Vụ chủ tịch FLC thao túng chứng khoán: Người tiếp tay bị xử lý ra sao?

Luật sư cho rằng cần xem xét tư cách và mục đích thực hiện hành vi của những người giúp sức cho ông Quyết, từ đó xác định chế tài phù hợp.

Sau vụ việc Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC) bị khởi tố về tội Thao túng thị trường chứng khoán, những người thân của bị can có phải chịu trách nhiệm liên đới hay không nếu họ được xác định có vai trò tiếp tay?

 Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. Ảnh: Hoàng Hà.

Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo dõi sự việc, luật sư Hà Trọng Đại (Giám đốc Công ty Luật Hà Trọng Đại và cộng sự) nhấn mạnh hành vi thao túng thị trường của ông Quyết là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng xấu tới thị trường và gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư. Việc cơ quan chức năng khởi tố, tạm giam Chủ tịch FLC là cần thiết, có cơ sở.

Ngoài ông Quyết, luật sư nhìn nhận những cá nhân giúp sức tích cực, tạo điều kiện để bị can thực hiện hành vi đều có thể là đồng phạm trong vụ án. Tuy nhiên, quá trình xác minh điều tra, cơ quan công an cần xem xét mục đích và tư cách của họ khi thực hiện hành vi này.

Nếu những người đó thực hiện hành vi dưới danh nghĩa công ty (tức mang danh nghĩa pháp nhân), mục đích nhằm trục lợi bất chính cho đơn vị đó, chế tài áp dụng đối với công ty sẽ là phạt tiền 2-10 tỷ đồng, tùy thuộc mức độ thiệt hại gây ra cho nhà đầu tư và số tiền thu lợi bất chính họ nhận được.

Trường hợp người thực hiện hành vi dưới danh nghĩa cá nhân, tiếp tay làm lũng đoạn thị trường nhằm tư lợi bất chính, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, họ sẽ bị áp dụng chế tài hình sự theo Điều 211 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt từ 6 tháng tới 7 năm tù.

Đồng quan điểm, thạc sĩ Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) nhìn nhận những tổ chức, cá nhân liên quan sẽ bị xem xét vai trò đồng phạm trong vụ án. Ngoài trách nhiệm hình sự, họ còn phải bồi thường dân sự cho những nhà đầu tư bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

"Bị hại trong vụ án được xác định là những nhà đầu tư mua cổ phiếu thuộc 'họ' FLC như FLC, AMD, ROS, ART... trong giai đoạn ông Quyết bán 'chui' cổ phiếu, tức trong giai đoạn từ ngày 1/12/2021 tới ngày 10/1. Những người mua trước hoặc sau thời gian đó không được tính là bị hại.

Quá trình xác minh, cơ quan chức năng sẽ gửi giấy triệu tập những người này tới làm việc. Do tính chất vụ án phức tạp, có nhiều bị hại, việc xác minh cần làm việc khẩn trương nhằm đảm bảo yếu tố thời gian trong quá trình giải quyết vụ án", ông Giáp phân tích.

Ngày 29/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC) về tội Thao túng thị trường chứng khoán theo Điều 211 Bộ luật Hình sự 2015.

Cơ quan chức năng nhận định từ ngày 1/12/2021 đến ngày 10/1, ông Quyết đã chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết điều hành nhân viên Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thông đồng mua, bán chứng khoán với tần suất lớn. Mục đích nhằm tạo ra cung, cầu giả.

Hoàng Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vu-chu-tich-flc-thao-tung-chung-khoan-nguoi-tiep-tay-bi-xu-ly-ra-sao-post1305987.html