiệm, ngân hàng,… sẽ được xử lý như thế nào, quyền thừa kế được thực hiện ra sao?
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, sau sự việc cháy chung cư mini khiến rất nhiều người thiệt mạng vừa qua, để lại không ít khó khăn cho người may mắn thoát nạn và sự đau đớn tột cùng của những người có người thân là nạn nhân của vụ cháy.
Hậu quả để lại sự việc này là cực kì nghiêm trọng và mặt khác sẽ phát sinh thêm nhiều sự kiện pháp lý khác nhau. Một trong số đó khiến người dân rất quan tâm đó là những người đã mất một cách đột ngột như vậy, sẽ không kịp dặn dò hay để lại di chúc thì những tài sản, khoản tiền tiết kiệm, tiền gửi tại ngân hàng của họ sẽ được xử lý như thế nào?
Luật sư Hùng phân tích, căn cứ theo quy định tại Điều 650 Bộ luật Dân sự, nếu người đã chết không để lại di chúc hoặc di chúc là không hợp pháp sẽ áp dụng theo quy định của pháp luật dân sự về chia thừa kế theo pháp luật. Việc chia thừa kế theo pháp luật sẽ được thực hiện theo thứ tự của hàng thừa kế như quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự, cụ thể:
“a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại".
Theo đó, di sản thừa kế sẽ được chia lần lượt cho tất cả các cá nhân ở hàng thừa kế thứ nhất. Nếu không còn ai ở hàng thừa kế thứ nhất thì sẽ chuyển xuống chia cho tất cả cá nhân ở hàng thừa kế thứ hai.
Nếu hàng thừa kế thứ hai cũng không còn ai thì di sản được chia cho tất cả người thuộc hàng thừa kế thứ ba.
Như vậy, những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
“Tuy nhiên, nếu trong trường hợp cả ba hàng thừa kế nêu trên đều không còn ai, thì di sản thừa kế sẽ được thực hiện theo Điều 622 Bộ luật Dân sự, trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước”, Luật sư cho hay.