Vụ Chính sách thương mại đa biên: Đồng hành với quá trình hội nhập của đất nước

Với 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang thực thi và đàm phán, Việt Nam đã trở thành tâm điểm của mạng lưới khu vực thương mại tự do rộng lớn. Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của Vụ Chính sách thương mại (CSTM) Đa biên (Bộ Công Thương) trong việc đàm phán, ký kết thành công với các đối tác, tổ chức thương mại lớn trên thế giới, góp phần đưa Việt Nam lần đầu tiên trở thành nước chủ động đón đầu xu hướng hội nhập mới.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Thực hiện chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ VI về đổi mới kinh tế, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, ngày 8/11/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Vụ CSTM Đa biên, trực thuộc Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương). Với tuổi đời non trẻ, lại được giao trọng trách đảm nhận vai trò là Vụ chuyên môn, phụ trách công tác đối ngoại về kinh tế, thương mại của đất nước nói chung và của Bộ nói riêng, song Vụ CSTM Đa biên luôn chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành triển khai công tác chuyên môn và đạt nhiều bước tiến vượt bậc cả về bề rộng, bề sâu trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong giai đoạn 2015-2020, Vụ CSTM Đa biên đã chủ trì xây dựng phương án và tham gia đàm phán nhiều FTA quan trọng, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sau này là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA Việt Nam – Hàn Quốc, ASEAN - Nhật Bản… đăng cai Năm APEC 2017 và Năm ASEAN 2020, cũng như điều phối, tham gia hợp tác kinh tế-thương mại trong nhiều tổ chức, diễn đàn như WTO, ASEAN, ASEM, OECD, UNESCAP, UNCTAD… Đáng lưu ý, Hiệp định CPTPP và EVFTA được ký kết, phê chuẩn và đi vào thực thi gần đây là hai dấu ấn quan trọng để Việt Nam hoàn thiện thể chế và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, để đạt được những thành công này, các cán bộ Vụ CSTM Đa biên đã vất vả, thậm chí phải đối đấu những cuộc đàm phán “cân não” hết sức khó khăn. Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ CSTM Đa biên – chia sẻ, Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA đều là các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao. Khi mới khởi động đàm phán có nhiều nội dung còn mới mẻ với Việt Nam mà ta chưa từng đàm phán và cam kết trước đó. Do vậy, việc xây dựng phương án đàm phán và đàm phán trực tiếp với các đối tác đòi hỏi mất nhiều thời gian nghiên cứu và tìm hiểu để có thể nắm vững và đàm phán với các đối tác, từ đó đạt được lợi ích tối đa cho đất nước.

Ngoài ra, các đối tác tham gia các Hiệp định này có thể chế chính trị, xã hội, trình độ phát triển và cơ cấu kinh tế hoàn toàn khác biệt với Việt Nam do vậy sự bất đồng trong quan điểm và hướng xử lý các vướng mắc khó khăn thường kéo dài, đòi hỏi thời gian thuyết phục, sự linh hoạt và khéo léo.

Mặc dù gặp nhiều thách thức, khó khăn, song được sự quan tâm, chỉ đạo nhất quán của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ và sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, Bộ trưởng và Thứ trưởng phụ trách hội nhập kinh tế quốc tế kiêm Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế; cũng như sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của các Bộ, ngành và đơn vị có liên quan trong Bộ, và đặc biệt, các cán bộ Vụ CSTM Đa biên luôn đặt lợi ích của Đảng, nhân dân và đất nước lên trên, nên mọi khó khăn của đàm phán đều đã “vượt” qua và hoàn thành xuất sắc.

Bước phát triển vượt trội trong quá trình hội nhập

Hai Hiệp định EVFTA và CPTPP chính là dấu ấn đặc biệt trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam lần đầu tiên trở thành nước chủ động đón đầu thành công xu hướng hội nhập mới, thay cho việc trước đây thường là nước đi sau trong hội nhập so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Chính những thành công này đã được bạn bè khu vực và quốc tế đánh giá cao, đánh dấu một bước phát triển mới, vượt trội của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

