Vụ chùa Kỳ Quang 2: Không nên vì lợi nhuận mà bỏ qua những giá trị nhân văn trong tín ngưỡng

Sự việc tại chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp, TP HCM) khiến nhiều người bất bình khi tro cốt và di ảnh của người thân bị chất vào xó trong khi họ phải bỏ ra một khoản tiền lớn để có một 'dằm' tại chùa

Trụ trì nhận trách nhiệm

Những ngày qua, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện hình ảnh nhiều hũ tro cốt, di ảnh của người đã khuất được để bừa bộn giữa nền nhà, chất đống trong xó tại chùa Kỳ Quang 2 khiến nhiều người bức xúc. Nhân ngày Vu lan báo hiếu, nhiều người đến chùa Kỳ Quang 2 để thắp hương tưởng nhớ người thân đã khuất và phát hiện di ảnh bị tháo ra, tro cốt vứt vào một xó nên bức xúc.

Thượng tọa Thích Thiện Chiếu - Trụ trì chùa Kỳ Quang 2 đã nhận trách nhiệm và hứa sẽ phối hợp với các cơ quan năng để xác định ADN từng hài cốt của các thân nhân. Đầu tháng 8 Âm lịch, chùa sẽ có thông báo về việc xác định ADN hài cốt.

"Sự việc xảy ra là ngoài mong muốn của thầy và thầy xin nhận trách nhiệm về mình. Nhằm xác định chính xác hài cốt của thân nhân nào, chùa sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để xét nghiệm ADN. Mọi chi phí xét nghiệm ADN, chùa sẽ chịu hết", Thượng tọa Thích Thiện Chiếu nói.

Thượng tọa Thích Thiện Chiếu - Trụ trì chùa Kỳ Quang 2 nhận trách nhiệm về mình

Thượng tọa Thích Thiện Chiếu - Trụ trì chùa Kỳ Quang 2 nhận trách nhiệm về mình

Bình luận về vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, khi người thân của chúng ta mất đi, chúng ta đều muốn họ ra đi thanh thản, được siêu thoát để sang một thế giới mới. Với quan niệm đó, nhiều gia đình khi người thân qua đời đã chọn các hình thức như chôn cất, hỏa táng người đã mất để mong muốn người thân yên nghỉ nơi chín suối.

Sự việc vừa xảy ra tại chùa Kỳ Quang 2 khiến nhiều người rất bất bình vì tro cốt và di ảnh của người thân bị chất vào xó trong khi phải bỏ ra hơn 6 cây vàng để có một 'dằm' tại chùa. Thực tế, khi gửi tro cốt thân nhân như vậy thì người thân phải có một khoản phí đóng vào để có một "dằm" và hằng năm còn phải cúng tiền cho chùa để lưu trữ tro cốt đó. Đây được coi là thỏa thuận gửi tro cốt của thân nhân với nhà chùa.

Cần làm rõ có hành vi xâm phạm "hài cốt" hay không?

Theo luật sư Cường, hài cốt được hiểu là phần xương còn lại của người chết bao gồm cả phần tro của người chết sau hỏa táng được đựng ở trong lọ, bình gốm. Những thứ này thuộc về thế giới tâm linh rất linh thiêng của công dân theo phong tục, tập quán và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Quy định của pháp luật hiện hành thì pháp luật không chỉ bảo vệ tính mạng của con người mà còn bảo vệ tính nguyên vẹn của thi thể, bảo vệ mồ mả, hài cốt của con người sau khi chết. Do vậy hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt là hành vi xâm phạm trật tự công cộng và phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đối với người đã khuất.

Các hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt thể hiện trong thực tế rất đa dạng. Có thể là hành vi xâm phạm trực tiếp đến xác, hài cốt, tro hài cốt của người chết; xâm phạm đến sự nguyên dạng của xác, hài cốt, tro hài cốt; hoặc làm hao hụt hài cốt, tro hài cốt đã mai táng như hành vi đào phá mồ mả, phá nơi chôn thi thể hoặc hài cốt của người chết, đập phá bình đựng tro hài cốt; hành vi di chuyển vị trí chôn cất xác, hài cốt, tro hài cốt của cá nhân trái với ý chí của những người thân thích của những người chết (trừ trường hợp phải di rời mồ mả theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền); hành vi thay đổi tấm bia ghi tên người chết có xác, hài cốt, tro hài cốt dưới mộ gây ra sự nhầm lẫn với người thân thích của người chết đó; hành vi san phẳng mồ mả của người chết, làm mất dấu tích của ngôi mộ, khiến không thể phát hiện được vị trí của ngôi mộ đó; hành vi chiếm đoạt đồ vật để trong mộ, trên mộ…

Trong vụ việc này cơ quan chức năng có thể vào cuộc xác minh làm rõ tro cốt mà nhà chùa đã vứt bỏ có được xác định là "hài cốt" hay không để làm cơ sở giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.

Trường hợp có căn cứ cho thấy có hành vi cố ý xâm phạm đến hài cốt, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến tín ngưỡng thờ cúng thì người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, người vi phạm còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi sai trái của mình gây ra.

"Cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ đối tượng bị vứt bỏ, hủy hoại có phải là "hài cốt" hay không. Trong trường hợp xác định là hài cốt thì hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt" theo Điều 319 (BLHS 20150. Theo quy định: Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa; Vì động cơ đê hèn; Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt", luật sư Cường phân tích.

Nhiều người vẫn túc trực chờ trụ trì kiểm đếm các lọ tro cốt.

Nhiều người vẫn túc trực chờ trụ trì kiểm đếm các lọ tro cốt.

Cũng theo luật sư Cường, người có hành vi xâm phạm mồ mả trái pháp luật phải có trách nhiệm bồi thường về vật chất gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại (Điều 607, Bộ luật Dân sự 2015). Những loại thiệt hại này có thể tính toán thành một số tiền nhất định. Thiệt hại do mồ mả bị xâm phạm gồm những khoản như: Chi phí mua vật liệu xây dựng; chi phí thuê nhân công xây dựng, sửa chữa lại những hư hỏng, thiệt hại mà người gây thiệt hại đã gây ra...

Ngoài những chi phí trên, người xâm phạm mồ mả trái pháp luật còn phải bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của người có mồ mả bị xâm phạm. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Bình Minh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/vu-chua-ky-quang-2-khong-nen-vi-loi-nhuan-ma-bo-qua-nhung-gia-tri-nhan-van-trong-tin-nguong-20200904090726169.htm