Vụ chi hơn 10 tỉ đồng dựng khẩu hiệu 11 chữ: Công trình mang ý nghĩa nhân văn
Theo lãnh đạo Sở KH-ĐT tỉnh Hòa Bình, công trình lắp đặt khẩu hiệu 11 chữ hết hơn 10 tỉ đồng là công trình mang ý nghĩa nhân văn, việc xây dựng là cần thiết, trước khi xây dựng đã được cơ quan chuyện môn thẩm định đúng quy định.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình, cho biết sáng nay 28-9, lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình có kế hoạch kiểm tra, rà soát lại công trình xây lắp khẩu hiệu tạo cảnh quan trang trí khu vực đồi Ông Tượng (phường Phương Lâm, TP Hòa Bình) đang gây xôn xao dư luận những ngày qua khi công trình có 11 chữ nhưng tỉnh này chi hơn 10 tỉ đồng để xây lắp.
Liên quan đến vụ việc này, theo tìm hiểu, trong đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày vào tháng 10-2017 đã xảy ra sạt trượt nghiêm trọng tại phía đông đồi Ông Tượng và khu vực phường Chăm Mát (nay là phường Thống Nhất), phường Thái Bình (TP Hòa Bình). Đặc biệt, khu vực trụ sở các cơ quan của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nằm bên sườn phía đông đồi Ông Tượng, trên mái dốc xuất hiện 18 vết nứt.
Nhằm bảo vệ các cơ quan của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và người dân sinh sống trong khu vực, mà còn bảo đảm an toàn cho đập thủy điện Hòa Bình và quốc lộ 6, đoạn qua địa bàn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và ráo riết chỉ đạo triển khai Dự án xử lý khẩn cấp khối sạt trượt các khu vực phía đông đồi Ông Tượng và tại phường Chăm Mát (cũ), phường Thái Bình.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 340 tỉ đồng, thời gian khởi công, hoàn thành từ tháng 4-2018 đến tháng 12-2020. Tuy nhiên, theo yêu cầu mang tính cấp bách thì dự án đang rất chậm tiến độ do thiếu vốn. UBND tỉnh Hòa Bình đã có nhiều văn bản đề nghị với Chính phủ và các bộ, ngành hỗ trợ kinh phí để thi công công trình.
Đáng nói, khi dự án này chưa hoàn thành, bàn giao thì tỉnh Hòa Bình lại đồng ý cho xây dựng dự án lắp đặt 11 khẩu hiệu chồng lên dự án chống sạt lở đang triển khai dang dở.
Trả lời Báo Người Lao Động vào chiều ngày 27-9, ông Quách Tất Liêm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Hòa Bình cho biết việc xây dựng khẩu hiệu (11 chữ trên đồi Ông Tượng - PV) mang ý nghĩa giáo dục chính trị đối với cán bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đây là công trình mang ý nghĩa nhân văn, vừa tạo cảnh quan.
"Công trình nằm trên đồi cao dễ quan sát, bất cứ ai di chuyển theo đường Trần Hưng Đạo đều có thể quan sát dễ dàng cho nên việc xây dựng là rất cần thiết. Công trình đảm bảo đúng đơn giá, quy trình của nhà nước, trước khi xây dựng đã được cơ quan chuyện môn thẩm định đúng quy định"- ông Liêm khẳng định.
Khi được hỏi dự án trên chồng lấn với một dự án khác chưa thực hiện xong, ông Liêm khẳng định có việc đó. "Đúng là công trình có chồng lấn với Dự án Khẩn cấp chống sạt, trượt đồi Ông Tượng. Khi Sở thẩm định tôi cũng đã cho ý kiến về nội dung này, vì dự án cũ đang xây dựng chưa nghiệm thu bàn giao, cho nên các cơ quan chuyên môn khi làm là phải tính toán đến việc có tác động đến dự án cũ hay không, bởi dự án cũ là khung chịu lực và lớp chống thấm bề mặt để hạn chế sạt trượt".
Như Báo Người Lao Động, dư luận tại tỉnh Hòa Bình cũng như cả nước những ngày qua xôn xao trước thông tin tỉnh Hòa Bình chi hơn 10 tỉ đồng lắp đặt dòng chữ lớn với 11 chữ, tương đương mỗi chữ gần 1 tỉ đồng trên 1 ngọn đồi gần Cơ quan Tỉnh ủy Hòa Bình. Thông tin trên đã nhanh chóng được chia sẻ rầm rộ trên các diễn đàn mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng Hòa Bình là một tỉnh còn nghèo, khó khăn. Vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn về điện, đường, trường, trạm... giá như số tiền đó dành cho việc làm đường, trường, trạm thì tốt.