Nói đến Hiệp định CPTPP, đây là hiệp định được coi khá “gian truân” khi Hoa Kỳ tuyên bố chính thức rút khỏi Hiệp định TPP vào năm 2017. Trước tình hình đó, Vụ đã hỗ trợ Bộ trưởng và Trưởng đoàn đàm phán làm việc với các thành viên còn lại TPP về các sáng kiến, ý tưởng đối với mô hình và nội dung của Hiệp định TPP mới (sau này gọi là CPTPP) để có cơ sở nghiên cứu, đề xuất hướng đi phù hợp, khả thi cho không chỉ các nước mà còn cho cả Việt Nam theo tinh thần, chủ trương đã được Bộ Chính trị và Chính phủ đưa ra. Bên cạnh đó, Vụ còn trực tiếp phối hợp với một số bộ, ngành liên quan xây dựng phương án tham gia trình Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ phê duyệt; xây dựng nội dung, kịch bản và hỗ trợ Bộ trưởng trong việc chủ trì các phiên họp cấp Bộ trưởng của các nước CPTPP về nội dung của Hiệp định.

Nhờ có sự chủ động, linh hoạt của Bộ Công Thương, Vụ CSTM Đa biên, các nước thành viên tham gia Hiệp định đã đánh giá cao vai trò dẫn dắt, quan trọng của Việt Nam trong việc kết thúc đàm phán thành công Hiệp định. “Với kết quả đàm phán này, Việt Nam là nước được dành linh hoạt nhiều nhất trong việc thực thi Hiệp định CPTPP, góp phần bảo đảm được quyền lợi và lợi ích cốt lõi của ta trong việc thực hiện các cam kết khó và nhạy cảm, giảm thiểu những tác động bất lợi mà Hiệp định có thể mang lại”- ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh.

Không chỉ thành công đàm phán, ký kết Hiệp định CPTPP, Vụ CSTM Đa biên còn chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ các nội dung trả lời, giải trình, cung cấp thông tin về Hiệp định CPTPP (nội dung cam kết, cơ hội và thách thức, những đề xuất tận dụng tốt Hiệp định, kế hoạch thực thi Hiệp định…) tại một loạt các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trong quá trình Quốc hội tiến hành thẩm tra, xem xét phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Kết quả, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP tại kỳ họp thứ 2 năm 2018 với 100% số phiếu ủng hộ.

Kết quả này đã đưa Việt Nam trở thành một trong 7 nước CPTPP đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn, tạo cơ sở pháp lý cho việc hiện thực hóa những lợi ích và cơ hội mà Hiệp định được kỳ vọng sẽ mang lại cho nền kinh tế Việt Nam”- ông Lương Hoàng Thái chia sẻ thêm.

Còn với Hiệp định EVFTA, Việt Nam và EU cũng trải qua quá trình dài một thập kỷ không ngừng nghỉ với không ít khó khăn, trở ngại, thậm chí cả sự chống phá. Trước khi Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn các hiệp định này vẫn còn có ý kiến phản đối với các lý do về các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững hay lo ngại về khả năng Việt Nam không thực thi đầy đủ các tiêu chuẩn cao của hiệp định, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước...

Tuy nhiên, phía Việt Nam đã nỗ lực trao đổi, giải thích với EU về những việc đã, đang làm để chứng minh rằng Việt Nam luôn tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế. Và cuối cùng, “trái ngọt” EVFTA đã đến ngày “hái quả”, khi ngày 1/8/2020, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực. Đây là hiệp định đầu tiên mà EU ký với một nước đang phát triển và cũng là hiệp định đầu tiên mà Nghị viện mới của châu Âu thông qua. Việc Việt Nam vận động và vượt qua được các khâu rất khó khăn đó, và đã thành công, thực sự là một sự kiện đáng nhớ, nhất là trong bối cảnh các phong trào bảo hộ thương mại ở trên thế giới xuất hiện ngày một nhiều.

Có thể nói, với vai trò là chủ lực trong việc làm đầu mối thực hiện việc đàm phán với các hiệp định quốc tế về kinh tế, thương mại, Vụ CSTM Đa biên hoàn toàn xứng đáng với sự tin tưởng của Lãnh đạo Bộ qua các thời kỳ giao phó. Đặc biệt, Vụ còn vinh dự là đơn vị duy nhất trong Bộ Công Thương được Lãnh đạo Bộ đề xuất Ban Tuyên giáo Trung ương vinh danh và tặng biểu trưng “Điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh.

Với đóng góp quan trọng vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, Vụ CSTM Đa biên đã được trao tặng phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba (2004), hạng Nhì (2006); Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2015)…

Thu Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vu-chinh-sach-thuong-mai-da-bien-dong-hanh-voi-qua-trinh-hoi-nhap-cua-dat-nuoc-143781.html