Vụ 'chuyến bay giải cứu': Nữ bị cáo xin chịu án thay cho cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội
'Cuối cùng, bị cáo xin giảm án cho ông Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội) vì chính bị cáo đã đưa anh ấy vào vòng lao lý...', bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky) nói lời sau cùng.
Sáng 22.7, các bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" tiếp tục nói lời sau cùng trước khi HĐXX bước vào phần nghị án.
Doanh nghiệp là “nạn nhân của cơ chế xin - cho”
Trong nhóm tội “Đưa hối lộ”, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky) cho biết thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19, doanh nghiệp của bà mong muốn đưa được nhiều công dân từ nước ngoài về nước nên xin nhiều thủ tục cấp phép các chuyến bay này. Song, doanh nghiệp của bà “đưa càng nhiều công dân về nước thì tội càng nặng”.
Bà Hằng cho hay, sau khi phát hiện lỗi lầm của mình, bà mong muốn được ra tự thú nhưng sau đó lại xảy ra sự việc đáng tiếc. Kết quả cuối cùng bà đã giúp CQĐT mở rộng vụ án ở nhiều bộ, ban ngành và điều này đã được nhiều điều tra viên trong vụ án ghi nhận.
Trong thời gian nói lời sau cùng, bị cáo Hằng mong HĐXX xem xét khi lượng hình để được hưởng mức án thấp nhất. “Cuối cùng, bị cáo xin giảm án cho ông Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội) vì chính bị cáo đã đưa anh ấy vào vòng lao lý. Nếu được, bị cáo xin HĐXX cộng những ngày tháng bị giam của anh Tuấn vào bản án của bị cáo để anh ấy được về chăm sóc mẹ già và chữa bệnh”, Hằng khóc nghẹn.
Nói lời sau cùng, Lê Hồng Sơn (Tổng giám đốc Công ty Bluesky) phân trần rằng kể từ ngày khởi tố vụ án đến nay, ngày nào bị cáo cũng không thể thoát khỏi suy nghĩ hối hận, dằn vặt về các hành vi vi phạm.
“Trong vụ án này, doanh nghiệp của bị cáo vừa là người vi phạm vừa là bị hại và là nạn nhân của cơ chế xin - cho, văn hóa phong bì. Bản thân bị cáo trước khi bị khởi tố là một công dân tốt, có trách nhiệm với gia đình, xã hội”, ông Sơn nói.
Sơn mong muốn HĐXX “có một bản án công tâm, mang tính nhân văn, giáo dục, răn đe hơn là một bản án trừng phạt” để bị cáo có thể quay về với gia đình, xã hội, tiếp tục làm các công việc phát triển cho xã hội. Trước khi dừng lời, bị cáo Sơn xúc động, cúi đầu nhận tội và mong muốn HĐXX lượng hình để bị cáo có thời gian trở về chăm sóc mẹ già.
Là người tiếp theo nói lời sau cùng, bị cáo Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Công ty cổ phần giáo dục và Du lịch Masterlife) cho hay với bản lĩnh là người đứng đầu doanh nghiệp, bà chưa bao giờ có suy nghĩ tiêu cực. “Tuy nhiên, khi nghe VKS đề nghị mức án, tôi mất đi toàn bộ năng lượng, không còn suy nghĩ tích cực để cố gắng điều hành doanh nghiệp của mình nữa”, nữ bị cáo nói.
Nhưng bị cáo Xa cũng cho biết cho dù đứng đây vì mình đã vi phạm pháp luật, bà vẫn cố gắng điều hành doanh nghiệp vì tin có sự khoan hồng của pháp luật, được ghi nhận sự nỗ lực của bản thân.
Bà Mai Xa khóc và thừa nhận sai phạm, "đưa cũng đã đưa, nhận cũng đã nhận", nhưng kết quả đạt được là hàng trăm ngàn đồng bào về nước an toàn. Cuối phần trình bày, nữ bị cáo cho biết bản thân đứng đây với tư cách là người vi phạm pháp luật, các bị cáo đều ăn năn hối lỗi và tin tưởng pháp luật mang đến công bằng.
