Vụ cháy rừng thế kỷ tại Hawaii: Số người chết tăng lên 89
Giới chức Mỹ cho biết vụ cháy rừng trên đảo Maui của Hawaii đã khiến ít nhất 89 người thiệt mạng, gây thiệt hại ước tính ban đầu lên tới 6 tỷ USD, trở thành vụ cháy rừng nguy hiểm nhất nước này trong hơn một thế kỷ qua.
CNN đưa tin, Thống đốc Hawaii Josh Green ngày 12/8 cho biết, các vụ cháy rừng tại Maui là "thảm họa thiên nhiên lớn nhất mà Hawaii từng trải qua". Ông nói rằng sẽ mất một khoảng thời gian dài để có thể phục hồi lại thủ phủ du lịch này.
"Hơn 2.200 công trình kiến trúc đã bị hư hại hoặc phá hủy do cháy rừng tại Maui, trong đó 86% là khu dân cư. Mức thiệt hại ước tính lên tới 6 tỷ USD", ông Green nói.
Trước đó, Cơ quan Ứng phó Khẩn cấp Liên bang (FEMA) cùng ngày đã phản đối con số đánh giá thiệt hại tại Maui khoảng 5,52 tỷ USD - được quy cho họ và Trung tâm Thảm họa Thái Bình Dương đưa ra. FEMA cho rằng con số này không chính xác và "còn quá sớm để ấn định" chi phí thiệt hại của hòn đảo.
Cảnh sát trưởng Maui John Pelletier cho biết có 89 nạn nhân đã thiệt mạng trong vụ cháy rừng và giới chức đã xác định được danh tính của 2 người. Trong khi đó, hàng trăm người được cho là vẫn đang mất tích. Các lực lượng cứu hộ liên bang và chó nghiệp vụ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm nạn nhân còn sống sót và các thi thể sau vụ cháy.
Số người chết trong vụ cháy rừng mới được giới chức Maui công bố đã vượt qua thảm họa sóng thần giết chết 61 người vào năm 1960, một năm sau khi Hawaii trở thành bang của Mỹ.
Con số này cũng vượt qua vụ cháy rừng Camp Fire năm 2018 ở phía bắc California, khiến 85 người thiệt mạng và phá hủy thị trấn Paradise. Trong khi đó, hơn một thế kỷ trước, vụ cháy Cloquet năm 1918 bùng phát ở Minnesota và Wisconsin đã khiến 453 người thiệt mạng và phá hủy hàng nghìn ngôi nhà và các cộng đồng nông thôn.
"(Số người thiệt mạng) sẽ tăng lên. Chúng tôi chỉ biết chờ đợi và hỗ trợ những người đang sống. Trọng tâm của chúng tôi lúc này là đoàn tụ các gia đình và cung cấp cho họ nơi ở, chăm sóc sức khỏe, sau đó xây dựng lại mọi thứ", Thống đốc Josh Green nói.
Ông cho biết, khoảng 1.000 phòng khách sạn đã được đảm bảo cho những người dân sơ tán. Bên cạnh đó, giới chức cũng đẩy nhanh hoạt động sơ tán người dân muốn rời khỏi hòn đảo.
Thảm họa cháy rừng bắt đầu xảy ra sau nửa đêm 8/8, khi người dân báo cáo về một đám cháy ở thị trấn Kula, cách thành phố Lahaina khoảng 56km. Khoảng 5 tiếng sau, Lahaina bị cắt điện.
Trong các báo cáo cập nhật tiếp theo, đám cháy tại Kula đã thiêu rụi hàng trăm ha đất, buộc người dân địa phương phải sơ tán. Tại Lahaina, ngọn lửa đã bùng lên dữ dội buộc người dân và du khách phải sơ tán. Cơn bão Dora được cho là đã gây ra những cơn gió mạnh, góp phần khiến vụ cháy trở nên trầm trọng hơn.
Giới chức cho biết họ đã gửi cảnh báo cháy rừng đến điện thoại di động, tivi và đài phát thanh, nhưng tình trạng mất điện trên diện rộng và thất lạc điện thoại di động có thể đã hạn chế phạm vi tiếp cận thông tin của người dân.
Trong Kế hoạch giảm thiểu rủi ro của đảo Maui được cập nhật vào năm 2020, Lahaina và các cộng đồng khác ở Tây Maui đã được xác định thường xuyên xảy ra cháy rừng và một số tòa nhà có nguy cơ bị cháy. Báo cáo cũng lưu ý rằng Tây Maui có tỷ lệ hộ gia đình không có phương tiện đi lại cao thứ hai trên đảo và tỷ lệ người không nói tiếng Anh cao nhất.
"Điều này có thể khiến người dân bị hạn chế khả năng tiếp nhận và thực hiện hành động khẩn cấp trong các tình huống nguy hiểm", bản kế hoạch nêu rõ.
Trong khi đó, ông Bobby Lee, Chủ tịch Hiệp hội Lính cứu hỏa Hawaii, cho rằng số lượng nhân viên cứu hộ và thiết bị chữa cháy trên đảo bị hạn chế đã cản trở nỗ lực chữa cháy trên đảo Maui. Ông cho biết, có tối đa 65 lính cứu hỏa quận làm việc tại bất kỳ thời điểm nào, chịu trách nhiệm cho ba hòn đảo: Maui, Molokai và Lanai, theo AP.
Trong lúc này, các nhà cung cấp nước ngọt tại Maui cảnh báo cư dân Lahaina và Kula không được uống nước máy, do lo ngại loại nước này có thể bị nhiễm hóa chất ngay cả sau khi đun sôi. Họ cũng khuyến cáo người dân chỉ tắm nước ấm trong thời gian ngắn trong phòng tắm thông thoáng để tránh tiếp xúc với hơi hóa chất.