Vụ cháy hơn 200 mô tô tang vật: Ai chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại?
Theo Luật sư, để có căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ cháy, chủ sở hữu xe cần có biên bản tạm giữ xe vi phạm, tình trạng xe, đời xe để xác định giá trị tài sản bị thiệt hại. Trường hợp không thỏa thuận được về mức bồi thường thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện ra tòa án giải quyết theo luật định.
Khoảng 18 giờ 00 phút tối 9/3/2024, kho tạm giữ xe mô tô vi phạm hành chính của Công an huyện Tánh Linh ( Bình Thuận) bốc cháy dữ dội. Ngay khi phát hiện cháy, Công an huyện Tánh Linh đã huy động toàn bộ cán bộ, chiến sĩ và người dân gần đó tham gia chữa cháy và báo cáo cho Công an tỉnh Bình Thuận.
Đến 18 giờ 45 phút tối cùng ngày, đám cháy cơ bản được dập tắt. Bước đầu xác định, có khoảng hơn 200 xe mô tô là tang vật vi phạm hành chính cất giữ trong kho xe tang vật đã bị cháy hoàn toàn, không có thiệt hại về người.
Nhiều bạn đọc thắc mắc, hơn 200 chiếc xe máy bị cháy là xe của người dân vi phạm giao thông đang trong thời gian bị tạm giữ. Vậy, phía lực lượng chức năng có phải đền bù thiệt hại hay không?
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Luật sư Nguyễn Thị Huế - Công ty Luật TNHH XTVN (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Theo khoản 5 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bổ sung năm 2020 và Điều 9 Nghị định 138/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu và giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính, người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ.
Trường hợp tang vật, phương tiện bị tạm giữ bị mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Người trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện.
Ngoài ra, Điều 10 Nghị định 138/2021/NĐ-CP quy định tổ chức, cá nhân có tang vật, phương tiện bị tạm giữ có quyền yêu cầu người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện tạm giữ lập biên bản về việc tài sản trong thời gian tạm giữ bị mất, đánh tráo, hư hỏng, thiếu hụt và yêu cầu cơ quan quản lý, bảo quản phương tiện bồi thường theo quy định của pháp luật.
Phân tích dưới góc độ pháp luật, Luật sư Huế cho rằng để có căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ cháy nêu trên, chủ sở hữu xe cần có biên bản tạm giữ xe vi phạm, tình trạng xe, đời xe để xác định giá trị tài sản bị thiệt hại. Trường hợp không thỏa thuận được về mức bồi thường thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện ra tòa án giải quyết theo luật định.
Theo khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015, nếu cơ quan có thẩm quyền kết luận nguyên nhân gây cháy do sự kiện bất khả kháng thì nơi ra quyết định tạm giữ, tịch thu phương tiện xe nêu trên không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Còn nếu xác định việc gây cháy không phải do sự kiện bất khả kháng mà có hành vi phá hoại hoặc bất cẩn của cá nhân nào đó thì cơ quan ra quyết định tạm giữ vẫn phải bồi thường cho các chủ phương tiện, rồi sau đó mới khởi kiện cá nhân gây cháy để yêu cầu đền bù thiệt hại. Trường hợp có căn cứ cho thấy đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Mặt khác, nếu bãi giữ xe được mua bảo hiểm thì cơ quan bảo hiểm sẽ là đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường cho các chủ sở hữu xe.