Vụ chó Alaska bị đánh đập ở Đà Lạt: Cần xử lý nghiêm
Theo luật sư, cơ quan chức năng TP Đà Lạt cần liên tục kiểm tra, xử lý những trường hợp kinh doanh dịch vụ chụp hình với chó có dấu hiệu ngược đãi động vật.
Mới đây, người dùng mạng xã hội bức xúc trước nhiều clip chó cảnh giống Alaska bị một thanh niên ngược đãi dã man.
Người này cầm cây gậy màu đen, liên tục đập mạnh vào đầu, thọc mạnh vào mặt, mõm chú chó. Lúc bị đánh, chú chó liên tục kêu rên nhưng nam thanh niên không dừng lại.
Đây là chú chó thường được nam thanh niên chở ra các địa điểm nổi tiếng của Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) như quảng trường Lâm Viên hoặc các nơi đông đúc cho du khách chụp ảnh để thu tiền.
Rất nhiều người xem các đoạn clip bức xúc với hành vi ngược đãi động vật này của nam thanh niên và yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.
Qua tìm hiểu, dịch vụ cho thuê chó chụp ảnh phổ biến nhiều năm qua ở những địa điểm du lịch của Đà Lạt như quảng trường Lâm Viên, quanh bờ hồ Xuân Hương, khu vực chợ đêm Đà Lạt. Tại quảng trường Lâm Viên, có khoảng 10 chủ kinh doanh dịch vụ với hơn 30 con chó nhiều chủng loại như Alaska, husky, poodle, samoyed. Du khách trả từ 30.000 đến 50.000 đồng cho mỗi lượt thuê chụp ảnh.
Theo luật sư Phùng Huyền, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, Luật Chăn nuôi 2018 quy định vật nuôi bao gồm gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi. Khoản 4 điều 69 Luật Chăn nuôi đã quy định không được đánh đập, hành hạ vật nuôi.
Bên cạnh đó, Nghị định 14/2021/NĐ-CP cũng quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi. Trong đó, hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi có thể bị phạt tới 3 triệu đồng theo quy định tại khoản 1 điều 29. Riêng đối với tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì bị phạt tiền gấp đôi.
Hành vi của đối xử tàn nhẫn đối với động vật trong các clip ở TP Đà Lạt là hành vi đáng lên án, không thể chấp nhận được. Đối với du khách, họ vì tình yêu đối với động vật mà muốn chụp được các bức ảnh kỷ niệm. Tuy nhiên, đối với những người kinh doanh dịch vụ này thì họ lại xem động vật là công cụ để kiếm tiền, hoàn toàn không quan tâm đến cảm xúc của du khách hay động vật.
Đáng nói hơn là hồi tháng 4-2024, các loại hình kinh doanh động vật như vậy đã từng bị cơ quan chức năng xử phạt nhưng giờ lại tiếp diễn. Thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền có thể xử lý mạnh tay và sâu sát hơn để giữ cho hình ảnh TP Đà Lạt trong mắt du khách trở nên sạch sẽ, giữ cho căn tính nhân đạo của con người được giữ lại.
Cũng theo luật sư Phùng Huyền cơ quan chức năng địa phương cần liên tục kiểm tra, xử lý những trường hợp kinh doanh dịch vụ chụp hình với chó có dấu hiệu ngược đãi động vật. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền người dân không sử dụng dịch vụ chụp hình với chó.