Sẽ chấp hành hình phạt thật tốt để sớm về
Ở nhóm tội "Nhận hối lộ", đứng trước bục khai báo, bị cáo Trần Văn Tân (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) cho biết trong quá trình công tác đã hết lòng, hết sức vì một Quảng Nam phát triển. Trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, bị cáo đã tận hiến tất cả những gì có thể để phục vụ nhân dân nói chung và quê hương Quảng Nam nói riêng nên không có gì phải hối tiếc.
Bản thân ông Tân nói chỉ tiếc duy nhất một điều là đã nhận quà cảm ơn bằng tiền của một vị đại diện doanh nghiệp. Sau khi bị bắt, ông Tân đã thấm thía hành vi phạm tội của mình nên ngay từ đầu đã tự viết bản tường trình thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với CQĐT, chủ động khắc phục hậu quả.
Bị cáo cho biết mình được sinh ra trong gia đình cách mạng, tứ thân phụ mẫu đều là thương binh, quá trình công tác được nhiều thành tích xuất sắc nên mong HĐXX xem xét bao dung, khoan hồng.
Theo cựu Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, đại dịch COVID-19 đã cướp đi tính mạng, sức khỏe của hàng triệu người trên thế giới trong đó có việt Nam. Riêng ở Việt Nam, đại dịch này còn gây thêm một mất mát lớn nữa, đó là mất cán bộ. “Tôi sẵn sàng chấp nhận tất cả những gì xảy ra với mình trong giây phút này, đó là sự trả nghiệp. Tôi sẽ chấp hành hình phạt thật tốt để sớm về với Quảng Nam yêu thương, trở về với vợ con”, bị cáo Tân nói.
“Đây là sai lầm hết sức nghiêm trọng với bị cáo”
Được nói lời sau cùng, bị cáo Chử Xuân Dũng (cựu Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội) bày tỏ sự ăn năn, hối cải. Ông Dũng nói: “Bị cáo phạm tội từ sai phạm trong công tác xử lý công việc. Đây là sai lầm hết sức nghiêm trọng với bị cáo, làm mất đi toàn bộ quá trình công tác, nỗ lực phấn đấu của bản thân”.
Với giọng nói trầm buồn, bị cáo Dũng cho biết bản thân rất ăn năn hối cải. Sai lầm đó không chỉ khiến bản thân phải như ngày hôm nay mà còn khiến cả gia đình gặp nhiều nhiều khó khăn, buồn tủi, suốt thời gian qua. Sai phạm của bị cáo cũng làm ảnh hưởng các cơ quan, ban ngành nơi mình từng công tác, làm việc. Bị cáo xin gửi lời xin lỗi chân thành tới Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân.
Phạm tội trong khi là Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, phụ trách văn hóa - xã hội, bị cáo Dũng thấy rằng đã làm ảnh hưởng truyền thống văn hiến, một Hà Nội thanh lịch, hào hoa. Bị cáo chân thành xin lỗi các công dân về cách ly tại Hà Nội lúc dịch COVID-19 bùng phát. Sai lầm của bị cáo đã làm công dân khó khăn càng trở nên khó khăn hơn.
“Những ngày qua, đối với bị cáo quả thực là những ngày đau khổ nhất cuộc đời. Dù tòa có tuyên mức án nào thì lương tâm của bị cáo cũng sẽ là một phán xét nữa, từ nay đến hết cuộc đời”, ông Dũng nói.
Sau cùng, bị cáo Chử Xuân Dũng bày tỏ sự mong muốn được HĐXX cho bản thân và dành cho tất cả các bị cáo một đặc ân, khoan hồng để thể hiện rõ sự bao dung của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. “Mong nhận của bị cáo một lời xin lỗi chân thành nhất”, bị cáo Chử Xuân Dũng lặng người.
Do tính chất vụ án phức tạp, HĐXX sẽ nghị án kéo dài và tuyên án vào 14 giờ ngày 28.7.